(NB&CL) - Được Công ty Cao su Phước Hòa cấp đất và bán hóa giá nhà đất từ hơn 20 năm qua nhưng nhiều cựu công nhân của Công ty này vẫn phải ngậm ngùi nhìn mảnh đất của mình bị cắt ra, cấp cho người khác…
Ông Trần Quốc Việt trình bày vụ việc với PV trong sự bức xúc
Đất của mình nhưng lại bị giao cho người khác!
Ông Nguyễn Ngọc Dũng ở ấp 1B, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo là cựu công nhân xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và cầu đường- Công ty cao su Phước Hòa (XN.SXVLXD & CĐ). Tháng 7/1992, ông Dũng được Ban Giám đốc xí nghiệp cấp cho một mảnh đất diện tích 3.500m² tại khu xây lắp của xí nghiệp để cất nhà ở và tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Ông Dũng đã cất nhà ở ổn định trên khu đất đó đến nay. Năm 1998, UBND xã Phước Hòa đã vào cắt mất 2.020m² đất của ông Dũng để phân ra thành nhiều lô đất cấp cho nhiều hộ dân từ nơi khác đến cất nhà ở. “Khi tôi không đồng ý giao đất cho người khác ở thì bị xã dọa sẽ cắt hộ khẩu, không làm giấy khai sinh cho con tôi nên đành ký giấy giao đất. Nhưng thật trớ trêu, những người mới đến ở nay đã có sổ đỏ, còn tôi làm đơn xin cả chục năm cũng chẳng được xem xét”- Ông Dũng bức xúc nói.
Tương tự trường hợp ông Dũng là ông Trần Quốc Việt cùng ấp. Năm 1995, ông Việt được Cty Cao su Phước Hòa bán thanh lý một căn nhà làm việc của Cty nằm trên mảnh đất diện tích khoảng 1.800m² tại ấp 1B và ông Việt đã phá bỏ căn nhà làm việc cũ của công ty để xây nhà mới tại khu đất trên, đồng thời cho trồng cây, bỏ công cải tạo lại khu đất. Năm 2006, UBND xã Phước Hòa đến lấy của gia đình ông Việt 1.200m² đất chia cho một số hộ dân khác mà không có thông báo cho gia đình ông biết cũng như không đả động gì tới việc bồi thường, hỗ trợ cho ông. Ông Việt lên UBND hỏi thì được trả lời đất đó là đất công, đất lấn chiếm nên không bồi thường, mặc dù ông Việt có giấy bán hóa giá nhà của Cty cao su Phước Hòa do lãnh đạo công ty lúc đó là ông Nguyễn Tất Chiến ký.
Cũng là người được xí nghiệp cấp đất từ năm 1989, ông Đỗ Xuân Trường may mắn hơn các trường hợp nêu trên vì phần đất ông đang ở chưa bị cắt ra cấp cho người khác và ông này cũng là người duy nhất trong số các gia đình công nhân của XN.SXVLXD được cấp sổ đỏ vào năm 2000. Tuy nhiên, đáng lẽ được cấp chứng nhận QSDĐ cho gần 8.000m² đất, thì ông Trường chỉ được cấp có 2.224m² đất. Trong giấy CNQSDĐ được UBND huyện Phú Giáo cấp cho ông Trường ngày 23/5/2000, thửa đất số 209 tờ bản đồ 20 với diện tích 5.378m² đã bị dùng bút bi gạch bỏ và ghi vào đó là “bỏ thửa”. Ông cho biết: “Theo tinh thần Luật Đất đai, Nhà nước ưu tiên cấp quyền sử dụng đất cho người trực tiếp sử dụng. Tôi được xí nghiệp cấp đất ởổn định từ trước năm 1993 và đến nay thực tế vẫn đang sử dụng, thì chính quyền địa phương phải xem xét cấp QSDĐ đất cho tôi, chứ đâu thể cấp rồi lại xóa đi như vậy”.
Ngoài 3 trường hợp nêu trên còn có nhiều hộ dân là cựu công nhân của Công ty Cao su Phước Hòa ở ấp 1B có hoàn cảnh tương tự như anh Đào Đức Thắng, Đặng Văn Quân bị xã thu hồi đất mà không được bồi thường. Hiện các hộ dân này đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng huyện Phú Giáo.
Dân biết kêu ai?
Được biết, vào năm 1999, trước những khiếu nại về đất đai trước đây của Cty Cao su Phước Hòa, Sở Địa chính tỉnh Bình Dương đã trình với UBND tỉnh cho thu hồi 41,5 hec ta đất của xí nghiệp xây lắp giao UBND huyện Tân Uyên quản lý (lúc đó xã Phước Hòa thuộc huyện Tân Uyên). Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng giao UBND huyện này phải chỉ đạo các phòng chức năng lập bản đồ địa chính cho từng khu đất, khi sử dụng phải lập phương án, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sử dụng đất đúng mục đích….
Thực tế, sau khi xã Phước Hòa được chia tách về huyện Phú Giáo thì toàn bộ diện tích 41,5 héc ta của Cty Cao su Phước Hòa được bàn giao về cho UBND xã Phước Hòa quản lý sử dụng. Sau đó, UBND xã đã cắt nhiều lô đất của các cựu công nhân nói trên, đem giao cho người từ nơi khác đến và nói là để thực hiện dự án tái định cư.
Ông Việt cho hay: “Khi chúng tôi khiếu nại đòi UBND xã cho xem các văn bản phê duyệt qui hoạch khu tái định cư tại đây, cũng như quyết định thu hồi đất thì xã không đưa ra được mà chỉ đưa ra các văn bản cũ trước đây của UBND tỉnh thu hồi đất của công ty giao về cho huyện quản lý”. Còn ông Nguyễn Ngọc Dũng thì cho rằng: “UBND tỉnh thu hồi đất của Công ty Cao su Phước Hòa để giao về cho UBND huyện quản lý là nhằm để Nhà nước quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp với qui định của pháp luật. Chúng tôi được Công ty cấp đất và đã sử dụng ổn định từ trước năm 1993 nên theo Luật đất đai, chúng tôi đáng lẽ phải được cấp Giấy CNQSDĐ nhưng chẳng hiểu vì lý do gì hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của chúng tôi không được xem xét?”
Trao đổi với chúng tôi, người dân ấp 1B cho biết họ rất bức xúc và mong các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương vào cuộc để thanh tra, làm rõ những khuất tất trong việc thu hồi đất, cấp đất của UBND xã Phước Hòa nhằm đem lại công bằng cho người dân,