Kỷ nguyên mới của Internet - Kỷ nguyên mới của truyền thông:

Các tòa soạn đang được định hình lại trong kỷ nguyên mới

Thứ tư, 19/06/2024 16:28 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sự phát triển thần tốc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới của internet nói chung và truyền thông nói riêng. Và trong bối cảnh đó, các tòa soạn trên thế giới đang dần định hình lại để có thể hòa mình vào xu thế của thời đại này.

Bài liên quan

Thách thức khổng lồ cho các tòa soạn

Trí tuệ nhân tạo chỉ mới bắt đầu bùng nổ vào cuối năm 2022 đầu năm 2023, song tác động của nó đã diễn ra sâu rộng về mọi mặt trên toàn thế giới, đặc biệt lĩnh vực truyền thông. Tuy nhiên, câu chuyện AI và báo chí vốn có từ rất lâu trước đó.

Trở lại năm 2018, khi đó hai tổ chức có tên NewsWyze và RFE/RL đã hợp tác trong một dự án điều tra liên quan đến hàng triệu trang tài liệu bằng các ngôn ngữ khác tiếng Anh rất khó phân tích. Nhằm giải quyết vấn đề này, họ đã phát triển một công cụ AI có tên GIST, công cụ này tạo ra các bản tóm tắt dễ đọc về các bài báo và nội dung âm thanh. GIST được hình thành từ thời tiền ChatGPT, trước khi AI trở thành chủ đề nóng như ngày nay.

cac toa soan dang duoc dinh hinh lai trong ky nguyen moi hinh 1

Báo chí thế giới đang tìm hướng đi và mô hình để bắt kịp với xu hướng truyền thông mới. Ảnh minh họa: Reuters Institute

Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy những nhà tiên phong trong thế giới báo chí đã biết trước các lợi thế và cả tác động của AI đối với ngành của mình. Tuy nhiên, báo chí không phải những tập đoàn công nghệ đủ tiềm lực để dẫn dắt cuộc chơi. Cũng giống như những kỷ nguyên trước đây của internet và truyền thông, báo chí chỉ có thể xây dựng khả năng thích ứng và tìm ra mô hình tốt nhất để duy trì nghề nghiệp của mình.

Ngay cả việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình tòa soạn hay cách thức đưa tin cũng đã vô cùng nan giải với báo chí trong mỗi kỷ nguyên mới. Nó không phải chỉ là việc cài đặt lại phần mềm, cập nhật lại ứng dụng... trong công nghệ. Mỗi cuộc chuyển đổi trong báo chí là một thách thức khổng lồ,  phức tạp... đến nỗi không phải tòa soạn nào cũng có thể làm được.

Như đã biết, trong kỷ nguyên số gần đây, rất nhiều tòa báo đã tìm ra được hướng đi mới, đầy hứng khởi và hy vọng, khi đã có thể dứt bỏ được sự phụ thuộc vào các công cụ đề xuất của Google hay Facebook, sẵn sàng bỏ theo đuổi lượng truy cập để đổi lấy quảng cáo. Đó là việc đặt “bức tường phí” trước các bài viết của mình hay thông qua hình thức đăng ký thuê bao đọc báo trả tiền.

New York Times là một trong số tòa báo đã thiết lập mô hình đăng ký bền vững trong ngành và nhiều tờ báo khác trên khắp thế giới cũng đã thử nghiệm các mô hình khác nhau để cố gắng tồn tại. Một số khác, chẳng hạn như The Independent, chỉ lên mạng vào đầu năm 2016, nhưng hầu hết đều thiết lập các mô hình đăng ký trực tuyến tương tự.

Nhưng với thời đại của chatbot và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nói chung tới đây, thì mọi cố gắng bảo vệ các bài báo của mình là vấn đề cực kỳ khó khăn đối với báo chí, khi mà người dùng có thể yêu cầu chatbot tóm tắt tin tức hoặc thậm chí sao chép toàn bộ bài viết mà lẽ ra phải đứng sau tường phí.

Các tòa soạn không tin kiếm được tiền từ các công ty AI

Trong khảo sát của Viện Báo chí Reuters được công bố trong báo cáo Dự đoán và Xu hướng Báo chí, Truyền thông và Công nghệ 2024, có tới gần một nửa trong số 324 lãnh đạo truyền thông ở 56 quốc gia được hỏi cho rằng họ sẽ kiếm được rất ít tiền từ bất kỳ thỏa thuận cấp phép nội dung nào với các công ty AI. Trong khi đó, 35% tin rằng phần lớn số tiền sẽ vào tay các công ty truyền thông lớn. Chỉ 5% cho rằng số tiền sẽ được chia tương đối đồng đều giữa tất cả các tổ chức truyền thông.

cac toa soan dang duoc dinh hinh lai trong ky nguyen moi hinh 2

Thách thức là vô cùng lớn, nhưng chẳng phải thế mà báo chí sẽ khoanh tay đứng nhìn. Thực tế, những chỉ dẫn, những hướng đi mới đã xuất hiện để giúp thế giới báo chí có thể thích ứng trong kỷ nguyên truyền thông tiếp theo tới đây - khi mà các chatbot, các mô hình AI mới sẽ là những kẻ thống trị (không còn là các MXH hay Google nữa, dù đằng sau chúng vẫn là những gã khổng lồ công nghệ như Alphabet, Microsoft hay Meta).

