Các Tổng Biên tập cùng giải bài toán phát triển nguồn thu

Thứ sáu, 12/06/2020 06:43 AM - 0 Trả lời

(CLO) Diễn đàn Tổng Biên tập: "Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu" được Báo Nhà báo & Công luận tổ chức là nơi mà các cơ quan quản lý báo chí và các tổng biên tập cùng ngồi lại, đưa ra những ý kiến tâm huyết và kiến nghị thiết thực, tạo nên một diễn đàn sôi nổi, giá trị.

Bài liên quan

Nguồn thu của báo chí sẽ ngày một thu nhỏ lại 

Với tinh thần chia sẻ, thẳng thắn và cởi mở đã có nhiều góp ý thiết thực tại Diễn đàn, trong đó tập trung thảo luận về các chính sách, những bất cập khi thực hiện các quy định pháp luật của nhà nước đối với báo chí. Diễn đàn đã ghi nhận những đánh giá thực trạng, các giải pháp, kinh nghiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí của trung ương và địa phương…Dù thời gian hạn hẹp, chỉ trong một buổi sáng đã có gần 30 ý kiến đóng góp tâm huyến của các đại biểu được đưa ra. Thậm chí còn nhiều những ý kiến mang tính tranh luận, xin nói thêm, xin nhấn mạnh lại, cảm giác như với những người trong cuộc hôm nay, thời gian của buổi Diễn đàn là quá ngắn so với những trăn trở trước mắt và tương lai.

Ông Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận phát biểu tiếp thu các ý kiến. Ảnh: Sơn Hải

Ông Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận phát biểu tiếp thu các ý kiến. Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nhận định: Báo chí đang đứng trước một thực tế, đó là nguồn thu suy giảm mạnh...  Mất nguồn thu sẽ đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống. Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác như: các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook... và vì thế dẫn đến không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác.

"Có các hoạt động "thúc ép" doanh nghiệp quảng cáo, thậm chí là trở thành chủ trương của nhiều tòa soạn khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh. Bị "mắc kẹt" trong cái bẫy "hợp đồng truyền thông" như vậy báo chí dễ đánh mất dần niềm tin của độc giả", ông Phúc nêu thực trạng.

Thực tế, nhiều cơ quan báo chí phải "đi hai chân", vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành, hoặc dựa vào nguồn lợi tức từ gửi tiết kiệm trước đó. Dù thế nào thì việc sụt giảm nguồn thu đã là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; cùng với các trang tin điện tử dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như thời gian qua. Vòng xoáy "cơm, áo, gạo, tiền" sẽ làm báo chí xa rời chân giá trị của nghề báo.

Cần có cơ chế "đặt hàng" báo chí 

Đồng quan điểm, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, hiện nay, kinh tế báo chí đã suy giảm nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19. Như thông tin từ Bộ TT&TT, thị trường quảng cáo ở Việt Nam khoảng 12 nghìn tỷ, nhưng mấy ông lớn mạng xã hội đã chiếm khoảng 7,5 nghìn tỷ. 900 cơ quan báo chí trong nước chia nhau khoảng 4,5 – 5 nghìn tỷ còn lại, dù thế, 2/3 của số này cũng rơi vào các cơ quan truyền hình lớn. “Vì thế, miếng bánh còn lại của 900 cơ quan báo chí ngày càng teo tóp đi”, ông Sơn nói.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Ông Sơn cũng cho rằng, hiện nay, báo chí vận hành theo cơ chế thị trường, là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng hoạt động như các doanh nghiệp tự chủ về kinh tế. Cũng có ý kiến cho rằng nếu không tồn tại được thì cho chấm dứt đi, tuy nhiên báo chí cách mạng có chức năng rất lớn, nếu chấm dứt hoạt động của cơ quan báo chí truyền thống thì ai sẽ làm nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, cung cấp cái nhìn nhiều chiều, phản biện xã hội, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Theo Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn,  báo Tiền Phong cũng không nằm ngoài những khó khăn đó, thậm chí có phần nhiều hơn vì COVID-19 và mới sáp nhập thêm báo Sinh viên Việt Nam và Hoa học trò.

“Theo tham mưu của các phòng, ban trong tòa soạn, kịch bản lạc quan nhất là chúng ta khống chế được dịch COVID-19, kinh tế bùng nổ trở lại thì cũng suy giảm 5%, kịch bản suy giảm trung bình là 10 – 15%, còn nếu kịch bản xấu xảy ra thì suy giảm 20 – 25%. Nếu kịch bản xấu xảy ra thì kinh phí dành cho phát triển báo điện tử của Tiền Phong sẽ không còn nữa”, ông Sơn nói. 

