Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, và Tánh Linh là những huyện trọng điểm lúa của tỉnh triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013...
Kết quả
Có không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm bảo hiểm cây lúa. Tuy nhiên, triển khai có hiệu quả công tác bảo hiểm cây lúa trên diện rộng, ngay trong vụ hè thu 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp UBND các huyện triển khai thí điểm trên 11 xã /3 huyện gồm: Phan Rí Thành, Phan Hòa, Phan Hiệp (Bắc Bình); Hàm Trí, Hàm Chính, Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc); Nghị Đức, Đồng Kho, Gia An, Đức Thuận, Đức Bình (Tánh Linh). Đến vụ mùa năm 2012, toàn tỉnh đã triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện của Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh, với tổng số 41 xã, thị trấn.
Trong suốt quá trình thực hiện bảo hiểm thí điểm cây lúa, theo Công ty Bảo Việt Bình Thuận và 3 huyện tham gia bảo hiểm thì chỉ có vụ mùa 2012 trên địa bàn các xã Phan Tiến, Bình An, Sông Bình và Phan Hòa thuộc huyện Bắc Bình bị ngập lụt làm thiệt hại 13,6 ha lúa và xã La Ngâu huyện Tánh Linh đã xảy ra thiên tai do nắng hạn kéo dài gây thiệt hại 7,37 ha lúa. Dù vậy, qua kiểm tra, xác minh và căn cứ vào quy tắc bảo hiểm thì năng suất lúa vụ mùa 2012 tại các xã bị thiệt hại nói trên đều cao hơn năng suất được bảo hiểm. Do đó, các trường hợp trên chưa đủ điều kiện để bồi thường.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT, đến nay các địa phương tham gia thí điểm bảo hiểm cây lúa đã triển khai thực hiện một cách thông suốt, chủ động. Trên cơ sở hình thành bộ máy chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã; gắn với việc đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động với các hình thức phong phú. Tất cả các đối tượng sản xuất lúa tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đều được hỗ trợ phí bảo hiểm, trở thành cơ hội cho người sản xuất lúa. UBND tỉnh cũng đã ban hành quy trình sản xuất lúa nước tham gia thí điểm bảo hiểm. Đây là cơ sở để người sản xuất tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tiếp cận được quy trình sản xuất mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí; là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, bồi thường khi có đủ điều kiện theo quy định bảo hiểm.
Hạn chế và khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi đó, ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, bảo hiểm cây lúa trên địa bàn tỉnh còn có sự bất hợp lý trong cách bồi thường, khiến hầu hết nông dân chưa đồng tình. Điển hình, vụ mùa 2012 trên địa bàn huyện Bắc Bình, Tánh Linh có 5 xã bị ngập lụt, nắng hạn làm thiệt hại 20,97 ha lúa. Tuy nhiên qua kiểm tra, xác minh và căn cứ vào quy tắc bảo hiểm thì năng suất lúa vụ mùa 2012 tại các xã bị thiệt hại nói trên đều cao hơn năng suất được bảo hiểm nên các trường hợp trên chưa đủ điều kiện để bồi thường. Mặt khác, tỷ lệ phí bảo hiểm áp dụng cho tất cả các vụ trong năm của tỉnh trong vụ hè thu và vụ mùa 2012 bằng 5,38% số tiền bảo hiểm và quy định mức phí mới áp dụng tại Bình Thuận bằng 4,53 % số tiền bảo hiểm. Tỷ lệ này còn cao so với thu nhập của người trồng lúa Bình Thuận. Từ những khó khăn trên, Bình Thuận chỉ có các hộ nghèo tham gia bảo hiểm cây lúa, trong khi đó các hộ cận nghèo và các đối tượng khác chưa mặn mà tham gia.
Theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, để tạo điều kiện cho Bình Thuận tiếp tục thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài chính giảm tỷ lệ phí áp dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận từ 4,53% xuống 2,19%. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm. Cụ thể, hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân thuộc diện nghèo, cận nghèo; 70% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo và 40% đối với các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm.
Sau 3 năm (2011 - 2013) triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa trên địa bàn tỉnh, Bình Thuận đã triển khai trên 5 vụ lúa, bắt đầu từ vụ hè thu năm 2012 và kết thúc vào vụ mùa năm 2013 với tổng số hộ dân tham gia là 10.862 lượt hộ, trong đó 100% lượt hộ nghèo. Tổng diện tích gieo trồng lúa tham gia bảo hiểm là 3.662,5 ha với tổng phí bảo hiểm trên 5,758 tỷ đồng. Đến nay, Công ty Bảo Việt Bình Thuận đã được thanh quyết toán 4 vụ với 8.477 số lượt hộ, tương ứng diện tích 2.858,18 ha lúa với kinh phí 4,726 tỷ đồng.
Theo báo Bình Thuận