Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019):

Bước ngoặt bất ngờ của một kỳ tích lịch sử

Thứ ba, 07/05/2019 11:40 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày này 65 năm trước, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Để: "Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một một nước thực dân dùng mạnh", thực sự đã không thể thiếu những đòn quyết chiến chiến lược, những bước ngoặt bất ngờ.

Từ bài toán mang tên "Pháo đài bất khả xâm phạm"

Sau gần tám năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1945-1953), thực dân Pháp đã phải chịu những tổn thất rất nặng nề: khoảng 90.000 quân bị loại khỏi vòng chiến đấu, không kể hàng chục vạn quân viễn chinh đang bị giam chân trên chiến trường Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam; tiêu tốn khoảng hơn 2000 tỷ franc. Sau Thu - Đông năm 1950, quân Pháp càng lún sâu vào bế tắc. Trong khi đó tình trạng kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã đẩy nền kinh tế của nước Pháp lâm vào khủng hoảng trầm trọng, các phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương của nhân dân Pháp ngày càng lan rộng, mâu thuẫn trong giới cầm quyền Pháp ngày càng gay gắt. Chỉ trong vòng 8 năm tiến hành chiến tranh Đông Dương, nội các Chính phủ Pháp đã phải thay đổi tới 18 lần. 

Nhưng nước Pháp không chấp nhận việc thế trận trên chiến trường Đông Dương đang nghiêng dần về phái quân đội Việt Minh. Hoặc ít nhất, nước Pháp cần một "lối thoát danh dự". Từ mưu cầu ấy, Pháp viện tới sự hậu thuẫn từ nước Mỹ. 

Từ sự hậu thuẫn ấy, tháng 5/1953, tướng Pháp Henri Navarre được cử sang Việt Nam làm Tổng chỉ huy quân viễn chính Pháp ở Đông Dương.

Là tướng 4 sao, đương kim Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương (NATO), tướng Pháp Henri Navarre mang trong mình sự kiêu hãnh và tự tin lớn. “Kế hoạch Nava” ra đời từ đó, với kỳ vọng của viên Tổng chỉ huy là trong một thời gian ngắn sẽ giành một thắng lợi quyết định về quân sự, xoay chuyển tình thế cuộc chiến ở Đông Dương, chuyển bại thành thắng.

Đầu tháng 7/1953, “Kế hoạch Nava” được Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua.

Quân Pháp nhảy dù tăng cường lực lượng xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 12/1953.

Quân Pháp nhảy dù tăng cường lực lượng xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 12/1953.

Nava chia kế hoạch tác chiến thành hai bước: Bước thứ nhất, trong Thu Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở 18 độ vĩ tuyến bắc trở ra; tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu 5. Bước thứ 2, nếu đạt được bước thứ nhất sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự lo lớn, buộc ra phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.

Máy bay C47 – Dacota chuyển hàng xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 1954.

Máy bay C47 – Dacota chuyển hàng xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 1954.

Ngày 20/11/1953, Pháp bắt đầu cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Từ ngày 20 đến ngày 22/11/1953, Pháp đã ném xuống cánh đồng Mường Thanh 6 tiểu đoàn dù, khoảng 4.500 quân.

Ngày 03/12/1953, Navarre chính thức quyết định xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau khi nghiên cứu, xem xét và cân nhắc những điều kiện thuận lợi tại thung lũng lòng chảo phía Tây Bắc Việt Nam.

Ngày 7/12/1953, Đại tá Christian de Castries được Cogny và Navarre chỉ định làm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự độc lập. Nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành cụm cứ điểm, gọi là "trung tâm đề kháng theo kiểu phức hợp", có lực lượng cơ động, hỏa lực riêng, hệ thống công sự vững chắc, chung quanh là hào giao thông và hàng rào dây kẽm gai, khả năng phòng ngự khá mạnh. Mỗi một phân khu gồm nhiều trung tâm đề kháng kiên cố như vậy. Mỗi trung tâm đề kháng, cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm, đều có hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, chịu được đạn pháo 105mm. Hệ thống công sự phụ (hàng rào, bãi dây thép gai, bãi mìn) dày đặc, hệ thống hỏa lực rất mạnh. Bên cạnh đó là hàng ngàn km dây kẽm gai, chôn hàng vạn các loại mìn: mìn phát sáng, mìn sát thương, mìn cóc nhảy, mìn chứa xăng khô napalm để thiêu cháy hàng loạt bộ binh... Phương tiện chống đạn khói, máy hồng ngoại tuyến bắn đêm, áo chống đạn, súng phóng lựu hiện đại nhất cũng được cung cấp.

Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ cũng hùng mạnh không kém với 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu - sau đợt 1 được tăng thêm 4 khẩu nguyên vẹn và cho đến ngày cuối cùng được thả xuống rất nhiều bộ phận thay thế khác), 1 đại đội pháo 155 ly (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 ly (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M24 Chaffee của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng).