Từ tình hình đó, ông Sơn nêu một số kiến nghị. Cụ thể, Nhà nước nên nghiên cứu giải pháp chính sách điều hướng một phần doanh số quảng cáo, truyền thông từ các mạng xã hội chủ yếu của nước ngoài trở lại thị trường quảng cáo, truyền thông trong nước.

Bên cạnh đó, nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet cho những bạn đọc báo điện tử. Tiếp tục giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí.

Nói về vấn đề này, ông Lê Xuân Sơn cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ báo chí thông qua hình thức "đặt hàng" khi cần mở những đợt truyền thông, tuyên truyền lớn, hoặc đối tác thông tin về những chương trình quốc gia mang tính dài hơi. Thậm chí, nên xem xét nghiên cứu mở rộng thêm chính sách trợ cấp một phần hoặc bao cấp toàn bộ cho một số cơ quan báo chí được chọn lọc, có vai trò và vị trí quan trọng trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.

Đồng quan điểm, ông Mai Vũ Tuấn, Tổng Biên tập, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cho biết: Ở địa phương để đảm bảo được nguồn thu, đáp ứng yêu cầu hoạt động thì chúng tôi thấy nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản là rất quan trọng. Nếu không đặt hàng chắc chắn các cơ quan báo chí địa phương sẽ không thể tồn tại được.

Đồng chí Mai Vũ Tuấn, Tổng Biên tập, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Đồng chí Mai Vũ Tuấn, Tổng Biên tập, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Vừa qua quảng cáo, dịch vụ, các hợp tác truyền thông đều rất khó khăn… Chúng tôi cũng phải tìm những nguồn thu khác để đáp ứng yêu cầu. Hiện nay đặt hàng chiếm khoảng 50%, còn 50% từ các nguồn thu khác để đảm bảo cho hoạt động. Mặc dù tất cả chúng ta là đơn vị sự nghiệp công lập làm nhiệm vụ chính trị, nhưng cơ chế tài chính không khác gì doanh nghiệp cả.

Không có những hướng dẫn cụ thể cho đơn vị sự nghiệp báo chí, hành lang pháp lý chưa đầy đủ cho đơn vị sự nghiệp báo chí cũng gây khó khăn.

Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh kiến nghị Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan nên có các hướng dẫn để các đơn vị chủ quản báo chí thực hiện việc đặt hàng các đơn vị sự nghiệp báo chí. Bộ TT&TT hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và cái Nghị định số 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản cho cụ thể hóa để các cơ quan báo chí lấy làm căn cứ để xây dựng các phương án đặt hàng, thực hiện đấu thầu.

Phát biểu của ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tạp chí Người làm báo lấy ví dụ: như ở Anh báo chí của họ có thể chiếm tới 1% GDP và có những nước có thể lên tới 2 -3%...so với trong nước chúng ta đóng góp cho kinh tế còn quá ít. Chúng ta phải chú trọng hiệu quả xã hội, cái đấy là cái đầu tiên, còn cái hiệu quả kinh tế chúng ta là tự thân vận động đi làm, nhưng lại bị trói buộc là phải phục vụ tuyên truyền…

Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tạp chí Người làm báo phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tạp chí Người làm báo phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Trước mắt, các cơ quan báo chí chúng ta nên có sự hợp tác với nhau, tạo mạng lưới kết nối nội dung tốt nhất, làm tốt rồi nếu cơ quan báo chí chúng ta chia sẻ nguồn tài nguyên về nội dung sẽ tránh bị đẩy sang công ty truyền thông. Điểm tiếp theo, chúng ta cần xây dựng mạng lưới quảng cáo mới, điện tử báo hóa báo chí, in ấn khó khăn tiến tới điện tử hóa hết thì ta vẫn thu quảng báo bình thường…Từ nguồn thu đó có thể triển khai nhiều hoạt động khác...

