Nghị định 64/2008 và câu chuyện cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên:

Cần có quy định mới bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ

Thứ sáu, 23/10/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng tiền từ thiện để hỗ trợ cho đồng bào miền Trung bị bão lũ đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Rất nhiều người ủng hộ song cũng không ít ý kiến lo ngại cách làm từ thiện của nữ ca sĩ sẽ khiến cô gặp rắc rối về mặt pháp lý.

Nghị định 64/2008 (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…) không quy định cho những cá nhân, nhóm người như Thủy Tiên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Nói về vấn đề này, ĐB Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng: Trong việc này không nên quy định máy móc chỉ có Nhà nước, các tổ chức xã hội có quyền huy động, mà mỗi cá nhân cũng đều có quyền, nhất là những người có tên tuổi, uy tín trong xã hội. Vì vậy, Nhà nước cần có quy định rõ hướng dẫn họ khi thực hiện các hoạt động ý nghĩa này, để khi đối mặt với sự cố, họ có thể giải trình minh bạch.

Câu chuyện 100 tỷ của ca sĩ Thủy Tiên

Xuyên suốt những ngày qua, ca sĩ Thuỷ Tiên không quản ngại “vượt lũ” vào những vùng bị cô lập để cứu trợ người dân miền Trung gặp lũ lụt. Hành trình thiện nguyện của bà xã Công Vinh nhận được cảm tình và sự tin tưởng của rất nhiều mạnh thường quân. Dù bận hỗ trợ bà con, song nữ ca sĩ không quên cập nhật tình hình quyên góp, ủng hộ trên trang Facebook cá nhân để công chúng tiện theo dõi.

Theo thông tin mới nhất từ Thủy Tiên, cho đến thời điểm hiện tại, tài khoản thiện nguyện của cô đã nhận được hơn 100 tỷ đồng từ các mạnh thường quân, chỉ sau một tuần nữ ca sĩ đứng ra kêu gọi.

Báo Công luận

Thủy Tiên cũng khẳng định, sẽ thay mặt các mạnh thường quân “đi từng ngõ gõ từng nhà” để lan tỏa yêu thương cho bà con nơi vùng lũ. “Cầm tiền nhiều trên tay, trách nhiệm rất nặng nề, nên mình cũng có nhiều lo lắng. Nhưng, mọi người yên tâm đây là tài khoản riêng chỉ dành cho từ thiện, mỗi đồng tiền gửi vào đều được sử dụng đúng vào mục đích từ thiện, hỗ trợ người dân không sai đi đâu cả. Vì, mình sẽ đến tận nơi trao đúng người, không thông qua trung gian nào hết”.

Chuyện Thủy Tiên kêu gọi quyên góp được hơn 100 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm và công chúng khắp cả nước giúp đỡ đồng bào vùng lũ miền Trung đã bảo chứng cho tấm lòng và uy tín của nữ ca sĩ sau nhiều năm xông xáo với hành trình thiện nguyện. Tuy nhiên, việc bà xã Công Vinh đứng ra đại diện tập thể, cầm trịch một số tiền rất lớn cũng dấy lên những trăn trở, lo ngại về kế hoạch thiện nguyện “Làm sao đến đúng nơi, giúp đỡ đúng người”.

Pháp luật không cấm hoạt động từ thiện

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn ca sĩ Thủy Tiên huy động mọi người ủng hộ, đóng góp được hơn 100 tỷ đồng đã khiến ông và nhiều người dân bất ngờ. Số tiền này đã phá vỡ kỷ lục của tất cả các hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân trước đó.

Thành công của ca sĩ Thủy Tiên và nhóm thiện nguyện đã khơi gợi lòng yêu nước, tình yêu thương giữa những con người khi khó khăn, hoạn nạn, thúc đẩy các ca sĩ, nghệ sĩ, các bạn trẻ kêu gọi hoạt động thiện nguyện.

Dưới góc độ pháp lý, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích mọi người tham gia hoạt động này. Hoạt động từ thiện có thể hiểu đơn giản chỉ là việc tặng cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu.

“Tuy nhiên, nếu không có bên thứ ba, bên trung gian đưa ra các thông tin về nhu cầu từ thiện, nhu cầu hỗ trợ và không có người đứng ra tổ chức tiếp nhận tài sản, đứng ra quyên góp tài sản và phân phối tài sản thì hoạt động tự nguyện tự phát không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Bởi vậy, trong rất nhiều trường hợp bên trung gian là bên kêu gọi ủng hộ từ thiện, tiếp nhận tài sản từ thiện để mang chuyển cho người có nhu cầu là rất quan trọng, góp phần kết nối, giúp hoạt động từ thiện diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn”, Luật sư Cường nói.

