Bùng nổ thị trường chứng khoán: Nhiều dấu hiệu tích cực hơn là tiêu cực?

Thứ sáu, 12/11/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp xô đổ những kỷ lục về chỉ số, thanh khoản, khối lượng giao dịch và nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Chưa bao giờ thị trường chứng khoán chứng kiến dòng tiền tỷ USD dồn dập đổ vào mỗi phiên như những ngày qua.

Giá nhiều cổ phiếu lên đỉnh cao lịch sử. Khi thị trường sôi động cơ hội nhiều nhưng rủi ro cũng không nhỏ. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia tài chính cho rằng việc bùng nổ nhà đầu tư mở tài khoản tham gia thị trường chứng khoán là có, nhưng ở hướng tích cực hơn tiêu cực.

Giao dịch kỷ lục lên 52.000 tỷ đồng/phiên

Nếu như trước đây, nhà đầu tư (NĐT) luôn mong chờ những phiên giao dịch tỉ USD (khoảng trên 23.000 tỷ đồng) trên thị trường chứng khoán (TTCK) thì từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch của thị trường đã vượt xa con số đó. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 3/11 vừa qua, hàng triệu NĐT không thể tin vào mắt mình khi giá trị giao dịch đạt gần 52.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,3 tỷ USD, bỏ xa kỷ lục 37.000 tỷ đồng được lập vào đầu tháng 6. Trong đó, dòng tiền trong nước hoàn toàn chiếm áp đảo với hơn 95%, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm dưới 5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

bung no thi truong chung khoan nhieu dau hieu tich cuc hon la tieu cuc hinh 1

“Điểm danh” dòng vốn cực lớn này, ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán (CK) Đông Á chỉ rõ bên cạnh nguồn tiền đến từ các NĐT cá nhân lẫn tổ chức trong nước, NĐT nước ngoài thì các công ty CK, công ty bảo hiểm và các ngân hàng (NH) cũng mạnh tay đầu tư CK trong những tháng vừa qua.

Đầu tư CK thậm chí là giải pháp gỡ khó cho không ít doanh nghiệp (DN) trong những tháng tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19. Số lãi từ thị trường này đã giúp họ thoát lỗ, có tiền duy trì hoạt động. Một nguồn tiền nữa đến từ việc hàng loạt công ty CK tăng vốn lên gấp đôi thời gian qua. Số dư cho vay ký quỹ của các công ty CK trên thị trường đến hết quý 3/2021 đã lên mức kỷ lục với 154.000 tỷ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á phân tích: Nếu như trước đây người Việt Nam có những kênh đầu tư để lựa chọn như vàng, bất động sản, ngoại hối, gửi tiết kiệm và CK thì nay kênh vàng và ngoại hối không còn hấp dẫn nhiều. Do chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới quá cao nên nhiều người sợ rủi ro. Với ngoại hối, dự trữ của NH Nhà nước đã lên trên 100 tỷ USD và vẫn còn gia tăng nên tỷ giá khá ổn định, yếu tố đầu cơ bị triệt tiêu. Riêng lãi suất tiết kiệm ngày càng kém hấp dẫn khi liên tục giảm từ mức trên 7 - 7,5%/năm hồi đầu năm xuống quanh 6%/năm hiện nay.

“Rõ ràng các kênh đầu tư đã thu hẹp hơn, chỉ còn CK, bất động sản được chú trọng. Trong 2 kênh đó, CK lại dễ dàng có cơ hội sinh lời với số tiền đầu tư ít hơn nên dòng tiền nhiều nơi chảy vào TTCK là dễ hiểu. Nếu trước đây, giao dịch của khối ngoại chiếm từ 15 - 20% trên thị trường thì hiện nay chỉ chiếm khoảng 6 - 7% và hầu như không tác động nhiều đến tâm lý NĐT trong nước. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn liên tục bán ròng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường do dòng tiền trong nước đã thay thế hoàn toàn”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.

Chứng khoán có tăng nóng?

Có sự “nóng, sốt” trên thị trường chứng khoán, theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu. Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 2,91% và đạt 3,48% trong quý I/2021 nhưng vẫn thấp hơn nhiều độ tăng của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm đã khiến dòng tiền từ tiết kiệm dịch chuyển qua chứng khoán và bất động sản. Hiện đây có thể xem là 2 kênh hấp dẫn nhà đầu tư nhất.

Với thị trường chứng khoán, chỉ cần vài chục triệu đồng cũng có thể mua cổ phiếu đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Đặc biệt, với nhà đầu tư cá nhân, họ thường theo tâm lý đám đông, mua bán ào ào giúp chứng khoán lập đỉnh.