Giảm thuế cho báo chí  và chuyện bản quyền

Liên quan đến vấn đề phát triển nguồn thu, Tổng Biên tập Báo Đầu tư ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh: Muốn tìm bài toán phát triển nguồn thu như thế nào chúng ta phải tìm ra cái gốc của vấn đề, nhất là câu chuyện bản quyền là cái quan trọng nhất. Nếu chúng ta làm tốt chuyện bản quyền và có tính chuyên biệt của từng tờ báo thì sẽ tìm ra lời giải cho bài toán này.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư ông Lê Trọng Minh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Tổng Biên tập Báo Đầu tư ông Lê Trọng Minh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Tổng Biên tập Báo Đầu tư đưa ra thực trạng, có tình trạng một tờ báo lớn vừa in ra chưa kịp đến với bạn đọc, đã có những công cụ quét của các trang tin điện tử, họ quét tất cả các bài tốt họ đưa lên. Vậy chúng ta bán cho ai? Báo điện tử cũng vậy, có những phóng viên hàng đầu rất am hiểu sâu sắc về thị trường tài chính, họ vừa đưa bài báo lên khoảng 3 giây sau đã xuất hiện trên chỗ khác… Vậy thì phải có hướng xử lý mạnh vấn đề này từ đó mới có thể bán được các sản phẩm. Ý kiến của ông Minh đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các đại biểu có mặt tại Diễn đàn. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - TBT Tạp chí Nhà đầu tư có nhiều ý kiến đóng góp cho Diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Ông Nguyễn Anh Tuấn - TBT Tạp chí Nhà đầu tư có nhiều ý kiến đóng góp cho Diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Đây cũng là một trong những vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn. Và về vấn đề này, TS.Nguyễn Anh Tuấn - TBT Tạp chí Nhà đầu tư cho rằng: Báo chí của chúng ta có chức năng tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến luật pháp chính sách của nhà nước, chủ trương đường lối của Đảng…Vì vậy khác với báo chí tư bản chúng ta phải có cách đối xử báo chí cách mạng khác với doanh nghiệp. Tuy nhiên chế tài hoạch toán kinh tế, nghĩa vụ tài chính lại như doanh nghiệp. 

Trước đây báo chí đóng thuế 28% thu nhập, sau đó đưa xuống còn 10% cho báo in, đến bây giờ báo điện tử chưa được hưởng ưu đãi này. Vì vậy cần xem xét áp dụng chung cho báo điện tử, báo hình. Tôi cũng mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam nghiên cứu và kiến nghị với Chính phủ đưa thuế thu nhập cho các cơ quan báo chí xuống 0%. Không đánh thuế giá trị gia tăng từ giờ đến cuối năm...Ngoài ra, tôi kiến nghị các đơn vị nên có sự hỗ trợ trong việc đào tạo để tiết kiệm phần kinh phí cho cơ quan báo chí. Cuối cùng tôi có quan điểm nên phân biệt rạch ròi, các cơ quan báo chí bao cấp và các cơ quan báo chí tự hạch toán, để đưa ra chính sách phù hợp từng đối tượng. 

Tiếp theo, ông Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, về phía các cơ quan báo chí cần đổi mới hợp tác hỗ trợ truyền thông với doanh nghiệp. Các cơ quan báo chí có thể phối hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động tư pháp, như luật sư để thực hiện việc giám sát của mình.  Cơ quan báo chí làm được việc này sẽ góp phần chống lợi ích nhóm, lành mạnh hoá, minh bạch hoá các thủ tục pháp lý phục vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ công việc của các doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung..

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

"Nếu đổi mới tư duy đồng hành cùng với doanh nghiệp thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề chứ không chỉ là câu chuyện nguồn thu hay câu chuyện kinh tế”, nhà báo Nguyễn Hòa Văn khẳng định.

Chính sách về chia sẻ nguồn thu từ nhà mạng 

Theo Tổng biên tập Báo điện tử VTC News, thực trạng hiện nay nhà mạng được hưởng lợi từ báo chí rất nhiều. Vấn đề các nhà mạng phải trả tiền cho các cơ quan báo chí đã được đề cập từ lâu và rất gay gắt nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. 

Lấy dẫn chứng việc Nghị viện Châu Âu mới đây thông qua luật buộc các mạng xã hội lớn như Facebook, Google phải trả tiền cho các nhà sản xuất nội dung trong đó có báo chí, Tổng biên tập Báo điện tử VTC News cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam cần liên kết các cơ quan báo chí lại và có đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành các nghị định, luật yêu cầu các mạng xã hội phải trả phí cho báo chí. Tổng biên tập Ngô Văn Hải cho biết, báo đã chú trọng vào việc làm thuê tin tức, lập đội phóng viên làm thuê cho các đơn vị không có đủ lực và không có chức năng làm báo để họ có thông tin độc quyền, còn VTC News thì có nguồn thu.