Báo Công luận

Tương tự Luật sư Cường, Luật sư Vũ Quang Bá (Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành động lập quỹ từ thiện, vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho hoạt động nhân đạo được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019. Tại cả 2 văn bản này chưa có quy định pháp luật nào cấm cá nhân vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp từ thiện. Ông Bá cho biết, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định rõ, hành vi cản trở cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo được xem là một trong những hành vi bị cấm.

Theo Luật sư Vũ Quang Bá, việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền, hàng cứu trợ thông qua một người, rồi sau đó người này thay mặt hoặc nhân danh họ chuyển tới những hoàn cảnh khó khăn như: Gặp thiên tai, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo… như là một hình thức ủy thác, thay họ thực hiện hoạt động từ thiện.

Do đó, người tiếp nhận tiền, hàng hóa, phải thực hiện đúng mục đích của việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà mình đã công bố hoặc những cam kết với người ủy thác việc từ thiện về mục đích sử dụng tiền, hàng cứu trợ.

Cần hành lang pháp lý cho các hoạt động cứu trợ

Trao đổi với  báo chí  về vấn đề này bên hành lang Quốc hội sáng 21/10, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cho rằng luật pháp phải bắt nguồn từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật là thực tiễn đặt ra cái gì thì pháp luật đi theo phục vụ. Ở góc độ pháp luật, vấn đề huy động nguồn lực trong xã hội phải có tư cách chủ thể. Song, theo ông Vân, chỉ có luật do Quốc hội ban hành mới đặt ra quy tắc xử sự có tính chất toàn xã hội, còn Nghị định của Chính phủ là văn bản mang tính chất kiểm định tính đúng đắn của các quy định, từ đó mới tổng kết để nâng lên thành luật.

Rất tiếc, Nghị định 64 ban hành từ 2008 nhưng Chính phủ chưa có tổng kết xem các quy định trong này có phù hợp thực tiễn hay không”, ông Vân nói.

Với trường hợp cụ thể ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng làm từ thiện cho đồng bào miền Trung, ông Vân cho rằng ai cũng ủng hộ, không ai phản ứng việc này, nhất là trong bối cảnh thiên tai bão lũ xảy ra.

Khi Nhà nước với nhân dân chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, đó là việc nên khuyến khích, vì nguồn lực Nhà nước có hạn”, ông Vân nêu quan điểm.

Theo ông, khi để chính người dân thực hiện việc này không chỉ cho thấy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”, mà còn khơi dậy truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc. Ông nhấn mạnh những tấm gương như vậy có tính chất lan tỏa trong xã hội rất cao.

Góp ý để việc quyên góp, từ thiện được thuận lợi, sớm đến được với người dân và đến đúng đối tượng, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng trước hết cần quy định chủ thể có quyền huy động không nhất thiết các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân, mà các cá nhân cũng có quyền. Họ có thể thực hiện đăng ký và chịu trách nhiệm, không nhất thiết phải qua trình tự thủ tục hành chính và phải được phép.

Về cách thức thực hiện, cá nhân làm từ thiện có thể chủ động lựa chọn đối tượng, không cần thiết qua những thủ tục rườm rà.

Tôi nghĩ Thủy Tiên và nhóm của cô ấy không đi ban phát một cách bừa bãi. Họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những nhà tài trợ quyên góp vào quỹ đó cho mình. Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng minh bạch”, ông Vân nêu ý kiến.

Đại biểu tỉnh Cà Mau nhấn mạnh trong việc này không nên quy định máy móc chỉ có Nhà nước, các tổ chức xã hội có quyền huy động, mà mỗi cá nhân cũng đều có quyền, nhất là những người có tên tuổi, uy tín trong xã hội.

Ông Vân góp ý Nhà nước cần có quy định rõ hướng dẫn họ khi thực hiện các hoạt động ý nghĩa này, để khi đối mặt với sự cố, họ có thể giải trình minh bạch.

Luật sư Ngô Ngọc Trai (Hà Nội)  thì cho rằng, cần có quy định mới về pháp luật “tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên”. Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.  Xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng.

Khánh An

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn