CLO- Dự tính đến năm 2020, tại Việt Nam sẽ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất điện khoảng 35 – 64 tỉ kWh. Tổng công ty điện lực Việt Nam luôn ra sức hô hào tiết kiệm điện nhưng ở nhiều công sở, lãng phí điện đang là một căn bệnh. “Cha chung không ai khóc” là biểu hiện thường thấy của dân công sở.
Trong khối hành chính nhà nước, một bộ phận cán bộ công chức vẫn đang thờ ơ với việc tiết kiệm điện. Đối lập với hình ảnh những cánh đồng lúa khô cạn, những ánh điện mù mờ nơi thôn quê, những bản làng thậm chí nguồn điện còn chưa tới… Ở đâu đó trên đất nước này, vẫn còn hàng chục triệu người không có nước uống, không có điện dùng, sống tạm bợ trong những xóm nước đen, khu ổ chuột tăm tối...
Vậy mà tại nhiều nơi công sở bề thế trong những tòa nhà cao tầng hiện đại giữa buổi chiều mưa mát mẻ, hàng trăm chiếc máy lạnh vẫn đang chạy hết công suất. Vào bất kể một phòng nào cũng tưởng như đang ở giữa mùa đông khiến ta không thể không suy ngẫm.
Mùa hè, văn phòng công sở rộng vài chục mét với khoảng 5 nhân viên làm việc, chuyện trò rôm rả, cửa phòng mở toang, điều hòa công suất 18 nghìn BTU 290C (tương đương nhiệt độ ngoài trời), gần chục bóng đèn sáng choang, tất cả các thiết bị điện tử đều mở. Phòng lớn chỉ có 1 nhân viên mà máy lạnh, quạt trần cứ vô tư chạy, thậm chí cả khi... không có người.
Còn mùa đông, bình nước nóng cơ quan bật 24/24, phục vụ từ rửa tay, có khi cả... giặt giẻ lau, nước xả tràn quên không tắt. Có những hôm, cán bộ về trưa không tắt điều hòa “để chiều đến mát luôn”. Còn chuyện tan làm các nhân viên đi về mà quên tắt đèn, tắt quạt… là không hiếm.
[caption id="attachment_30003" align="aligncenter" width="439"]
Những người thợ điện vất vả trong nắng gió[/caption]
Nếu đem ra thi tài “hao phí của công” có lẽ Ban giám khảo sẽ phải “đau đầu” với những cán bộ công sở kiểu mẫu này, vì có lẽ phải cần đến nhiều giải đặc biệt. Điều đáng chú ý, chủ nhân của những phòng làm việc hiện đại đó đều là những người có tri thức, hiểu biết, và chắc chắn họ không xa lạ gì với 2 từ “tiết kiệm”. Bởi lẽ, điện là của chung, nhà nước, cơ quan phải chịu phí không phải riêng cá nhân nào nên dẫn đến tình trạng “ lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, hoang phí điện, sử dụng điện bừa bãi.
Theo các các chuyên gia thì nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đang bị khai thác và sử dụng một cách thiếu bền vững. Tài nguyên nước đang bị suy giảm cả về chất và lượng. Việc áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật cũng như quản lý chưa thực sự hiệu quả trong khi chưa khai thác được các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo thay thế.
Cũng theo đó, dự tính đến năm 2020, tại Việt Nam sẽ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất điện khoảng 35 – 64 tỉ kWh. Đặc biệt, trước nguy cơ khủng hoảng về năng lượng, đòi hỏi người tiêu dùng phải thực hiện tiết kiệm. Đặc biệt là đối với những nơi công sở.
Các cơ quan cần có nội quy chặt chẽ trong việc sử dụng điện, đèn chiếu sáng, máy điều hòa, vi tính... Đưa việc thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm điện vào chỉ tiêu thi đua cá nhân và tập thể. Cần có chế độ thưởng, phạt với những cá nhân, tổ chức không thực hiện tiết kiệm điện.
Bản thân mỗi cá nhân, là một nhân viên công sở cũng cần phải tạo cho mình thói quen tự giác tiết kiệm điện. Bởi tài nguyên điện đang ngày một cạn kiệt. Tiết kiệm điện là cách đơn giản nhất để cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Thiết nghĩ, nếu như công sở là nhà của mình thì tin rằng sẽ không ai dám lãng phí điện một cách vô lý.
Tất cả mọi người hãy coi công sở như là nhà của mình, xin đừng sử dụng điện bừa bãi để xây dựng một xã hội tiết kiệm nhằm vượt qua khó khăn hiện tại và vì thế hệ tương lai. Chúng ta cần ý thức vai trò của việc tiết kiệm, nhất là tiết kiệm của công đừng để tiết kiệm điện nơi công cộng chỉ là khẩu hiệu.
Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng (TKNL), những vấn đề cấp bách” do Hiệp hội Năng lượng VN (VEA), Tổng cục Năng lượng và Tập đoàn điện lực VN (EVN) phối hợp tổ chức, đại diện nhiều cơ quan doanh nghiệp lo ngại về mức độ lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng các nguồn năng lượng. Nhất là khi các nguồn khai thác, chi phí đầu tư cho năng lượng ngày càng đắt đỏ.
Quỳnh My