Nhà báo Ngô Văn Hải - TBT báo điện tử VTC News phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Ngô Văn Hải - TBT báo điện tử VTC News phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Sơn Hải

Liên quan đến việc giải bài toán báo chí phát triển nguồn thu, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông đã đưa ra ba đề xuất. Ông thẳng thắn: Đầu tiên đó là vấn đề đặt hàng, những chính sách của Chính phủ hiện nay đối với các báo, đang có một sự bất công rất lớn mà ta nhìn thấy cùng một thể chế này, mà báo Đảng sống rất khỏe, báo của hệ thống chính quyền sống rất yếu, không bao cấp gì cả. 

Để gỡ được cái này, tôi mong muốn Bộ TT&TT hàng năm phải có dự toán và các Bộ phải có chi tiết về cách thức dự toán đặt hàng như thế nào và nó thành một gói Quốc hội duyệt. Tất cả các báo đều được hưởng và chính sách ấy phải thống nhất.

Thứ 2, chính sách về chia sẻ nguồn thu từ nhà mạng chúng ta phải xúc tiến. Tới đây đặc biệt liên quan đến sửa Luật Báo chí thì phải đưa vào, cứ đưa vào các phương án. Đại biểu Quốc hội cùng bàn luận.  Bộ TT&TT là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải đồng hành cùng các cơ quan báo chí để hỗ trợ báo chí phát triển. Vấn đề chia sẻ nguồn thu từ mạng xã hội tại sao không làm được? Châu Âu hiện đại, tự do báo chí như thế người ta còn làm được. Tôi nghĩ cũng phải đưa vào luật. Thứ 3,  vấn đề bản quyền cần có quy định cụ thể và phải xử lý nghiêm khắc những vi phạm bản quyền. Báo Giao thông chúng tôi cương quyết  không cho bất kì tờ báo nào lấy lại bài trên báo, cũng tuyệt đối không lấy bài của báo khác và những cách thức thực hiện đã góp phần phát triển nguồn thu, thu hút quảng cáo. 

Phát biểu đầy tâm huyết tại diễn đàn, nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt cũng chia sẻ hai điều kiện tiên quyết để đa dạng hóa, nâng cao nguồn thu.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt. Ảnh: Sơn Hải

Thứ nhất là, dù làm gì vẫn phải chú ý đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí của mình. Dù chúng ta có làm kinh tế giỏi đến đâu mà chất lượng tờ báo bị coi nhẹ, thì sớm muộn cũng mất uy tín, mất hình ảnh, mất thương hiệu trong lòng bạn đọc. Tờ báo muốn sống được, tồn tại lâu hay không chính nhờ vào chất lượng các bài viết, các chuyên mục có chạm được đến cảm xúc, trái tim của bạn đọc hay không.

Hai là mọi giải pháp phát triển nguồn thu đều dựa trên việc phục vụ những độc giả trung thành của tờ báo. Đối với Báo Nông thôn Ngày này, đó là những độc giả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhà báo Lưu Quang Định nhấn mạnh. 

Chia sẻ tại Diễn đàn, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng, các cơ quan báo chí hiện đang phải đối diện với nghịch lý là mặc dù có cơ chế tài chính giống như doanh nghiệp, cũng phải lo kinh phí vận hành bộ máy như: Chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... và phải gánh nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng nội dung thông tin, hoạt động theo Luật Báo chí. Nhưng lại không thể vì chuyện doanh thu giảm mà dừng sản xuất báo, hay vì tăng doanh thu mà bị cuốn vào cơn lốc “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Ảnh: Sơn Hải

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Ảnh: Sơn Hải

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị đưa ra giải pháp. Và để làm được điều đó báo chí cần hoạt động một cách chuyên nghiệp. Trong đó, việc nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả; tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông, tổ chức đơn vị kinh doanh trực thuộc nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng.

