(CLO) Các dự án bị loại bỏ do đề nghị từ các địa phương, dự án chưa có chủ đầu tư hoặc năng lực chủ đầu tư kém, nguồn nguyên liệu không đảm bảo...
[caption id="attachment_137566" align="aligncenter" width="640"]
Bộ Công Thương đưa ra quan điểm quy hoạch hệ thống sản xuất thép là quy hoạch “mềm” có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đảm bảo huy động hợp lý có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế. (Ảnh Internet)[/caption]
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần 2 quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn chỉnh.
Cụ thể, 12 dự án dự kiến bị loại bỏ so với Dự thảo 1 là Nhà máy phôi thép Lào Cai; Nhà máy sản xuất gang Thiên Thanh tại Lào Cai; Dự án đầu tư khu liên hợp gang thép Khoáng sản Việt do Công ty Cổ phần khai thác Khoáng sản Việt làm chủ đầu tư, đặt tại Cao Bằng; Nhà máy luyện thép Hà Giang;
Nhà máy luyện gang và phôi thép Sơn La; Nhà máy sắt xốp và gang thép Bắc Kạn; Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao do Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam làm chủ đầu tư đặt tại Ninh Bình; Nhà máy thép Việt Ý giai đoạn 2 do Công ty cổ phần thép Việt Ý làm chủ đầu tư tại Hưng Yên;
Nhà máy luyện gang thép Quảng Bình; Nhà máy thép HK và thép CLC 2 giai đoạn do Công ty thép Thủ Đức, thép Biên Hòa làm chủ đầu tư.
Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 03 và Nhà máy thép Hậu Giang 2 giai đoạn, do Tổng công ty Thép Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tổng công suất thiết kế dự kiến của 12 dự án trên là 1.350 tấn gang, sắt xốp và 6.520 tấn phôi vuông/năm. Nguyên nhân của việc dừng các dự án trên do có những một số dự án có quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo. Có những dự án triển khai chậm, năng lực chủ đầu tư kém, không thuộc phạm vi quy hoạch. Đặc biệt, có những dự án do địa phương đề nghị bỏ.
Theo bản dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra quan điểm quy hoạch hệ thống sản xuất thép là quy hoạch “mềm” có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đảm bảo huy động hợp lý có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế.
"Quy hoạch là căn cứ pháp lý để các Chủ đầu tư đề xuất dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo qui định của pháp luật về đầu tư. Các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc triển khai các dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch", dự thảo nêu rõ.
Một số giải pháp về vốn đầu tư được nêu ra như huy động vốn của các thành phần kinh tế thông qua việc thành lập các công ty cổ phần trong nước, tiến tới phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước hoặc các dự án đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài đối với các dự án luyện thép quy mô phù hợp.
Tuy nhiên, đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi kèm với các tiêu chí cao hơn như: cần lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư vào công đoạn thượng nguồn, sản xuất thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao, thép hình lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.
Mới đây, trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đề cập việc ngành thép vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng tỉ USD mỗi năm nên không có lý do gì để không tiếp tục phát triển các dự án thép.
Giang Phan