(CLO) Trước mắt, trong năm nay Việt Nam sẽ cần khoảng 3.734 tỷ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách. Trong giai đoạn từ 2016-2020, Việt Nam cần nguồn kinh phí hơn 25.000 tỷ đồng để khắc phục những thiệt hại do El Nino gây ra.
[caption id="attachment_133533" align="aligncenter" width="640"]
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2016-2020, nguồn kinh phí cần để khắc phục những hậu quả do El Nino gây ra là hơn 25.000 tỷ đồng. (Ảnh:Internet)[/caption]
Phát biểu tại Hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biển đổi khí hậu”, Tiến sỹ Trần Đại Nghĩa (Trưởng Bộ môn nghiên cứu kinh tế Tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho hay, Việt Nam được cho là một trong 3 nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Từ cuối năm 2014 đến 2016, do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán, mặn xâm nhập trên diện rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa. Ước tính thiệt hại về kinh tế 15.000 tỷ đồng.
Dù ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu là hiện hữu nhưng những ứng phó của nông dân trước thiệt hại của biến đổi khí hậu còn hạn chế. Ông Ngô Xuân Kiều (Viện Khoa học và Thủy lợi) cho rằng: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm là cách làm hiệu quả, thể hiện ưu điểm rõ nét đối với từng loại cây trồng. Theo đó, tổng chi phí cho nước chiếm 15-20% chi phí sản xuất cà phê. Chính vì vậy, giá cà phê của Việt Nam luôn cao hơn các nước khác, tính cạnh tranh thấp, lợi nhuận của nông dân không cao.
Nếu áp dụng tưới nhỏ giọt sẽ tiết kiệm được 45-50% nước, 50% phân, 90% nhân công, tăng 60% lợi nhuận sản xuất cà phê. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ tưới tiết kiệm vào nông nghiệp lại gặp khó khăn do quy mô tập quán nông nghiệp Việt Nam nhỏ lẻ; hiểu biết hạn chế của người dân và chính quyền địa phương về công nghệ này và đầu tư nghiên cứu sâu; quan nhiệm chưa đầy đủ về tưới tiết kiệm…
TS Trần Đại Nghĩa cho rằng, đây là cơ hội để ngành nông nghiệp tái cơ cấu, tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua thay đổi cơ cấu giống, mùa vụ để mang lại giá trị cao hơn. Chẳng hạn như diện tích đất bị nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có thể không trồng được lúa nhưng có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu cho việc phải chi trả thủy lợi phí đối với khu vực nông nghiệp tập trung để họ hạch toán vào giá cả sản xuất để nông dân và doanh nghiệp sử dụng nước tiết kiệm hơn, tránh lãng phí như hiện nay.
Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và địa phương, trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ ứng phó với thiên tai. Tính đến đầu tháng 7/2016, các đối tác và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ khẩn cấp hơn 16 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thời tiết cực đoan của El Nino.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2016-2020, nguồn kinh phí cần để khắc phục những hậu quả do El Nino gây ra là hơn 25.000 tỷ đồng. Trước mắt, trong năm nay sẽ cần 3.734 tỷ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách.
T.Tân