(CLO) Ngày 21/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
[caption id="attachment_134417" align="aligncenter" width="600"]
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ với Bộ Nông nghiệp và PTNT[/caption]
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến ngày 10/11, Bộ đã nhận 503 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Số nhiệm vụ đã hoàn thành là 352 nhiệm vụ, trong đó đúng hạn 288, quá hạn 64. Số nhiệm vụ đang giải quyết 128, trong đó có 14 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa hoàn thành.
Tại buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường mới nhận nhiệm vụ trong thời gian chưa lâu, nhưng đã hết sức quyết liệt, trách nhiệm với công việc được giao, giải quyết nhiều điểm nóng. Tuy nhiên, qua Tổ công tác, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT giải trình, làm rõ, tập trung khắc phục 7 vấn đề.
Đó là các vấn đề về nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; công tác xây dựng nông thôn mới; vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; công tác bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp và vấn đề về cơ chế hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản, đặc biệt tập trung hỗ trợ người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, giải pháp xử lý lượng hải sản tồn đọng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, các vấn đề trên đã tồn tại trong một thời gian dài, Bộ đã có cố gắng khắc phục, nhưng Thủ tướng Chính phủ và người dân mong muốn nỗ lực nhiều hơn và Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Về nguyên nhân một số nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chưa hoàn thành, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng số lượng nhiệm vụ lớn, nhiều nhiệm vụ phức tạp trong khi thời gian thực hiện ngắn. Lãnh đạo Bộ cũng cam kết thời hạn hoàn thành cụ thể với từng nhiệm vụ.
Giải trình về một số vấn đề, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển đổi bước đầu quan trọng, từ một nền nông nghiệp hành chính bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường về nông nghiệp… Tuy vậy, về bản chất, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn nhỏ bé dựa trên sản xuất nông hộ là chính. Chất lượng nông nghiệp, năng suất lao động, thu nhập của người nông dân rất thấp. Thực tế đó đòi hỏi phải tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp.
Nhìn nhận lại kết quả đạt được sau quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết đã có bước chuyển về nhận thức của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ này. Tái cơ cấu đã đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất những giải pháp để tháo gỡ cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới, trong đó tập trung vào sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh, sản phẩm của từng địa phương. Xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư, bên cạnh đó là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Muốn thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần phải chỉnh sửa Nghị định 210/2013/NĐ-CP, bởi Nghị định này đang có sự cào bằng trong chính sách hỗ trợ đối với các địa phương. Ngoài ra còn phải tháo gỡ được vấn đề tín dụng và điều rất quan trọng là cần nghiên cứu chính sách để nới hạn điền.
Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao và ghi nhận các giải trình, đề xuất của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổ công tác sẽ báo cáo đầy đủ Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới thể chế, quản lý, phân cấp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế. Bởi 14 nhiệm vụ nợ đọng của Bộ đều liên quan tới công tác xây dựng thể chế, gồm việc xây dựng 9 nghị định và 5 đề án. Bộ trưởng nhận xét, đây chính là “nợ đọng thể chế”.
“Có đơn vị rất trách nhiệm, nhưng cũng có đơn vị được giao nhiệm vụ để quá hạn quá nhiều, đặc biệt là Tổng cục Thủy sản, cả 3 nhiệm vụ đều chậm trễ tới hàng năm. Chính phủ kiến tạo thì Bộ phải kiến tạo”, Bộ trưởng nói và nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng là “dứt khoát không để có khoảng trống pháp lý” và vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ đọng văn bản.
Về 7 vấn đề Thủ tướng lưu ý, đây đều là những vấn đề chiến lược rất khó, đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất, Bộ cần tiếp thu nghiêm túc, có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể. Tinh thần là các đơn vị thuộc Bộ phải thay đổi tư duy trong xây dựng thể chế. “Nếu có vướng mắc giữa các Bộ thì kịp thời báo cáo, Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì, mời các bên ngồi lại để xử lý sẽ giải quyết được ngay”, Bộ trưởng cho biết.
PV