Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về thách thức lớn nhất của ngành Giáo dục trong năm 2023

Chủ nhật, 22/01/2023 19:01 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, năm 2023, ngành giáo dục sẽ phỉ đối mặt với rất nhiều thách thức, một trong những thách thức lớn là thực hiện thành công năm trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Nhiều thách thức

Năm Quý Mão 2023 được đánh giá là năm chứng kiến nhiều thay đổi, bứt phá lớn của nhiều lĩnh vực đời sống xã hội trong đó có giáo dục.

Một năm mới đến với nhiều chờ đợi, kỳ vọng sự đổi mới từ giáo dục mang lại. Trả lời báo chí về những thách thức và nhiệm vụ của giáo dục trong năm 2023, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục trong năm 2023 có rất nhiều thách thức đặt ra, nhưng một trong những thách thức lớn là thực hiện thành công năm trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mà cụ thể là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra.

bo truong nguyen kim son noi ve thach thuc lon nhat cua nganh giao duc trong nam 2023 hinh 1

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (ảnh TL).

Theo đó, để thực hiện công cuộc đổi mới thành công cần rất nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực về mặt tài chính đóng vai trò rất quan trọng.

Nguồn lực này giúp các địa phương có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cơ sở vật chất: trường học, lớp học, trang thiết bị phòng học, thực hành, dụng cụ học tập,...

Nếu như các địa phương, các tỉnh thành phố không tập trung nguồn lực cho công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi coi đó là những thách thức và đã có những kiến nghị đối với các bộ, ngành, đồng thời đề nghị cũng như phối hợp với các địa phương để cố gắng xử lý tốt những việc này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, những vấn đề như đảm bảo giáo viên cho đổi mới, đặc biệt là đảm bảo đội ngũ giáo viên cho những môn học mới trong chương trình cũng được xem là những thách thức trong quá trình đổi mới.

“Chúng tôi tin rằng với sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành cùng sự chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc có trách nhiệm địa phương thì những khó khăn thách thức đó có thể sớm được giải quyết”, ông Nguyễn Kim Sơn bày tỏ hy vọng.

Đổi mới giáo dục là trọng tâm 

Bàn về nhiệm vụ của giáo dục trong năm 2023, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có những nhiệm vụ mới và cả những nhiệm vụ tiếp nối những gì đã và đang làm.

Trong đó có một số việc thuộc trách nhiệm giải trình của ngành Giáo dục và Đào tạo trước đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội liên quan đến đổi mới giáo dục phổ thông, đến vấn đề sách giáo khoa...

“Chúng tôi nghĩ, đây cũng là dịp để cả xã hội hiểu hơn về những việc ngành đã làm. Dịp này, chúng tôi sẽ đề xuất với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc có thể điều chỉnh vài chính sách để phát triển giáo dục trong thời gian sắp tới" - Bộ trưởng chia sẻ.

Năm 2023 theo ông Nguyễn Kim Sơn là năm quan trọng, tập trung nhiều việc của ngành trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông vì đây là điểm giữa kỳ cho việc đổi mới của chương trình.

“Những thay đổi lớn đều tập trung vào năm này và chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo, trao đổi, phối hợp với các địa phương để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với một năm mà có nhiều lớp cùng thay đổi chương trình thì các điều kiện cần chuẩn bị cũng đặt ra yêu cầu cao và nhiều hơn các giai đoạn trước”, Bộ trưởng Sơn nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong năm 2023, Bộ dự kiến hoàn tất việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới, đây cũng là bậc học quan trọng mang tính nền tảng.

Khi ban hành chương trình giáo dục mầm non mới, phối hợp với việc đổi mới ở giáo dục phổ thông và những điều chỉnh đổi mới ở giáo dục đại học, sẽ tạo thành tổng thể cho sự đổi mới.

Những việc này cần phải có sự chuẩn bị rất nhiều điều kiện, để sau khi được phê duyệt vào năm 2023, sẽ được triển khai vào các năm tiếp theo một cách tốt nhất.

“Chúng tôi nghĩ năm 2023 vẫn là một năm mà chúng tôi sẽ tăng cường trên phương diện củng cố các điều kiện đảm bảo chất lượng. Trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo, đó là nhiệm vụ quan trọng.

Trong năm 2023, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, phát triển và xây dựng các cơ sở dữ liệu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của toàn ngành nhằm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, để một bước nữa có thể đổi mới hoạt động quản trị, quản lý Nhà nước đối với ngành giáo dục và phối hợp với các bộ, ngành trong thời gian sắp tới” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Hoàn thiện chính sách để giáo dục đại học phát triển mạnh hơn

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, trong năm 2023, đối với giáo dục đại học, đây là một năm sẽ có một vài điều chỉnh chính sách, để làm cho tự chủ đại học trong thời gian sắp tới đi vào chiều sâu, đầy đủ hơn và tạo thêm điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

“Đây cũng là năm mà chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ rất lớn đó là việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các trường đại học sư phạm trọng điểm, quy hoạch các trường chuyên biệt trong cả nước” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, còn có những nhiệm vụ, chương trình, đề án Chính phủ giao cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới như: tăng cường văn hóa học đường, an toàn trường học, phòng, chống đuối nước, vệ sinh an toàn thực phẩm an toàn trường học,… Cùng với đó là tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Luật Nhà giáo là một bộ luật rất quan trọng và đang trong thời kỳ đề xuất. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình, thuyết minh sự cần thiết, định hướng của Bộ luật này trước Chính phủ.

“Chúng tôi mong muốn rằng Bộ luật này sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, là cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ, là cơ sở chăm lo, chế độ chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, quản trị đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững.

Có thể nói đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bài bản và bền vững trong tương lai” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Ngoài ra theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các công việc khác cũng được xem là những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành như: tiếp tục thúc đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành, gia tăng các kết nối trong ngoài, trên dưới hệ thống... đang tiếp tục được chúng tôi tiến hành và xác định là các nhiệm vụ cần thực hiện trong năm.

Một việc thường xuyên nhưng cũng rất quan trọng phải làm trong năm là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đây là kỳ thi diễn ra trên toàn quốc đòi hỏi chúng tôi phải dồn sự chỉ đạo và chuẩn bị cho việc này.

Cùng với đó, có rất nhiều những việc thường xuyên khác Bộ vẫn phải làm tiếp, chẳng hạn cho tới thời điểm này dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát nhưng về những ảnh hưởng, dù bước đầu đã có những bù đắp, khắc phục trong năm qua nhưng đó không phải là việc chỉ làm trong một năm có thể giải quyết được mà cần phải có thời gian nhiều hơn cho những bù đắp, qua đó dần khắc phục những thiếu hụt mà dịch bệnh gây ra.

Ngoài ra, còn có những nhiệm vụ, chương trình, đề án Chính phủ giao cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới như: tăng cường văn hóa học đường, an toàn trường học, phòng, chống đuối nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn trường học,…

Một lần nữa Bộ trường Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Đối với năm 2023 - năm mà nhiệm vụ và thách thức cũng không nhỏ hơn năm 2022, trong quá trình đổi mới sẽ có nhiều nhiều vấn đề mới mẻ, bỡ ngỡ, không chỉ đối với người học mà còn đối với phụ huynh.

“Tôi mong rằng, toàn thể xã hội, các bậc phụ huynh, các năm vừa qua đã luôn đồng hành, hỗ trợ với ngành giáo dục, với các nhà giáo trong mọi hoạt động thì trong quá trình đổi mới sẽ có sự chia sẻ, đồng hành cùng với ngành.Sự đồng hành này không chỉ đem lại những điều tốt đẹp cho các bạn học sinh, cho các thầy cô giáo mà còn cho cả ngành giáo dục” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023 là một năm mà ông mong muốn toàn ngành, tất cả các nhà giáo, đứng trước những thách thức trong thời gian vừa qua đã hết sức nỗ lực, đã hết sức cố gắng, thì tiếp tục ra sức nỗ lực, cố gắng để hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh, nhiệm vụ rất lớn mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cùng nhân dân giao phó.

Trong nhiệm vụ lớn của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, có thể nói Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng đã và đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nhà giáo.

"Những cố gắng và nỗ lực của nhà giáo đang được ghi nhận, đang được hỗ trợ, những khó khăn đang từng bước được giải quyết. Mong rằng đội ngũ nhà giáo sẽ tiếp tục vững tin, nỗ lực, cố gắng và chắc chắn thành công sẽ đến với tất cả chúng ta" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng.

 

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Các trường học tại Thái Nguyên khắc phục hậu quả sau lũ, đón học sinh trở lại

Các trường học tại Thái Nguyên khắc phục hậu quả sau lũ, đón học sinh trở lại

(CLO) Mưa lũ lịch sử đã gây thiệt hại lớn cho ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên. Ngay sau khi nước rút, các trường học đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo đón học sinh đi học trở lại theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025.

Giáo dục
Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển

Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển

Ngày 19/9, Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển. Tham dự buổi lễ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Giáo dục
Quảng Bình cho học sinh nghỉ học để ứng phó với bão số 4

Quảng Bình cho học sinh nghỉ học để ứng phó với bão số 4

(CLO) Trước những diễn biến mới của cơn bão số 4, sáng ngày 19/9, Sở Giáo dục-Đào tạo Quảng Bình có công văn chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục cho học sinh các cấp học nghỉ học từ chiều 19/9/2024 cho đến khi thời tiết bình thường trở lại.

Giáo dục
Đề nghị các tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng bão lũ

Đề nghị các tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng bão lũ

(CLO) Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục căn cứ mức độ thiệt hại của người dân, xem xét, quyết định hỗ trợ học phí.

Giáo dục
Phú Thọ vẫn có nhiều hộ dân bị ngập, nhiều học sinh vẫn chưa đến trường

Phú Thọ vẫn có nhiều hộ dân bị ngập, nhiều học sinh vẫn chưa đến trường

(CLO) Tỉnh Phú Thọ cho biết, có 194 trường học, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hạ Hòa bị ảnh hưởng bởi bão. Ước tính thiệt hại của ngành Giáo dục tỉnh khoảng trên 4 tỷ đồng.

Giáo dục