Chưa thấy một tờ báo làm ăn chân chính nào mà bị gục ngã
+ Ông nhìn nhận thế nào trước nhiều ý kiến cho rằng truyền thông của chúng ta thời gian gần đây đang có xu hướng phát triển hết sức xô bồ, có phần hỗn loạn khó kiểm soát? Liên tiếp những vụ xử phạt báo chí trong năm 2016 phải chăng phản ánh đúng thực trạng này?
- Chưa bao giờ những người tự giới thiệu là nhà báo, tự giới thiệu là phóng viên nhiều và dễ dãi như hiện nay. Ra đường ràn rạt gặp nhà báo, ràn rạt gặp phóng viên, thậm chí có những người tôi biết rằng chưa từng viết một bài báo mà vẫn có thẻ phóng viên, vẫn có giấy giới thiệu đi hù dọa doanh nghiệp. Bây giờ cũng là thời kỳ từ trước đến nay chưa bao giờ lại có nhiều những giấy tờ liên quan đến nghề báo tràn lan như hiện nay, không đúng theo quy định, quy chuẩn nào. Việc một số tờ báo liên tiếp bị xử phạt, đình bản và thậm chí tước giấy phép, nhiều nhà báo bị phê bình, kỷ luật trong thời gian gần đây cho thấy sự kiên quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng tôi vẫn còn thấy đáng tiếc là chưa có cơ quan nào bị xử phạt khi cấp thẻ sai cho phóng viên nhà báo, mặc dù sự việc này diễn ra rất nhiều.
+ Có ý kiến cho rằng, không ít tờ báo, cơ quan báo chí thấy rõ sự nguy hiểm của lối làm báo “bẩn”, làm báo vô trách nhiệm, xa rời tôn chỉ mục đích và quyết tâm hướng tới những giá trị tử tế, nhân văn trong thông tin thì hiện cũng đang gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng cũng có những tờ báo bị gọi là “lá cải”, chạy theo thị hiếu tầm thường của bạn đọc lại sống “khỏe” hơn. Ông có cho rằng đây là một nghịch lý?
- Tôi thì nhìn nhận đơn giản là, với một người thợ cày ăn một bát cơm trắng muối vừng đi cày thì năng lượng sẽ khác, đảm bảo sự tồn tại cho họ so với một người thợ cày ăn vội bát mì tôm, pha nhanh, ăn nhanh nhưng cũng rất nhanh đói, không thể kéo dài, không thể tồn tại được. Người ta có thể ăn cơm cả đời nhưng không ai ăn mì tôm cả đời được. Báo chí lá cải cũng vậy, nó cũng chỉ là thời điểm nào đó thôi, có thể thời điểm này nó rộ lên là bát mì tôm vừa pha xong nhưng chưa cần ăn, chỉ để vài tiếng sau nó đã bị vữa ra, còn một bát cơm có thể để từ ngày này qua ngày khác nếu chúng ta biết bảo quản, chế biến nó. Thực ra tôi cũng chưa thấy một tờ báo làm ăn chân chính nào mà bị gục ngã vì tài chính cả. Còn nếu mà nói về những tờ báo lá cải, tờ báo không chính thống hay là những trang tin tổng hợp mà lại sống khỏe, sống mạnh thì tôi cũng chưa thấy tờ nào bền cả, chưa có tờ nào có 5, 10 năm thâm niên mà thường chỉ phút chốc lóe lên, làm ăn chộp giật vụ này vụ kia, và không thể tồn tại được...Tôi nghĩ rằng, cái gì bền vững sẽ là bền vững, còn cái gì là tạm thời thì mãi chỉ là tạm thời thôi.
Phải chọn lọc những phóng viên tinh nhuệ làm báo
+ Nhưng không thể phủ nhận, báo chí đang đối mặt với nhiều khó khăn, vậy chúng ta phải làm gì để “vừa cống hiến vừa sống”? Với tạp chí Mặt trận của ông thì sao?
- Tôi nghĩ chúng ta cần phải đi bằng hai chân thì sẽ cứng cáp hơn. Với những tờ báo có nguồn ngân sách cố định, thì chúng ta phải sử dụng một cách chắt chiu từng đồng từng xu, từng hào một vì đó là tiền thuế của người dân được giải ngân cho các cơ quan chủ quản để đưa xuống cung cấp cho nhà báo một phần chi tiêu. Hãy tiêu những đồng tiền ngân sách đó như những đồng tiền lương lĩnh ở cơ quan về. Thứ hai, chúng ta phải sáng tạo, tức là có thể xã hội hóa từng hoạt động, chương trình, lấy thu bù chi. Chẳng hạn như tạp chí Mặt trận của chúng tôi, là đơn vị có nguồn ngân sách Nhà nước cấp. Nhưng nếu chỉ tiêu ngân sách thì chi tiêu một cách hạn hẹp khó có thể phát triển tạp chí. Vì thế mình phải xã hội hóa để có nguồn tài chính cao, từ đó đặt được các bài viết có trí tuệ, nhiều hàm lượng khoa học... để những người bỏ tiền ra mua tờ báo, cảm thấy hài lòng chứ không phải là bị ép mua kiểu báo tạp chí “dí hành” hay “ấn hành” mà người đọc phải thực sự cần. Mỗi một nhà báo khi viết một tác phẩm sạch sẽ sẽ không xấu hổ với mình. Mỗi một tổng biên tập khi xuất bản một ấn phẩm cảm thấy nâng niu, được gạn đục khơi trong, gọt giũa tỉ mỉ... là mục tiêu mà chúng ta cần hướng đến. Giá trị của tác phẩm đem lại uy tín cho tờ báo, tạp chí, được dư luận quan tâm, các doanh nghiệp tìm đến hợp tác...