Thay đổi từ cách thức hoạt động, mô hình cho đến cách kể chuyện

Song xét cho cùng, các chatbot có thể tóm tắt hay thậm chí viết lại bất cứ tin bài nào từ nội dung của báo chí hay những nguồn tin bản quyền khác, nhưng chắc chắn chúng không thể đưa ra một bài viết mang tính độc đáo, đi sâu vào đời sống của con người hay có thể khiến độc giả say mê.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, báo chí có thể sẽ phải từ bỏ cuộc chạy đua “kiếm view” thông qua việc đưa thật nhiều tin tức nhất có thể… Bởi tất cả điều đó không còn nhiều ý nghĩa về giá trị thương mại hay thông tin, trong thời đại mà chatbot của các ông lớn công nghệ (Big Tech) đang và sẽ thống trị việc đưa tin đơn thuần, thông qua thuật toán AI “tinh vi” và ưu thế thống trị tuyệt đối trên không gian mạng.

Mauricio Cabrera - nhà phân tích truyền thông và là người sáng lập Story Baker, từng nói trên chuyên trang về báo chí Poynter.org rằng: “Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng tương lai sẽ đòi hỏi các phương tiện truyền thông phải giống như tạp chí và báo in: với ít nội dung hơn nhưng chất lượng tốt hơn”.

Có nghĩa, báo chí có thể buộc phải thu hẹp quy mô của mình, thậm chí sẽ phải ít “đưa tin” hơn! Thật “khó chấp nhận”, nhưng báo chí không thể né tránh thực tại đang diễn ra. Nhưng bù lại, chúng ta không đi rộng mà sẽ đi sâu hơn, bằng thứ báo chí chất lượng và có ảnh hưởng lớn hơn, thay vì những dòng tin tức nhạt nhẽo liên tục và “gần như giống nhau” trên mọi mặt báo.

Ben Werdmuller - một nhà tiên phong công nghệ trong lĩnh vực báo chí và từng tham gia vào các dự án của New York Times và Associated Press, cũng thừa nhận: “Các tòa báo đang tìm cách đưa tin bằng AI như một cách để cắt giảm chi phí và có nhiều tin bài hơn sẽ bị chìm trong một biển nội dung nhạt nhẽo... Các tòa báo bám vào các chiến thuật SEO và mạng xã hội theo cách truyền thống sẽ thấy rằng chúng ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn”.

Báo chí với sự độc đáo của những con chữ, sự sáng tạo và nỗ lực cá nhân của từng nhà báo, từng tòa soạn..., như những bài báo điều tra hay một bài phóng sự đầy nhân văn, sẽ trở lại là “nguồn sống” chính cho báo chí tới đây.

Không tách mình khỏi thời đại và ngăn cản bánh xe lịch sử

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa báo chí sẽ tách mình ra khỏi xu thế thời đại của AI. Thậm chí, nếu báo chí tự tách mình ra khỏi dòng chảy công nghệ hay ngăn cản bánh xe lịch sử, thì cũng có nghĩa sẽ tự hủy hoại mình.

Báo chí sẽ không nên bị cuốn theo dòng chảy AI đang do những gã khổng lồ công nghệ điều hướng, mà tận dụng lợi thế công nghệ này mang lại, đơn giản AI không chỉ của riêng Big Tech, mà của toàn thế giới - giống như máy tính, như internet hay điện thoại vậy.

Báo chí sáng tạo, thậm chí báo chí độc bản, cũng không nên phủ nhận hay chống lại AI mà còn bổ sung cho nhau. Ví như, báo chí tương tác, một nhánh báo chí có truyền thống lâu đời và đang phát triển, cũng sẽ tìm thấy sức sống mới nhờ AI. Sự “thông minh”, khả năng tìm kiếm và kết nối các dữ liệu gần như vô tận của AI cũng sẽ có thể tạo ra những bài báo đa chiều, có nhiều sự đóng góp chung của cộng đồng.

Chúng ta đang đứng trước thời kỳ phục hưng của truyền thông, trong đó vai trò của AI không chỉ là một công cụ mà còn là một đối tác trong quá trình báo chí. Sự hợp tác này đòi hỏi sự cân bằng tinh tế, đảm bảo rằng trong khi chúng ta tận dụng hiệu quả và hiểu biết sâu sắc những gì mà AI có thể mang lại. Mặt khác, chúng ta cũng phải bảo tồn giá trị không thể thay thế của quan điểm và sự sáng tạo của con người.

cac toa soan dang duoc dinh hinh lai trong ky nguyen moi hinh 3

Các tòa soạn phải trở nên “công nghệ” hơn

Xu hướng tòa soạn AI đang được xem là chiến lược hàng đầu và là giải pháp cho kỷ nguyên mới đối với nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới. Công ty trò chơi Blizzard Entertainment, tập đoàn giải trí Walt Disney và hãng tin New York Times đều đang đầu tư tiền vào đó. Theo Grand View Research, vào năm 2022, thị trường toàn cầu về AI trong truyền thông và giải trí ước tính đạt gần 15 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 18,4% từ năm 2023 đến năm 2030. Có nghĩa rằng, các tòa soạn sẽ càng phải “công nghệ” hơn trong tương lai để có thể thành công.

Các tòa soạn mới sẽ như thế nào?

Sẽ còn phải trải qua một thời gian dài và phải vượt qua nhiều thách thức, thế giới báo chí mới có thể định hình được tương lai của chính mình. Tuy nhiên, như đã nói có một điều không thể phủ nhận rằng các tòa báo buộc phải định hình lại và không thể tách rời AI.

Thực tế, thế giới báo chí đã bước lên con tàu của thời đại AI và đang cố gắng kiểm soát nó. Hầu hết những hội thảo, những hội nghị về báo chí trong gần 2 năm qua trên thế giới đều liên quan đến AI. Những khảo sát hay nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng các tòa báo trên thế giới đều đang thay đổi, định hình lại để thích ứng với sự thay đổi với kỷ nguyên mới của internet, của truyền thông mới.

Trong một cuộc khảo sát được công bố trong Dự đoán và Xu hướng Báo chí, Truyền thông và Công nghệ 2024 của Viện Báo chí Reuters, hơn một nửa các tổ chức tin tức đều nêu bật tầm quan trọng của tự động hóa trong hỗ trợ sản xuất tin bài (56%), tiếp theo là hệ thống đề xuất (37%), tạo nội dung với sự giám sát của con người (28%). Một bộ phận không nhỏ các hãng tin (22%) cho biết họ đã thấy mức tăng năng suất rất lớn và khi AI được sử dụng để hỗ trợ các bài báo điều tra hoặc xác minh thực tế.

Trong khi đó, một nghiên cứu của hãng tin Associated Press (AP) được công bố hồi tháng 4/2024 cũng đã chỉ ra rằng trí tuệ nhân tạo đang định hình lại vai trò và quy trình làm việc của các tòa soạn trên thế giới.

Cụ thể, gần 70% nhân viên tòa soạn từ nhiều nền tảng và tổ chức khác nhau được khảo sát cho biết họ đã sử dụng công nghệ này để tạo các bài đăng, bản tin và tiêu đề trên mạng xã hội; dịch thuật và ghi chép phỏng vấn, cùng nhiều mục đích sử dụng khác. 20% số người cho biết họ đã sử dụng AI tạo sinh (GenAI) cho các bài báo đa phương tiện, bao gồm đồ họa và video.

Aimee Rinehart - đồng tác giả và giám đốc sản phẩm cấp cao về chiến lược AI tại AP cho biết: “Những người làm báo luôn cập nhật về vấn đề này, điều này là tốt vì công nghệ này đã thay đổi đáng kể cách các nhà báo và tòa soạn tiếp cận công việc của họ và chúng tôi cần mọi người giúp chúng tôi tìm ra công nghệ mới cho ngành báo chí”.

Khảo sát, được thực hiện từ 292 đài truyền hình và tổ chức báo chí trên toàn thế giới này, đặc biệt cho thấy rằng các tòa soạn đều đang có những bộ phận mới, công việc mới để giúp họ có thể bắt kịp xu hướng phát triển của AI và tác động từng ngày của nó đối với ngành truyền thông và báo chí.

Rất nhiều tổ chức tin tức đã thiết lập những vị trí và công việc mới trong tòa soạn của mình như “Lãnh đạo đổi mới AI”, “Chuyên gia AI”, “Trưởng bộ phận AI” thậm chí cả những nhân sự phụ trách các vấn đề về pháp lý vào đạo đức báo chí AI.

Sự thay đổi này cho thấy một ngày nào đó bất cứ tòa soạn nào cũng sẽ có ít nhất một người hoặc một bộ phận chuyên trách về AI, giống như hầu hết tòa soạn hiện nay đều buộc phải có bộ phận kỹ thuật, bộ phận SEO hay đồ họa vậy.