Hỗ trợ cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là lực lượng không quân Pháp và không quân dân sự Mỹ. Tổng cộng Pháp huy động 100 máy bay C-47 Dakota, cộng thêm 16 máy bay C-119 của Mỹ. Máy bay ném bom gồm 48 chiếc B-26 Invader, 8 oanh tạc cơ Privater. Máy bay cường kích gồm 227 chiếc F6F Hellcat, F8F Bearcat và F4U Corsair.

Để phục vụ tốt nhất cho việc viện trợ quân Pháp tại Điện Biên Phủ, ngoài hai sân bay (sân bay chính ở Mường Thanh và sân bay dự bị ở Hồng Cúm), 3/1954, một cầu hàng không được Mỹ thiết lập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines đến Bắc Bộ. Rồi từ các sân bay Cát Bi, Gia Lâm lên Điện Biên Phủ nhằm đáp ứng nhanh chóng những thứ quân Pháp cần. 

Với những bước chuẩn bị, trang bị kỹ càng ấy, cả phía Pháp và Mỹ đều tự tin cho rằng Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả chiến bại", là "cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh".

Tới quyết tâm sắt đá "phải tập trung hoàn thành cho kỳ được" 

Tuy nhiên, cả người Pháp và Mỹ đều đã nhìn nhận sai lầm. Với quân đội Việt Nam, tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là việc không dễ dàng nhưng không có nghĩa là không thể. 

Cuối tháng 9/1953, tại khu ATK (an toàn khu) Định Hóa, Thái Nguyên, Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở Hội nghị bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Bộ Chính trị khẳng định kế hoạch Na va tuy có thể gây cho kháng chiến những khó khăn mới, nhưng bản thân nó là một sản phẩm bị động, nên chứa nhiều mâu thuẫn và có nhiều nhược điểm không thể khắc phục được. Hội nghị xác định phương châm chiến lược là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt với quyết tâm giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên phạm vi toàn Đông Dương”. Chủ trương tác chiến của bộ đội ta trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào hướng quân Pháp sơ hở, đồng thời bằng đánh vận động tranh thủ cơ hội tiêu diệt sinh lực địch khi quân Pháp đánh sâu vào vùng tự do. Điểm mấu chốt của chiến lược là tập trung nỗ lực tìm cách phân tán các binh đoàn cơ động chiến lược của Pháp vừa được tổ chức, xây dựng.

Bộ Tổng Tư lệnh QĐNDVN nhìn nhận trận Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược, là cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng vang dội để từ đó chấm dứt chiến tranh. Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương”.

Tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên , Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông – Xuân (1953 – 1954), Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 6/12/1953.

Tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên , Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông – Xuân (1953 – 1954), Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 6/12/1953.

Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp. Người chỉ thị cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được…”.

Chuyện kể rằng ngày 5/1/1954, trước khi lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ ở Khuổi Tát.

Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?” Đại tướng trả lời: Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị. Bác động viên: “Tổng tư lệnh mặt trận, “tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.”

Khi chia tay, Người dặn dò Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. 

Bước ngoặt lịch sử và kì tích huy hoàng 

"Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng". Ta nhìn nhận rõ quân đội Việt Nam tham gia chiến dịch tuy nhiều hơn quân Pháp, song về hỏa lực và phương tiện chiến tranh thì quân Pháp có ưu thế. Mặt khác, Pháp được bảo vệ trong hệ thống công sự trận địa vững chắc. Nếu không có phương án tác chiến đúng đắn thì khó có thể thắng địch. Đó cũng là nỗi trăn trở ngày đêm của Đại tướng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ba phần tư lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Thống soái đã dồn lên chiến trường. Nếu chiến dịch không thắng, hơn bốn đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Ngày 12/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ cùng đến sở chỉ huy thì được biết phía ta và cố vấn đã thống nhất sẽ nổ súng mở màn chiến dịch vào ngày 20/1, với phương châm là “Đánh nhanh giải quyết nhanh” trong vòng 3 đêm 2 ngày.

Về phần mình, Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp xác định cần tiếp tục suy nghĩ để nắm chắc tình hình thực tế hơn nữa và tìm thêm những yếu tố có thể dẫn đến giành thắng lợi bằng cách đánh nhanh hay không.

Và rồi, sau 11 ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” và 1 đêm thức trắng, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời chỉ huy của mình là thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. 

Sau khi lùi thời gian mở màn chiến dịch đến ngày 25/1/1954, rồi lùi thêm một ngày đến 26/1 với lý do khó khăn trong việc kéo pháo vào, chưa đảm bảo sức khoẻ…, sáng ngày 26/1, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - đã nêu rõ quyết định của mình: tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “Đánh chắc tiến chắc”. 

Quyết định ấy chính là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp cũng là "chìa khóa mở để có thể mở cánh cửa tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được coi là bất khả xâm phạm"- nhìn nhận của Đại tá - PGS, TS Trần Ngọc Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. 

