Một số chuyên gia dự báo năm 2018 có thể sẽ chứng kiến làn sóng bùng nổ của các startup trong lĩnh vực y tế với nhiều ý tưởng độc đáo, đặc biệt là nhờ sợ hỗ trợ của công nghệ. Năm 2017, tổ chức y tế phi lợi nhuận PATH đã thực hiện một vài chương trình y tế mang tính thử nghiệm tại Việt Nam, trong đó ứng dụng công nghệ mới nhất để tìm ra các giải pháp tối ưu cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam. 2 trong số các chương trình này được Bộ Y tế chính thức chấp thuận để trở thành chương trình y tế mang tầm quốc gia.
Qua đó, Việt Nam hy vọng sẽ đạt được những thành tựu mới trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Một động lực tăng trưởng khác cho thị trường chăm sóc sức khỏe còn đến từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vốn đang diễn ra rầm rộ. Theo kỳ vọng của các chuyên gia y tế, ngành y tế sẽ được hưởng lợi khi tận dụng được các công nghệ mới nhất mà cuộc cách mạng này mang lại.
Điển hình như bên cạnh sự phát triển rầm rộ của các mô hình kinh doanh offline như chuỗi nhà thuốc, chuỗi bệnh viện và phòng khám..., một xu thế mới chớm nở trong thời gian gần đây là mô hình chăm sóc sức khỏe trực tuyến (online medical). Không chỉ đi kèm với những ứng dụng công nghệ mới nhất trong y tế, đó còn là sân chơi để kết nối hữu hiệu giữa giới y bác sĩ và người dân, giúp tiết giảm các chi phí trung gian.
Thị trường chăm sóc sức khỏe với quy mô hơn 90 triệu dân của Việt Nam đang trở thành đích đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Y tế thông minh đang phát triển theo cách chúng ta ứng dụng công nghệ máy tính vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Thứ nhất là y tế điện tử (e-health) đã có, sử dụng máy tính để theo dõi hồ sơ bệnh án và chia sẻ chúng từ nơi này sang nơi khác. Thứ hai là y tế di động (m-health) đã có, có thể nắm bắt hoặc truy cập thông tin y tế trên thiết bị di động. Thứ ba, khi có y tế điện tử, y tế di động thì sẽ đến thời đại của y tế thông minh, vì bây giờ có các thiết bị có sẵn trí thông minh. Giờ đây, các hệ thống y tế hỗ trợ của chúng ta có thể làm mọi thứ, có thể "nghĩ" theo cách nào đó.
Các bác sĩ có thể sử dụng các hệ thống thông minh nhân tạo để giúp họ chẩn đoán, nhưng giờ đây đã có một báo cáo về dữ liệu Fitbit được sử dụng để giúp chẩn đoán bệnh nhân và xác định cách điều trị tốt nhất. Bệnh viện sẽ có ít giường bệnh hơn so với hiện tại vì nhiều lý do, bao gồm: tập trung nguồn lực nhiều hơn cho phòng chống bệnh tật; rút ngắn thời gian làm chẩn đoán hình ảnh và làm xét nghiệm dẫn đến thời gian nằm viện ngắn hơn; sử dụng rộng rãi các can thiệp không xâm lấn cho phép thời gian hồi sức ngắn; và chăm sóc ngoại trú và quản lý bệnh tại nhà được triển khai rộng rãi.
Nhân lực tại các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu tốt hơn, và được đầu tư trang thiết bị tốt hơn, có nhiều điều kiện hơn trong chẩn đoán bệnh, chăm sóc và quản lý bệnh mà không cần phải đến bệnh viện. Chỉ định nhập viện gần như chỉ còn dành riêng cho những bệnh nhân mắc bệnh cấp tính nặng. Bệnh viện đa khoa sẽ dần dần được thay bằng các bệnh viện chuyên khoa vì người bệnh chỉ thích đến các bệnh viện chuyên khoa phù hợp nhất với bệnh của họ.
Bệnh viện sẽ giống khách sạn bốn sao hoặc năm sao hơn là hình ảnh của bệnh viện hiện hữu. Phần lớn công việc quản trị bệnh viện thông thường (thủ tục nhập viện và xuất viện) sẽ được thực hiện thông qua màn hình touchscreens. Bệnh án điện tử sẽ được cập nhật tự động mỗi khi có một y lệnh về chỉ định xét nghiệm, và khi có kết quả ngay lập tức sẽ thông tin đến những người có liên quan, kể cả bệnh nhân. Phần mềm ứng dụng tinh vi sẽ liên tục tích hợp các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân với các thông số trên máy theo dõi người bệnh và kết quả xét nghiệm, ngay lập tức sẽ đề xuất can thiệp và thậm chí bắt đầu điều trị, và sau đó theo dõi hiệu quả của can thiệp điều trị. Mặc dù sẽ có ít nhân viên y tế hơn, nhưng công tác chăm sóc bệnh nhân sẽ tốt hơn.
