Ngày 06/01/2014, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 03 về đấu tranh phòng, chống TPCTC; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình TPCTC (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Kế hoạch 03) do đồng chí Thứ trưởng Lê Quý Vương làm Trưởng ban.
Ngày 14/11/2017, Bộ trưởng Bộ Công an đã phê duyệt Đề án “Phòng, chống các loại TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia” (gọi tắt là Đề án 2) thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Ngày 30/01/2018, Bộ Công an ban hành Quyết định số 02 về việc thành lập Ban Chủ nhiệm Đề án 2.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 03 triển khai đến Công an các đơn vị, địa phương là một quyết định đúng đắn, kịp thời, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Bộ nhằm giải quyết tình hình TPCTC, tạo sự chỉ đạo tập trung cao độ, quyết liệt và toàn diện. Sau 5 năm triển khai thực hiện đã nâng cao nhận thức, tạo những bước chuyển biến đáng kể đối với công tác đấu tranh phòng, chống TPCTC.
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Lực lượng Công an đã thể hiện được vai trò nòng cốt, trách nhiệm cao, phối kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội khác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, TPCTC nói riêng. Chủ động phối hợp, xác lập nhiều chuyên án, vụ án lớn triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm, tạo thế trận đồng loạt tấn công, trấn áp tội phạm.
Trong giai đoạn 05 năm thực hiện Kế hoạch số 03, toàn quốc xảy ra 264.611 vụ phạm pháp hình sự, đã điều tra khám phá 205.187 vụ, bắt xử lý 400.218 đối tượng. Lực lượng Công an toàn quốc đã triệt phá 11.767 băng nhóm, 56.355 đối tượng. Trong đó, số băng nhóm thuộc diện đã được rà soát, lập danh sách quản lý, đấu tranh làm tan rã 2.109 băng nhóm, đạt tỷ lệ khá cao (73,6%).
5 năm qua lực lượng Cảnh sát hình sự đã đấu tranh, triệt phá 11.767 băng nhóm với 55.355 đối tượng, trong đó có những băng nhóm lưu manh, côn đồ, hình sự cộm cán, có dáng dấp hoạt động theo kiểu “xã hội đen” và băng nhóm hoạt động tinh vi, “núp bóng”… qua đó góp phần rất quan trọng kiềm chế, làm giảm sự gia tăng phức tạp của tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Công an một số địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện những kế hoạch, chuyên đề đấu tranh tội phạm mang tính đón đầu, phù hợp với đặc thù tính chất tội phạm điển hình trên địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Tây Ninh với các chuyên đề như TPCTC núp bóng doanh nghiệp, tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm lưu động, các đối tượng hình sự dùng thủ đoạn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần; trộm cắp liên tỉnh tại các công sở… Trên cơ sở kết quả tích cực của những kế hoạch này, Ban Chủ nhiệm Đề án 2 đã nghiên cứu, tiếp thu và đề xuất lãnh đạo Bộ có những kế hoạch triển khai trên phạm vi toàn quốc, góp phần chủ động phòng ngừa tội phạm.
Trâm Anh