Ngừng hoạt động vì không chấp nhận sản xuất gây ô nhiễm
Liên quan đến chủ trương của chính quyền thành phố Đà Nẵng về việc ngừng hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm của hai nhà máy thép DANA - Ý và DANA - ÚC, đồng thời thu, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận hai nhà máy, tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố ngày 6/3/2018, đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng kết luận: Ngừng hoạt động vì không chấp nhận sản xuất gây ô nhiễm.
Khi được hỏi về việc này, ông Huỳnh Văn Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý cho biết, trong quá trình hoạt động, hai nhà máy gây ô nhiễm và xung đột xảy ra tới đỉnh điểm vào năm 2017. Để khắc phục những thiếu sót trong quy hoạch các giai đoạn trước, UBND thành phố đã quyết định việc di dời dân. Nhưng cho đến thời điểm tháng 2/2018, việc di dời này đã không được thực hiện theo ý nguyện của người dân. Khi nhà máy hoạt động trở lại được vài ngày sau khi nghỉ tết, không có một kết luận nào về việc hai nhà máy gây ô nhiễm, vi phạm về môi trường của các cơ quan chức năng nên người dân bức xúc gây áp lực yêu cầu hai nhà máy ngừng hoạt động để thực hiện việc di dời dân thì thành phố cho ngừng hoạt động hai nhà máy. Chủ trương này đã gây khó khăn cho cả nhà máy và người lao động.
Chủ trương ngừng hoạt động 2 nhà máy thép gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Việc ngừng hoạt động 2 nhà máy thép cũng xuất phát từ sức ép của người dân, chính người dân tự đưa mình vào thế bí chung cho cả họ và 2 nhà máy thép. Khi được hỏi về vấn đề này, anh Mai, có số điện thoại: 0122 4574428, tâm sự:
“Tôi là đại diện cho người dân của thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên. Ý nguyện của người dân chúng tôi lâu nay là mong muốn được di dời ra xa khỏi khu công nghiệp, cách xa nhà máy 500m và người dân chúng tôi có công ăn việc làm ổn định, như vậy mới là "hợp lòng dân". Trước đây giữa người dân, lãnh đạo hai nhà máy Thép và chính quyền thành phố đã thống nhất di dời toàn bộ dân đến nơi ở có quy hoạch mới, thế nhưng đến tháng 2/2018 chúng tôi vẫn chưa được đáp ứng. Đứng trước việc đó, chúng tôi chỉ biết cùng nhau chặn hoạt động của nhà máy để được di dời đến nơi ở mới chứ không quyết tâm đòi đình chỉ hoạt động của nhà máy làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người khác. Kiến nghị chính quyền thành phố ngừng hoạt động hai nhà máy và không di dời dân đi nơi khác không phải là của người dân thôn Vân Dương 2 chúng tôi mà đó là của những người dân từ nơi khác mới chuyển đến sống tại đây”.
Như vậy, chính người dân đã tự đưa mình vào thế "mắc cạn" và bây giờ họ cần được chỉ ra lối thoát, đó là được di dời đến nơi ở mới đảm bảo môi trường, có việc làm để ổn định cuộc sống.
Cần có sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường
“Ngừng sản xuất”, chỉ 3 từ thôi nhưng kéo theo bao nhiêu hệ lụy:
1.500 công nhân (60-65% là người dân sống tại địa phương) bị mất việc làm, không có thu nhập, gia đình của họ sẽ sống ra sao? Các doanh nghiệp còn lại của thành phố liệu sẽ giải quyết được việc làm cho bao nhiêu công nhân trong số đó? Người dân rất cần nơi sống mới đảm bảo môi trường, có việc làm để ổn định cuộc sống nhưng họ lại thất vọng vì chưa được giải quyết thỏa đáng.
Hai nhà máy thép phải đối diện với biết bao nhiêu khó khăn: Các hợp đồng đã ký với khách hàng chưa có hàng giao, các khoản phạt hợp đồng; các khoản vay ngân hàng và tiền lãi phải trả, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những việc này. Thành phố có thể sẽ hỗ trợ kinh phí cho 2 đơn vị này từ ngân sách của nhân dân đóng góp, thành phố cũng thiệt hại.
“Ngừng sản xuất” kéo theo nhiều hệ lụy cần được giải quyết
Ngừng hoạt động khi chưa có tham mưu một cách chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, liên quan về môi trường cho chính quyền thành phố. Chưa có thời gian, lộ trình rõ ràng sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp và chính thành phố.
Như vậy đây có phải là một quyết định hơi vội vàng? Hơn bao giờ hết, lúc này chính quyền TP. Đà Nẵng rất cần sự cân nhắc vì quyền lợi của người dân và tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất; tập trung giải quyết các vấn đề còn khiến người dân bức xúc, quan tâm cho người dân và doanh nghiệp bằng con đường ngắn và có lợi ích chung nhất. Không thể cho 2 nhà máy ngừng hoạt động rồi khó khăn thế nào doanh nghiệp tự gánh lấy, còn người dân thì vẫn phải tiếp tục sống trong khó khăn, môi trường không đảm bảo.
Thiết nghĩ, việc hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường là mục tiêu hàng đầu mà chính quyền thành phố Đà Nẵng cần quan tâm trong lúc này. Một quyết định mới có sự hài hòa là cần thiết và thật sự có ý nghĩa trong năm 2018: Năm thành phố Đà Nẵng có chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về diễn biến của sự việc.
Lưu Phước Dũng