Cách đây chục năm, báo Kinh tế & Đô thị chỉ có 2 nguồn thu chính: Nhà nước đặt hàng và phát hành báo. Đến nay có thêm 3 - 4 nguồn thu mới mang tính chủ lực, đó là quảng cáo, tổ chức sự kiện, liên kết… Thay vì chú trọng báo in thì nay đã đa dạng hóa sản phẩm, phát triển truyền thông đa phương tiện, đẩy mạnh phát triển tòa soạn hội tụ; phóng viên, biên tập viên có thể làm được tất cả các thể loại, loại hình báo chí, thực hiện tất cả các vai để tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm, hỗ trợ phát hành và làm quảng cáo truyền thông.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, báo chí chúng ta trước tiên phải tự cứu lấy mình thay vì ngồi chờ "trời" cứu, ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.

Chia sẻ những kinh nghiệm tại Diễn đàn, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm, cho biết: Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí muốn cắt giảm nhân sự, nhưng do luật viên chức, lao động nên không thể thực hiện. Nếu để cơ chế đơn vị sự nghiệp thì không có sự cạnh tranh trong cơ quan báo chí.

Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm. Ảnh: Sơn Hải

Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm. Ảnh: Sơn Hải

Tổng biên tập Triệu Ngọc Lâm đề nghị Hội Nhà báo đề xuất thay đổi quy định, để Ban biên tập có toàn quyền xử lý và hoàn toàn chủ động trong vấn đề này. Tổng biên tập Triệu Ngọc Lâm đồng thời bày tỏ khó khăn khi cơ quan báo chí phải hạch toán như một doanh nghiệp. Nếu là công ty TNHH, các cơ quan nhà nước không thể giao việc, mà phải ký hợp đồng kinh tế.

Ông Trần Thanh Lâm – Vụ trưởng Vụ báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung Ương

Ông Trần Thanh Lâm – Vụ trưởng Vụ báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung Ương

Có mặt tại Diễn đàn và đặc biệt quan tâm tới những vấn đề mà diễn đàn đặt ra, ông Trần Thanh Lâm – Vụ trưởng Vụ báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung Ương khẳng định: Chúng tôi đã nghe rất nhiều ý kiến tâm huyết đặc biệt quan tâm đến nhiều kiến nghị quan trọng. Ông cũng đề xuất rằng, nếu được, Hội Nhà báo Việt Nam nên đứng ra tập hợp tập trung kiến nghị, ý kiến lại để xem xét và cùng phối hợp. Với trách nhiệm của Vụ Báo chí Xuất bản thì hoàn toàn tiếp thu và sẽ tham mưu cho Ban Tuyên giáo Trung ương để có kiến nghị với Bộ chính trị, Ban  Bí thư cho công tác báo chí về nguồn thu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. 

Việc thu phí báo chí cần được các báo tiến hành đồng loạt

Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập báo điệntử VietnamPlus cho biết: Tôi đã nghe nhiều ý kiến tại diễn đàn, các vấn đề nêu ra rất tập trung vào chủ đề và là những vấn đề xác đáng, riêng về việc thu phí, qua thăm dò đã nhận thấy nếu sản phẩm mình có giá trị, thì bạn đọc thật sự muốn mua. Tuy nhiên tôi cũng đề nghị các báo cùng phối hợp tổ chức thu phí một cách bài bản khoa học, chúng ta tạo một thói quen thật sự cho độc giả và độc giả có nghĩa vụ phải trả tiền cho chúng ta.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập VietnamPlus. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập VietnamPlus. Ảnh: Sơn Hải

Vấn đề bản quyền, hiện nay có việc cắt dán quá nhiều, về chia sẻ thông tin tòa soạn chúng tôi hiện có 120 tờ báo, tạp chí gửi công văn xin trích dẫn nguồn. Và một ngày chúng tôi phát lên khoảng 250 tin bài ảnh đồ họa. Nhân đây tôi muốn đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo thêm các nhà mạng, các nhà làm dịch vụ mạng triển khai việc trả phí. Hiện chúng tôi đã làm tốt với Viettel và đang làm nhà mạng khác. Tôi cũng xin ý kiến Bộ Tài chính và các bộ ngành khác có những hướng dẫn bài bản về việc này.

Trong thời gian tới, Diễn đàn lần này rất có ý nghĩa, để các cơ quan báo chí nói ra những suy nghĩ của mình, tôi mong muốn Báo Nhà báo và Công luận nên tổ chức thêm một diễn đàn về bản quyền báo chí.