“Thị trường chứng khoán vốn là kênh giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu huy động vốn để phục vụ cho sản xuất - kinh doanh là tốt cho nền kinh tế. Nhưng nếu thị trường tăng nóng, giá cổ phiếu tăng vượt giá trị thực của doanh nghiệp gấp nhiều lần có thể gây rủi ro cho người mua giá cao. Nếu không kiểm soát tốt có thể xảy ra hiện tượng bong bóng, ảnh hưởng đến nền kinh tế” - TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian ngắn đã tăng mạnh, cùng với nhiều kỷ lục đã được phá nhưng nhìn lại cả quá trình và so sánh ở các nước thì không gọi là tăng nóng. “Chúng ta đã đi chậm, lại thêm vừa qua có sự tăng tốc nên nhìn có vẻ bứt phá mạnh”.

bung no thi truong chung khoan nhieu dau hieu tich cuc hon la tieu cuc hinh 2

Dưới góc nhìn của TS Lê Đạt Chí - Phó trưởng Khoa Tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP. HCM - trong bối cảnh các ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động khiến thị trường chứng khoán và bất động sản trở thành 2 kênh thu hút nhà đầu tư nhất. Nhìn ở góc độ vĩ mô, kinh tế Việt Nam hiện tại so với các quốc gia khác vẫn đang rất tốt, tăng trưởng cao ở giai đoạn dịch COVID-19.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế nhận định mối quan hệ giữa giá cổ phiếu với tình hình tài chính của doanh nghiệp không được gắn chặt như trước đây, thậm chí có phần trở nên lỏng lẻo. Khi kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp khó khăn, phá sản; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng giảm nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại liên tiếp lập kỷ lục và đã có lúc trở nên hưng phấn thái quá. Điều này khiến vai trò “hàn thử biểu” nền kinh tế của thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu bị lung lay, quan ngại.

2025 - Sẽ đạt mục tiêu 5% dân số đầu tư chứng khoán

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây đã thông báo về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán (TKGD) của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày 31/10/2021.

Cụ thể, tổng số tài khoản giao dịch trong nước đạt 3.823.304 tài khoản, trong đó gồm nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99,6% số lượng tài khoản tương ứng 3,81 triệu tài khoản, số lượng nhà đầu tư tổ chức chỉ đạt 12.572 tài khoản. Tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 38.707 tài khoản, trong đó, nhà đầu tư cá nhân là 34.603 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức đạt 4.104 tài khoản.

Như vậy, tháng 10 năm nay số lượng tài khoản mở mới đạt 129.751 tài khoản, 10 tháng đầu năm đạt 1,086 triệu tài khoản. Bình quân mỗi tháng thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận hơn 108.600 tài khoản mới gia nhập. Sự bùng nổ gia nhập thị trường này bằng cả 4 năm trước đó cộng lại.

Trước đó, số tài khoản chứng khoán gia nhập mỗi năm rất hạn chế, ngay cả trong con sóng lớn 2017-2018, số tài khoản chứng khoán mở mới giao dịch cũng chỉ ở mức hơn 200.000 tài khoản mỗi năm.

Đây là sự bùng nổ tạo ra một làn sóng mạnh chưa từng có trong lịch sử phát triển của chứng khoán Việt Nam 20 năm qua. Theo nhiều chuyên gia tài chính, nếu tốc độ tham gia thị trường của người dân được giữ vững thì mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán của Chính phủ sẽ sớm đạt được.

Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án Cơ cấu lại Thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025 mới đây đã đưa ra mục tiêu quy mô của thị trường chứng khoán đạt 120% GDP vào năm 2025. Mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt 5% vào năm 2025. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6. Trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.

Mục tiêu chung của Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

bung no thi truong chung khoan nhieu dau hieu tich cuc hon la tieu cuc hinh 3

Dù số lượng nhà đầu tư cá nhân gia tăng mạnh mẽ trong năm nay, song so với quy mô dân số hiện khoảng 97,3 triệu người, thì tỷ lệ người dân đầu tư chứng khoán mới ở mức 3,9% so với tổng dân số. Con số rất khiêm tốn so với số tài khoản/dân số của các thị trường khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc chứ chưa nói đến nhưng “trung tâm tài chính” như Singapore hay Hongkong.

Trong một bài phân tích mới đây, ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng dù có sự gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm gần đây, số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số cả nước, và con số này tương đương với tỷ lệ người dân Đài Loan (Trung Quốc) có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân vào năm 1986.

“Hiện Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ người dân tham gia thị trường chứng khoán của quốc gia lên 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030. Đây là những mục tiêu khả thi nếu so sánh với quá trình gia nhập thị trường của các nhà đầu tư cá nhân ở Đài Loan tại giai đoạn phát triển kinh tế tương tự với Việt Nam hiện nay”, ông Michael Kokalari phân tích tỷ lệ tham gia ngày càng cao của các nhà đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán dù còn khiêm tốn so với những “Con hổ châu Á” như Đài Loan khi các nền kinh tế này ở giai đoạn phát triển tương tự với kinh tế Việt Nam hiện tại, và các mảng dịch vụ kiến tạo nên một thị trường chứng khoán hiện đại vẫn đang được sắp xếp để đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng kỳ vọng.

Đề án của Chính phủ có một mục rất chú trọng vào sự phát triển của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Theo đó, Đề án nhấn mạnh việc cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân bằng việc ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp để phân loại nhà đầu tư, tiến tới cấu trúc lại các loại sản phẩm và thị trường theo nhóm nhà đầu tư; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ và nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc cho phép các công ty chứng khoán mở tài khoản trực tuyến (e-contract) và xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC). Đây là những giải pháp công nghệ đã và đang được triển khai trong 2 năm qua, nhờ đó số luợng tài khoản mới bùng nổ mạnh, bất chấp dịch bệnh.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn