Việc mở rộng đối tượng tham gia còn chậm
Vẫn biết, từ ngày 1/1/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ. Và dù đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều qua các năm nhưng con số này vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Và thực tế là, kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện từ năm 2008 đến nay cho thấy, mặc dù đối tượng tham gia ngày càng tăng, nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia còn rất chậm. Chính vì thế, theo các chuyên gia, cần phải có những giải pháp thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.
Thực tế là, hiện nay, diện bao phủ BHXH mới đạt khoảng 29%. Điều đó đồng nghĩa với việc có tới 71% số lao động nằm ngoài lưới an sinh xã hội, chủ yếu là lao động nông thôn và lao động phi chính thức. Theo Ban Thu - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ 6.110 người tham gia vào năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện), đến nay con số này là hơn 231.000 người. Trong đó, đã giải quyết cho 3.432 người hưởng lương hưu hằng tháng, 43 người là thân nhân người lao động hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, 3.485 người hưởng BHXH một lần và 202 người hưởng trợ cấp tuất một lần. Mặc dù, đối tượng tham gia BHXH tăng đều qua các năm nhưng con số này vẫn rất hạn chế so với lực lượng lao động phi chính thức. Đáng lưu ý, số người tham gia BHXH chủ yếu là nhóm đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nghỉ việc tham gia tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng hưu trí.
Thực tế có thể thấy, để bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới bao phủ toàn dân Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp như bảo hộ Quỹ BHXH để đảm bảo việc chi trả các chế độ cho người lao động. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo 3 mức tương ứng với 3 nhóm đối tượng (30% đối với hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; 10% đối với tất cả các đối tượng còn lại). Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH cho phù hợp.
Cần có cách tuyên truyền riêng để nâng cao nhận thức về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hiện tại, BHXH Việt Nam có gần 40.000 đại lý thu trên toàn quốc, hầu hết ở các thôn, xã, nhưng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn hạn chế. Hầu hết đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là những đối tượng người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc, chưa đủ tuổi nhận lương hưu cho nên họ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, còn số nông dân tham gia là rất ít. Một trong những nguyên nhân chính của việc triển khai chính sách chưa hiệu quả là do nhiều người vẫn chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện, thậm chí, một bộ phận dân cư còn chưa biết có chính sách BHXH tự nguyện, do công tác tuyên truyền về chính sách này chưa thật sự sâu rộng. Cùng với đó, người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già; thu nhập của người lao động ở nông thôn còn thấp, bấp bênh, không ổn định.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến lao động khu vực phi chính thức nói chung và nông dân nói riêng chưa hào hứng với BHXH tự nguyện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Nguyên nhân chính là do lao động tự do không có việc làm và thu nhập không ổn định. Họ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe giảm sút. An sinh xã hội của họ không được chăm lo, dẫn tới nhiều bất lợi trong đời sống. Ngoài ra, bản thân người lao động ở khu vực này cũng không có kiến thức, nếu thủ tục đóng - hưởng phức tạp, họ rất ngại làm giấy tờ”. Bên cạnh đó, vấn đề quyền lợi thụ hưởng cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ BHXH tự nguyện thấp. Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ, gồm: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - tai nạn nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Trong khi BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
Tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân, với mục tiêu theo lộ trình 2021-2025 và dự kiến đến 2030 sẽ có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó lao động khu vực phi chính thức khoảng 5%; 45% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 60% số người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội.
Có thể thấy số đối tượng tham gia và số tiền thu hằng năm đều tăng cao hơn so với năm trước, nhưng số người tham gia so với lực lượng lao động còn đạt tỷ lệ rất thấp. Để đạt con số ba triệu người tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2020 theo mục tiêu đặt ra đang là một thách thức lớn. Sau nhiều năm nghiên cứu và thay đổi theo chiều hướng tích cực, các chuyên gia cũng cho rằng, muốn BHXH tự nguyện thu hút được nhiều đối tượng mới, một mặt cần tăng tính hấp dẫn trong các chính sách, mặt khác cần có những biện pháp tuyên truyền riêng và ưu tiên tiếp cận đối với những lao động tiềm năng như người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 đến dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng cho đại lý thu cũng như rà soát, thống kê, phân loại theo tính chất công việc, điều kiện kinh tế gia đình khá, để tập trung tuyên truyền vận động các đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện. Bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Trong nỗ lực cải thiện chính sách an sinh xã hội nói chung, cải cách BHXH nói riêng Nghị quyết số 28-NQ/TW mới được thông qua đã đề ra nhiều giải pháp để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Nhiều nội dung cải cách và giải pháp hướng tới mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đưa ra. Trong đó, đáng chú ý là sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ người lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Lần cải cách này, các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn linh hoạt cũng sẽ được nghiên cứu nhằm giúp người dân thêm nhiều sự lựa chọn. Cụ thể, thời gian tham gia BHXH tối thiểu để đủ điều kiện được hưởng lương hưu cũng được điều chỉnh, từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm nhằm tạo điều kiện hơn, khuyến khích người lao động tham gia BHXH. Bên cạnh đó, việc liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, chú trọng yếu tố thị trường trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ được nghiên cứu. Từ đó, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, thay vì nhận BHXH một lần, để được hưởng lương hưu. Việc thiết kế nhiều gói BHXH như vậy sẽ phù hợp với đặc điểm, điều kiện và khả năng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Rõ ràng là đã có nhiều những hỗ trợ từ phía chính sách, điều quan trọng là làm thế nào để người dân hiểu về những lợi ích đó – chính là chìa khóa mở cánh cửa khó này. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn ít một phần là do người dân chưa hiểu được hết lợi ích của chính sách, một phần cũng có nguyên nhân từ chính sách. Vì vậy, phải làm sao để người dân hiểu được lợi ích và tăng được sức hấp dẫn của chính sách thì mới có thể đạt mục tiêu ba triệu người tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2020.
Và do vậy, trong năm nay, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, tập trung tuyên truyền chính sách ưu đãi của Nhà nước về BHXH tự nguyện đến với người dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ đến 100% đại lý thu BHXH tự nguyện để nâng cao năng lực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, ngành BHXH tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phát triển đối tượng và giải quyết chế độ BHXH; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia...
Bảo Minh