Trong báo cáo Thay đổi Tòa soạn năm 2023 của Viện Báo chí Reuters, đã có 16% số tổ chức trong khảo sát đã bổ nhiệm một lãnh đạo cấp cao cho chiến lược AI, 24% số khác đang tích cực lên kế hoạch làm như vậy. Tờ New York Times đã bổ nhiệm Zach Seward - người trước đây làm việc cho Quartz, làm giám đốc biên tập đầu tiên của Sáng kiến ​​Trí tuệ Nhân tạo.

Cách vận hành tòa soạn cũng đang được thay đổi liên quan đến AI. Gần một nửa số tổ chức báo chí được AP khảo sát (49%, 92 trong số 181 người được hỏi) chỉ ra rằng các nhiệm vụ hoặc quy trình công việc đã thay đổi do AI tạo sinh, trong đó rất nhiều liên quan đến Hệ thống quản lý nội dung (CMS) hoặc thông qua phần mềm văn phòng.

Đơn giản hơn, sự tương tác trong công việc cũng đã thay đổi. Một biên tập viên trong cuộc khảo sát đã trả lời rằng: “Thay vì nhờ đồng nghiệp giúp đỡ về đặt tiêu đề, tôi đã hỏi ChatGPT trước”. Một đơn vị khác trong khảo sát đã trả lời rằng: “Chúng tôi đã ngừng thuê một số phóng viên tự do cho một số nhiệm vụ nhất định, như dịch thuật cơ bản hoặc viết quảng cáo”, vì công việc này đang được thực hiện rất tốt bởi các mô hình AI tạo sinh.

Như vậy, công cuộc thích ứng trong kỷ nguyên mới của báo chí sẽ rất phức tạp và khó khăn, thậm chí còn lớn hơn bao giờ hết. Nó đòi hỏi các tòa soạn vừa phải thay đổi nội dung, vừa phải đấu tranh chống lại sự “xâm hại” của các mô hình AI do Big Tech tạo ra, vừa phải sử dụng tốt chính AI để sáng tạo hơn và hiệu quả hơn. Không còn cách nào khác, đó là những gì mà báo chí cần phải làm để thích ứng và phát triển trong kỷ nguyên truyền thông mới.

Trần Hòa

Bình Luận

Tin khác

Meta bị cáo buộc vi phạm luật pháp châu Âu với dịch vụ 'không quảng cáo'

Meta bị cáo buộc vi phạm luật pháp châu Âu với dịch vụ 'không quảng cáo'

(CLO) Công ty mẹ của Facebook là Meta đã bị cáo buộc vi phạm các quy tắc cạnh tranh kỹ thuật số mới của châu Âu về mô hình quảng cáo "trả tiền hoặc đồng ý".

Báo chí - Công nghệ
Nghị quyết do Trung Quốc dẫn đầu về AI được thông qua tại Liên hợp quốc

Nghị quyết do Trung Quốc dẫn đầu về AI được thông qua tại Liên hợp quốc

(CLO) Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết do Trung Quốc dẫn đầu kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo ra một môi trường kinh doanh "tự do, cởi mở, bao trùm và không phân biệt đối xử" giữa các quốc gia cho sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Báo chí - Công nghệ
Hơn 51 triệu khán giả truyền hình xem tranh luận tổng thống Mỹ, chờ màn đối đầu tiếp theo

Hơn 51 triệu khán giả truyền hình xem tranh luận tổng thống Mỹ, chờ màn đối đầu tiếp theo

(CLO) Hơn 51 triệu khán giả truyền hình đã theo dõi cuộc tranh luận tổng thống Mỹ giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ và đối thủ Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa, theo dữ liệu cuối cùng của Nielsen.

Báo chí - Công nghệ
Nhóm báo chí điều tra kiện OpenAI và Microsoft vi phạm bản quyền

Nhóm báo chí điều tra kiện OpenAI và Microsoft vi phạm bản quyền

(CLO) Ngày 27/6, Trung tâm Báo chí Điều tra (CIR) cho biết họ đã kiện nhà sản xuất ChatGPT là OpenAI và Microsoft vì sử dụng trái phép nội dung của họ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.

Báo chí - Công nghệ
Tạp chí Time ký thỏa thuận nội dung dài hạn với OpenAI

Tạp chí Time ký thỏa thuận nội dung dài hạn với OpenAI

(CLO) Tạp chí Time đã ký một thỏa thuận nội dung kéo dài nhiều năm với OpenAI để cung cấp cho nhà sản xuất ChatGPT quyền truy cập vào kho lưu trữ nội dung tin tức của mình, theo các công ty cho biết vào ngày 27/6.

Báo chí - Công nghệ