+ Từ những bài học đắt giá đã được rút ra trong năm 2016, theo ông, bước sang năm mới 2017, báo chí Việt Nam cần phải có bước chuyển mình như thế nào hướng đến một nền báo chí trách nhiệm và nhân văn, chiếm được lòng tin của công chúng, thưa ông? - Tôi cho rằng, muốn có một môi trường báo chí lành mạnh, nhất thiết công tác thanh lọc, giám sát và xử lý vi phạm báo chí phải được làm triệt để. Các cơ quan quản lý phải thực sự vào cuộc trong việc xử lý dấu hiệu sai phạm của cá nhân, tổ chức, các cơ quan báo chí và xử phạt nghiêm mang tính răn đe giáo dục, giữ gìn kỉ cương nề nếp. Trong nghề báo, muốn dẹp bỏ những bức xúc, bất cập thì phải tính hàng năm, hàng quý, tính dài hạn chứ không phải cứ một năm được một hai vụ rồi vẫn tiếp tục có những tình trạng đó xảy ra, gây ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nghề báo trong lòng doanh nghiệp, người dân. Tôi thấy thời gian qua có nhiều vụ việc xử phạt rất đúng, kịp thời nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chỉ như “đá ném ao bèo” mà thôi. Thứ hai là, tất cả các cơ quan báo chí được cấp phép mới hoặc ra ấn phẩm phụ thì đều phải chứng minh về nguồn tài chính. Chứ cứ như hiện nay, nhiều Hội, Hiệp hội cho ra đời các tờ báo mà lại không có khả năng tài chính, phải đẻ ra một bộ máy, với áp lực quản lý con người và đời sống vật chất cho nhân viên của mình. Những tờ báo mới thành lập, không có ngân sách, tự trang trải trong khi đó thì làm gì có độc giả ngay, làm gì có lượng view, làm sao bán được báo, làm gì có doanh nghiệp tìm đến tự nguyện quảng cáo... thì lại phải nghĩ ra những trò kiểu chọc ngoáy chỗ nọ chỗ kia, “bới lông tìm vết” để ép làm quảng cáo, đăng bài PR.
+ Nói như ông, cuối cùng vẫn là câu chuyện con người, vấn đề đào tạo rèn luyện đạo đức tư cách của phóng viên?
- Xuất phát từ hai phía, thứ nhất là người tuyển dụng, phải công tâm, đặt lợi ích của Nhà nước, tập thể lên hàng đầu. Thủ trưởng cơ quan phải là người trong sạch liêm khiết, không vì cái này cái kia để châm chước, nhẹ tay với bất cứ ai, phải nghiêm túc trong sử dụng cán bộ. Tôi nói trường hợp như tôi chẳng hạn, tôi đã làm Tổng biên tập tạp chí Mặt trận được 3 tháng, trước đó là Phó tổng biên tập báo Xây dựng được 3 năm, nhưng chưa bao giờ tôi cấp sai một giấy giới thiệu cho bất kỳ ai, không làm điều gì thiếu minh bạch để tạo điều kiện cho một phóng viên nào đó đi hù dọa doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị mình. Thậm chí khi tôi về làm tổng biên tập, cũng có người còn đặt vấn đề xin làm thẻ phóng viên, cộng tác viên để không bị cảnh sát giao thông bắt hay vì một mục đích nào khác, kèm theo đó là một món lời về tài chính như tài trợ hợp đồng tuyên truyền, giới thiệu một dự án hợp tác nào đó cho tạp chí... nhưng tôi đều cương quyết từ chối. Bên cạnh đó, các cơ quan phải chọn lọc những phóng viên tinh nhuệ làm báo. Tôi thấy rằng, chính những nhà báo chân chính có năng lực không nên buồn bã, thất vọng trước thực tế vất vả của nghề báo hiện nay. Tại các cơ quan báo chí, hiện nay đều thiếu người là ngôi sao và thừa người là màn đêm, bóng tối. Trải qua 4 cơ quan báo chí, tôi thấy ai có năng lực đều tỏa sáng, ai cũng có công việc và sống khỏe, có thu nhập tốt vì họ được sử dụng, trọng dụng, trân trọng.
+ Xin cảm ơn ông!
Hồng Sâm - Hà Vân (thực hiện)