(CLO) Theo thống kê, có hơn 800.000 công ty sản xuất công nghiệp và khoảng 76 khu công nghiệp tại Việt Nam. Và có thể nói rằng tình trạng ô nhiễm môi trường của hầu hết các công ty này vẫn còn nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường đang tạo ra ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh, cạn kiệt nguồn tài nguyên và làm suy giảm chất lượng sống của con người. Có lẽ đã đến lúc, Việt Nam cần có sự công bằng hơn với môi trường trong mối quan hệ với kinh tế.
[caption id="attachment_97432" align="aligncenter" width="1024"]
Sau nghi vấn Formosa, nhà máy đường ở Hòa Bình xả thải khiến nước sông Bưởi ô nhiễm, hàng tấn cá chết trắng. Chỉ trong một đêm, những hộ nuôi cá lồng ở đây đã mất cả tỷ đồng. (Ảnh Internet)[/caption]
Lựa chọn quá "đắt đỏ"
Tại buổi bàn tròn “Giá nào cho việc đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng?” TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ đã từng chia sẻ: Trong kinh tế học, người ta đã phát hiện ra nghịch lý mất cân đối, đó là cái kẻ gây ra ô nhiễm thì được hưởng lợi, còn những tác động của ô nhiễm thì toàn xã hội phải gánh chịu. Nhưng kinh tế học chưa có công cụ để trừng phạt và ngăn chặn hành vi gây ra ô nhiễm, chưa có cơ chế để đền bù cho những người dân bị hại về ô nhiễm và cũng chưa đo đạc được một cách chính xác. Đấy là một điều rất bất hợp lý.
Về tình hình hiện nay của Việt Nam, nước ta đã liên tiếp gặp những vụ việc gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường nước. Điển hình là nghi vấn Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung có thể coi là thảm hoạ môi trường. Ngoài việc làm cho hệ sinh thái biển bị phá huỷ nghiêm trọng - mà theo các chuyên gia nước ngoài dự đoán phải 50 năm nữa mới phục hồi được nếu không tiếp tục bị ô nhiễm. Thì cái giá đắt hơn khi đánh đổi ở đây là sinh kế của người dân, sức khỏe của dân tộc hiện tại và tương lai - tổn thất mà không có sự định giá nào có thể bù đắp được.
Theo GS. Đặng Hùng Võ: Rõ ràng môi trường hiện nay đang gặp vấn đề lớn về mặt quản lý. Tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam chỉ phù hợp với giai đoạn chúng ta đang kêu gọi đầu tư, khi đó chúng ta có thể rút những tiêu chuẩn môi trường nhất định để mời gọi họ. Nhưng mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải lựa chọn nhà đầu tư và lĩnh vực đầu tư, chứ không phải ai có tiền mang vào Việt Nam là chấp nhận bằng mọi giá.
"Khi chúng ta chuyển kinh tế sang một giai đoạn cao hơn thì việc nâng các tiêu chuẩn về môi trường lên mức phù hợp là việc vô cùng quan trọng", GS Võ nhận định.
Chưa hợp lý trong quy hoạch môi trường
Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra Quy hoạch môi trường là một thành phần của Quy hoạch phát triển xã hội. Tuy nhiên quy hoạch kinh tế xã hội đã làm gì để quy hoạch môi trường chưa? Rõ ràng là chưa làm được gì.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng: Quy hoạch đang là điều lúng túng nhất của Việt Nam. Theo quy hoạch, Việt Nam hiện có khoảng 60 khu kinh tế ven biển và kinh tế cửa khẩu. Về việc phát huy tác dụng của các khu kinh tế này thế nào, thì hiệu quả phát triển rất thấp đặc biệt là các khu kinh tế cửa khẩu.
Còn đối với khu kinh tế ven biển đã có một số khu được phát triển. Song, chúng ta đang thiên về phát triển kinh tế hay nói cách khác là chúng ta cho các loại hình công nghiệp phát triển trong đó, để chiều nhà đầu tư mà chưa đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường tương ứng.
"Các nhà máy lọc dầu, công nghiệp thép, nhiệt điện đều ở ven biển, trong khi công suất xả thải ở những dự án này là rất lớn và vô cùng nguy hiểm. Thực trạng này cho thấy về quy hoạch chúng ta chưa đầy đủ, chúng ta chỉ đang cần nhắc về yếu tố kinh tế mà chưa nghĩ đến giải pháp môi trường", GS Võ nhận định.
Có thể thấy, trong chính sách, chiến lược Việt Nam vẫn luôn nhấn mạnh chúng ta phát triển bền vững, đảm bảo một môi trường sạch đẹp và kiểm soát được ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, thực tế, xếp hạng bảo vệ môi trường Việt Nam xếp thứ 98 trong 137 nền kinh tế, chất lượng không khí xếp 123, cho thấy mức độ ô nhiễm của nước ta đang ở mức rất cao.
Từ những bê bối đã bị phát giác gần đây, có liên quan đến mối quan hệ giữa các dự án đầu tư và vấn đề môi trường đang là hồi chuông cảnh báo đến các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải nhìn nhận xem xét một cách nghiêm túc, cầu thị trong việc có đánh đổi tương lai của người dân và đất nước bằng những dự án tỷ đô có nguy cơ gây ô nhiễm cao hay không?
Giang Phan