Trợ lý điều dưỡng sẽ chịu trách nhiệm thường xuyên trong quản lý bệnh nhân. Giảm bớt thời gian "lãng phí" về quản lý, các công việc thường nhật, và đi lại giữa các khoa, phòng sẽ giúp bác sĩ và y tá có nhiều thời gian hơn để tương tác và liên lạc với bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Khi nhập viện, bệnh nhân sẽ được trang bị một số đầu dò đa cảm ứng không xâm lấn và liên tục theo dõi các thông số. Những dữ liệu này sẽ được chuyển về hệ thống điều khiển trung tâm của bệnh viện và liên tục giám sát và cảnh báo đến nhân viên y tế của bệnh viện để đi kiểm tra bệnh nhân khi cần thiết.
Nhờ công nghệ telemedicine, bệnh nhân xuất viện sẽ tiếp tục được bệnh viện quản lý từ xa bởi cùng đội ngũ cán bộ y tế đã chăm sóc họ trong thời gian nằm viện. Với màn hình lớn và webcam, thông qua videocall, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi không xâm lấn nếu cần, bệnh nhân sẽ có thể hoàn tất việc kiểm tra theo dõi thường xuyên với điều dưỡng hoặc bác sĩ, và có thể thảo luận về bất kỳ vấn đề mới phát sinh hoặc còn lo ngại nào. Có thể kể đến các trường hợp tiêu biểu như bệnh ung thư sẽ được phát hiện sớm hơn so với trước đây nhờ những thiết bị theo dõi sức khỏe gắn trên cơ thể, máy tính sẽ giúp phát hiện các tổn thương mà trước đây rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường, các ca phẫu thuật sẽ được tiến hành dễ dàng hơn nhờ sự trợ giúp của robot.
Ngày càng có nhiều ứng dụng giúp người dùng nói chuyện trực tiếp với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu, hình thành các bác sĩ 24/7. Hay như sinh mệnh của hàng triệu người sẽ được cứu nhờ thế hệ xe cứu thương thông minh hơn khi phân tích dữ liệu về các tai nạn đã được số hóa trước đó, cũng như tự xác định con đường nào nhanh nhất đi đến bệnh viện. Trong khi đó, những phát kiến về phát hiện và can thiệp sớm bệnh tiểu đường sẽ giúp giảm chi phí điều trị bệnh cho người dân. Hệ thống y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Hoàn Mỹ cũng xây dựng riêng ứng dụng tư vấn trực tuyến VieVie Healthcare, hướng tới hoàn thiện chuỗi kinh doanh từ offline đến online, tạo sự thu hút, dễ tiếp cận cho người bệnh cũng như giúp cải thiện vị thế cạnh tranh so với các đối thủ...
Hãng công nghệ nổi tiếng Microsoft cũng kết hợp với đối tác trong nước là CLAS Healthcare cung cấp các dịch vụ y tế thông minh như Basic24x7. Đây là một ứng dụng dựa trên công nghệ Microsoft Bot Framework cho phép nhân viên y tế kết nối và tư vấn trực tuyến với người bệnh. Hệ thống còn ứng dụng dữ liệu lớn (Big data), giúp các chuyên gia y tế đưa ra những lời chẩn đoán chính xác, nhanh chóng nhất cho bệnh nhân.
Bên cạnh chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và người dân, thì công tác bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho đội ngũ y tế cũng nhận được nhiều ý tưởng trước thực trạng bạo hành y tế ngày càng gia tăng. Một bác sĩ đã trình bày ý tưởng về việc ngăn chặn hành vi bạo hành chỉ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn. TS. BS Đinh Xuân Thành - Giảng viên, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Trường đại học Y Hà Nội cho biết, đây là một hệ thống an ninh thông minh phục vụ riêng cho việc bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế, được phát triển trên ý tưởng giải pháp công nghệ của anh và Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cùng triển khai.
Mục tiêu cao nhất của ý tưởng này là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cán bộ y tế trong những tình huống khẩn cấp. Với hệ thống này, bác sĩ Thành cho biết có thể sử dụng, tích hợp dễ dàng với các trang thiết bị hiện có trên người của cán bộ y tế và các trang thiết bị sẵn có của bệnh viện. Đặc biệt, khi có hành vi bị bạo hành, chỉ trong vòng 2 giây, cán bộ y tế đó sẽ được hệ thống xác định vị trí và danh tính, đồng thời các thiết bị báo động được kích hoạt, thông báo đến bộ phận an ninh, cảnh sát trật tự để có sự hỗ trợ kịp thời. TS BS Đinh Xuân Thành kỳ vọng, mô hình trên sẽ là giải pháp thiết thực, giải quyết tốt nhất một cách chủ động vấn đề bạo hành y tế.
Thị trường chăm sóc sức khỏe với quy mô hơn 90 triệu dân của Việt Nam đang trở thành đích đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặc dù còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, nhưng Việt Nam vẫn là thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh và ngày càng nhiều các công ty, tổ chức tham gia khai phá thị trường với hơn một nửa dân số đang sử dụng internet./.
Huyền Thu