Góp ý về phát triển nguồn thu, ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động cho rằng: "Việc thu phí báo chí cần được các báo tiến hành đồng loạt, Làm như vậy, vừa giúp báo tăng nguồn thu, vừa giúp cơ quan quản lý dễ dàng trong việc kiểm soát nguồn tin”.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu tại Diễn đàn

Ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu tại Diễn đàn

Ông Nguyễn Ngọc Hiển cũng nhấn mạnh cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa nhà mạng và báo chí. Hiện nay, các nhà mạng đang thu lợi nhuận lớn từ việc người dùng truy cập internet để đọc báo điện tử. Bạn đọc đang đọc báo điện tử miễn phí, chỉ phải trả tiền mạng, trong khi đó các cơ quan báo chí vẫn phải chịu tiền mạng và không được thu lợi gì từ nhà mạng. Do đó, cần có chính sách giữa nhà mạng và báo điện tử về vấn đề chia sẻ lợi nhuận. 

Bên cạnh sự “tự lực cánh sinh”, báo chí cũng cần sự quan tâm một cách thiết thực từ phía Nhà nước. Nhiều lãnh đạo các báo đề nghị có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó là những kiến nghị về chính sách hỗ trợ thuế đối với báo chí.

Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, nhà báo Nguyễn Lan Anh cho biết: Chúng tôi nhất trí trong việc cố gắng phấn đấu để thu phí, chúng tôi đang xây dựng Đề án thu phí một mảng rất nhỏ của ngân hàng, đó là cung cấp dịch vụ mảng ngân hàng cho toàn xã hội. Tháo gỡ khó khăn của bạn đọc khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng.

Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng Nguyễn Lan Anh. Ảnh: Sơn Hải

Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng Nguyễn Lan Anh. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Lan Anh cũng mong muốn đồng nghiệp cùng chung tay với nhau để làm sao đều thu, thì sẽ không có cơ quan báo chí nào bị lạc lõng. 

Tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Linh, Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội chia sẻ:  Hiện báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng những người làm báo là đi làm cách mạng. Nhưng hiện nay có bao nhiêu phần trăm các cơ quan báo chí phóng viên đi làm không có lương, không có nhuận bút. Đó là lỗ hỏng làm công tác báo chí hiện nay.

Ông Trần Tuấn Linh, Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội

Ông Trần Tuấn Linh, Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội

Về nguồn thu Báo Gia đình và Xã hội chúng tôi có phân khúc riêng, không cạnh tranh với những anh lớn, chúng tôi làm mảng gia đình và xã hội tận dụng các nguồn thu khác. Báo Gia đình và Xã hội tận dùng nguồn thu lẻ, đó là 10 đến 15 bài PR một ngày, trử chi phí ra bài rời vào khoảng 3 đến 5 triệu một bài, nhân với 1 tháng thì nguồn thu là vài trăm triệu. Với cơ quan có khoảng 80 người như Báo Gia đình và Xã hội chúng tôi có thể xoay xở được. Trong dịch Covid chúng tôi vẫn tồn tại và chính sách cho anh em không bị cắt giảm gì.

Tiếp tục "tháo gỡ" những bất cập

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu kết luận. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu kết luận. Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, các đại biểu đã có những góp ý thiết thực, thẳng thắn và đúng theo phong cách của báo chí. Tại Diễn đàn đã có đại diện 26 đại biểu tham dự, đây là đại diện cho những cơ quan báo chí vươn lên tự chủ về tài chính.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: Tại diễn Diễn đàn lần này các đại biểu đã nói lên tình trạng và nguyên nhân giảm nguồn thu, hầu hết giảm từ 30 – 50%, có nơi 60 – 70 %. Do giảm nguồn thu từ đó gây ra tác hại và hậu quả ảnh hưởng đến báo chí. Trong đó chủ yếu là tác động tiêu cực và báo chí gặp khó khăn rất gay gắt. Nhiều cơ quan không đủ nguồn thu, không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động của cơ quan báo chí ở mức độ cần thiết. Bên cạnh đó, đời sống của cán bộ công nhân viên chức bị ảnh hưởng, nhiều nơi không có tiền để trả lương, trả nhuận bút, nợ lương, nhuận bút... Cũng từ đây nẩy sinh những vi phạm của cơ quan báo chí, trong đó có vi phạm Luật Báo chí, vi phạm đạo đức người làm báo.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng: Những ý kiến hôm nay sẽ được chuyển đến các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Bộ TTTT là nơi có thể tiếp thu tất cả kiến nghị của các cơ quan báo chí. Ban tổ chức sẽ tổng hợp để đề xuất và phối hợp với một số bộ ngành, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và Văn phòng Chính phủ để từ đó có những cơ chế những điều chỉnh về chính sách phù hợp giúp tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí. Ngoài ra, cần xem xét lại cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ, cần làm rõ như thế nào là đặt hàng, giao nhiệm vụ và khi nào đặt hàng, khi nào giao nhiệm vụ điều này cũng cần nghiên cứu để làm rõ. Tuy nhiên việc này cũng cần có sự chủ động từ các cơ quan báo chí đề xuất…

