Trả lời câu hỏi về tài sản thu nhập của các cán bộ lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP), Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng khẳng định "tài sản thực tế và kê khai là khớp đúng".
Tại cuộc họp báo TTCP hôm nay (11/4), sau khi nhận được một loạt câu hỏi về thu nhập trong ngành thanh tra, ông Trần Đức Lượng giải trình: Thanh tra viên cũng là công chức, thu nhập dựa trên lương theo thang bảng như quy định của pháp luật, có thêm một số phụ cấp thâm niên, nghề, trách nhiệm, bồi dưỡng tiếp công dân, chế độ công tác phí... theo quy định nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ.
"TTCP cũng như ngành thanh tra có thêm nguồn nữa là nguồn được trích để lại từ phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi và đã thực thu về ngân sách nhà nước, được trích lập vào quỹ để mua sắm trang thiết bị phục vụ yêu cầu của hoạt động thanh tra, nhưng có một phần chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ thanh tra", ông Lượng nói.
Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng: Không có thông tin nào nói việc kê khai tài sản là không minh bạch
Với câu hỏi "sao cán bộ thanh tra nhiều tài sản", Phó Tổng TTCP cho rằng không khó giải thích: Nguồn gốc tài sản của nhiều người, nhiều cán bộ công chức, người dân không phải chỉ là thu nhập của chính người đó mà còn của các thành viên trong gia đình.
"Bố làm thanh tra nhưng vợ, con kinh doanh, hoàn toàn dễ hiểu. Không nên gắn thu nhập cụ thể của một người cụ thể với khối tài sản mà người ta phải kê khai. Vì theo quy định của pháp luật, họ phải kê khai tài sản của mình, của vợ và con chưa thành niên", theo ông Lượng chỗ này phải rất rõ ràng mạch lạc.
Riêng với thông tin tài sản của một số cán bộ lãnh đạo TTCP, trong đó có Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh, được cho là "không minh bạch", ông ho biết: Chưa thấy chỗ nào khẳng định tài sản của các trường hợp này là không minh bạch.
"Có những trường hợp đã được kiểm tra, kết luận là tài sản thực tế và kê khai là khớp đúng, việc kê khai là chính xác, đầy đủ, không thể nói là không minh bạch. Có trường hợp không chỉ kê khai một lần mà kê khai hàng năm để phục vụ đánh giá cán bộ, có sự xem xét đối chiếu bản cũ bản mới xem có khớp đúng không. Cho đến nay chúng tôi chưa có thông tin nào là việc kê khai hàng năm có sự sai lệch, mà khớp đúng, logic, theo đúng quy định của pháp luật là kê khai tài sản của mình, vợ và con chưa thành niên".
Ông Lượng nói thêm: Một số đồng chí trong giai đoạn gần đây có bước trưởng thành tiến bộ, được bổ nhiệm. Và mỗi lần bổ nhiệm cũng kê khai tài sản, được thẩm định bởi cơ quan thẩm định hồ sơ cán bộ.
"Tôi khẳng định không có thông tin nào nói việc kê khai tài sản là không minh bạch, mà chỉ có một kết luận là các đồng chí đã kê khai đúng theo quy định của pháp luật", theo ông Lượng "phải rất thẳng thắn với nhau ở chỗ này".
Đối với việc công khai, quản lý và sử dụng bản kê khai tài sản, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho biết việc này đã được quy định cụ thể trong luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, một nghị định của Chính phủ và một thông tư của TTCP.
"Việc này liên quan đến bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ", ông Lượng nói. "Chúng tôi không khẳng định là trong nội bộ tuyệt đối không có khiếu nại tố cáo, nhưng nếu báo chí nhận được các đơn thư như vậy hãy trao đổi với chúng tôi, cao nhất là Tổng TTCP sẽ phân công các lãnh đạo, cán bộ cục vụ viện làm việc để thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan cho báo chí".
Phó Tổng TTCP cũng cho biết cơ quan này được giao xây dựng đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, đã trình và được Chính phủ cho ý kiến, tới đây sẽ tiếp tục xin ý kiến của UB Thường vụ QH để sau đó QH thông qua.
"Minh bạch tài sản thu nhập là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, tất nhiên mỗi nước có mức độ công khai minh bạch khác nhau. Bộ Chính trị đã có chỉ thị yêu cầu đảng viên phải tiền phong gương mẫu trong thực hiện việc minh bạch tài sản và thu nhập", ông Trần Đức Lượng nói.
Theo VietNamNet