1_onxq

Với quyết định này, ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ được lùi lại một tháng rưỡi so với kế hoạch đã được xác định. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã chủ động chuyển sang vây hãm dài ngày; triệt phá đường tiếp tế; xây dựng trận địa và đường cơ động cho pháo binh, đào hàng trăm ki-lô-met đường hào, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến được trong mọi điều kiện; tập trung binh hỏa lực tiêu diệt từng cứ điểm; tạo thế chia cắt cô lập với bên ngoài và giữa các cứ điểm, các trung tâm đề kháng với nhau, đảm bảo cung cấp đủ vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho 50.000 bộ đội và hàng vạn dân công tại mặt trận... Đặc biệt là việc mở hàng chục km đường để đưa pháo vượt đỉnh cao ngàn mét để vào tận trận địa (sau thất bại Điện Biên Phủ, nhiều tướng lĩnh và học giả Pháp cho rằng yếu tố Việt Minh có trọng pháo là một trong những bất ngờ lớn nhất của quân Pháp ở Điện Biên). 

Kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hơn 20 nghìn chiếc xe đạp thồ tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hơn 20 nghìn chiếc xe đạp thồ tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, ta chính thức mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ tại Trung tâm đề kháng Him Lam, một trong những cụm cứ điểm mạnh nhất của Pháp nằm phía Đông Bắc Tập đoàn cứ điểm. Lần đầu tiên ta đã sử dụng hiệu quả sức mạnh của lựu pháo 105mm và cao xạ bắn hiệu chỉnh, mở cửa để bộ binh xông lên tiêu diệt địch. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp ra thực địa quan sát, chỉ đạo chiến dịch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp ra thực địa quan sát, chỉ đạo chiến dịch.

Sau 5 ngày (từ 13/3- 17/3), ta đã làm chủ Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Chiến thắng này mở rộng cánh cửa phía bắc Điện Biên Phủ và khích lệ tinh thần chiến sĩ.

Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 30/3 đến 30/4, tiến công vào tập đoàn cứ điểm phía Đông, gồm các ngọn đồi C1, E, D, A1. Trong đợt tiến công lần 2, một thời gian biểu mới được áp dụng cho bộ đội là ngủ ngày, đánh suốt đêm. Ta dùng chiến thuật vây lấn bằng hệ thống giao thông hào dần bao vây, siết chặt, đào hào cắt ngang cả sân bay, vào tận chân lô cốt cố thủ của địch. Đây là đợt tiến công gay go, quyết liệt, hai bên giành nhau từng tấc đất, giao thông hào. Sau một tháng chiến đấu, Việt Minh làm chủ nhiều cứ điểm, pháo cao xạ 37 mm của Việt Minh ngày càng tiến sâu vào trận địa. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày càng suy yếu và mất dần sức chiến đấu.

Thừa thắng xông lên, quân đội Việt Nam mở đợt tấn công lần 3, từ ngày 1/5 đến 7/5. Ta đã thực hiện được một việc không tưởng khi đào được một đường hầm ngầm trên Đồi A1 từ vị trí của ta đến gần hầm chỉ huy cứ điểm của Pháp, đặt khối thuốc nổ 960kg để tiêu diệt lô cốt quan trọng này.

Ngày 06/5/1954, vào lúc 20 giờ 30 phút, khối bộc phá 960kg nổ trên Đồi A1 báo hiệu ngày tàn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ta nhanh chóng tiến lên tiêu diệt các vị trí còn lại, và chiếm được cứ điểm A1 sau gần 8 tiếng chiến đấu.

Ngày 07/5/1954, quân ta từ các hướng tiến thẳng vào hầm chỉ huy của De Castries. Không có sự kháng cự, De Castries cùng Bộ chỉ huy quân Pháp và sau đó là toàn bộ quân đồn trú từ các hầm trú ẩn và các cứ điểm ra hàng.

Chiều ngày 07/5/1954, Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho quân đội ta tung bay hiên ngang trên nóc hầm sở chỉ huy của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, người Pháp chính thức thất thủ tại Điện Biên Phủ và buộc phải ngồi vào bàn Hội nghị Geneve bàn về vấn đề Đông Dương. 

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries đánh dấu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries đánh dấu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.

Ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneve được ký kết, Pháp và các nước tham gia công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, rút quân khỏi Đông Dương.

Hội nghị Geneve (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Hội nghị Geneve (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ thực sự đã là chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra một trang mới không chỉ đối với Việt Nam, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nhân loại với sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ. 

Hà Anh 

Tin khác

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.

Tin tức
Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPT tiếp tục xem xét, nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp sản phẩm (cột điện - PV) tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3 nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực thiết kế, công nghệ, quy trình kiểm chuẩn, kiểm soát chất lượng và có cam kết trách nhiệm.

Tin tức