Chúng ta cần xem xét triển khai việc phát triển nguồn thu từ các mạng xã hội, các nhà mạng xuyên biên giới, các nền tảng của thế giới như: facebook, google…rồi có thể chia sẻ nguồn thu từ chính các nhà mạng trong nước. Chúng ta là những người trực tiếp sản xuất ra các tác phẩm báo chí thì chúng ta có quyền có nguồn thu từ các tác phẩm báo chí đó, cho dù được phát trên các nhà mạng trong hay ngoài nước”,  lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam gợi ý.

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Riêng về vấn đề bản quyền, đó là trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước, đồng thời là trách nhiệm của các cơ quan báo chí. Trách nhiệm của cơ quan quản lý phải đảm bảo bản quyền của báo chí, có những quy định rõ ràng, ai mà vi phạm thì có hình thức xử lý nghiêm. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, các sản phẩm báo chí. Phải có bản sắc riêng của từng báo, như báo tài chính có bản sắc của tài chính, báo nông thôn có bản sức riêng nông thôn, độc giả muốn tìm kiếm thì tìm đến tờ báo đó và sẽ có nguồn thu.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Dù chúng ta có làm giải pháp gì đi chăng nữa mà không cải tiến, không nâng cao chất lượng các ấn phẩm thì chúng ta không thể tồn tại được. Trong đó, cần cải tiến về cách thức vận hành tòa soạn, tổ chức lại tọa soạn, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo phóng viên, làm sao để tác nghiệp trong một môi trường truyền thông số ngày càng phát triển như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần thiết lập mối quan hệ đồng hành một cách đúng đắn với các thành phần trong xã hội, mà trực tiếp quan trọng là với các doanh nghiệp. Cần hỗ trợ họ, quảng bá sản phẩm, tạo một môi trường đầu tư lành mạnh, thay vì phản ánh những tiêu cực.

Đánh giá về vấn đề báo chí hoạt động như doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Khác với doanh nghiệp luôn hướng đến lợi nhuận, còn báo chí là đơn vị sự nghiệp nhưng là đơn vị sự nghiệp đặc thù. Là một ngành nghề đặc biệt xét cả về tính chất, chức năng và nội dung hoạt động. Sản phẩm báo chí không phải là sản phẩm hàng hóa thông thường mà là một thứ sản phẩm đặc biệt có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của xã hội. Do đó cần có cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với quảng cáo trên báo điện tử mà hiện nay còn ở mức 20% là còn quá cao.

Nói về nguồn thu của báo chí, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa nhà mạng và báo chí, mà hiện nay các nhà mạng còn đang thu lợi nhuận lớn từ việc người dùng truy cập Internet để đọc báo điện tử. Bạn đọc đang được đọc báo điện tử miễn phí, nghịch lý là các tác phẩm báo có chất lượng, được đầu tư công phu được đưa tới bạn đọc báo điện tử, tòa soạn phải mất phí nhiều, mà lại không được thu kinh phí.

Nhân đây Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng mong muốn các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền để hiểu hơn được những cố gắng của người làm báo, hiểu những thách thức gay gắt của báo chí và từ đó chúng ta cùng quan tâm để tháo gỡ.

Trong thời gian tới, Hội nhà báo Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị về kinh tế báo chí. Qua đó sẽ đề nghị với các cơ quan của Chính phủ, địa phương cùng các cơ quan chức năng có những chính sách cụ thể đồng bộ, trong việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan báo chí. Đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng cần được xác lập một cách công khai minh bạch. Đồng thời, sẽ có thêm đại diện các bộ ban ngành có liên quan để từng bước giải quyết được vấn đề bức bách về kinh tế báo chí hiện nay.

Nhóm PV

 

Tin khác

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo
Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

(CLO) Theo quyết định của T.Ư Đoàn, nhà báo Lê Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/5/2024; Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ phụ trách Báo Tiền Phong từ ngày 1/5/2024 cho đến khi kiện toàn chức danh Tổng Biên tập.

Nghề báo
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo