(CLO) Thông tư 08 (năm 2004) của Bộ Y tế định nghĩa: "Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh".
>> Hàng loạt thực phẩm chức năng bị xử phạt vì vi phạm quảng cáo, ghi nhãn
>> Quảng cáo phóng đại, vi phạm pháp luật
Khái niệm thực phẩm chức năng (TPCN) được người tiêu dùng Việt Nam biết đến từ nhiều năm qua. Hiện nay, TPCN muôn hình muôn vẻ tràn ngập thị trường, tuy nhiên, đại đa số người dùng lại chưa hề trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết cơ bản về các loại sản phẩm này. Nói đến TPCN, thậm chí nhiều người còn có "thần thánh hoá", coi đây là những "thần dược" có tác dụng chữa bệnh rất công hiệu.
Báo Điện tử Congluan.vn giới thiệu đến bạn đọc những ý kiến của PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) và của PGS. TS. Nguyễn Đình Tiến xung quanh "câu chuyện thực phẩm chức năng".
[caption id="attachment_69788" align="aligncenter" width="600"]
Thực phẩm chức năng được khẳng định không phải là thuốc chữa bệnh. (Ảnh minh hoạ, nguồn internet)[/caption]
PGS. TS. Nguyễn Đình Tiến cho biết, TPCN khác với thực phẩm thông thường ở chỗ được sản xuất, chế biến theo công thức: bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bỏ một số thành phần bất lợi của thực phẩm.
TPCN được khẳng định không phải là thuốc chữa bệnh vì thế không chấp nhận việc công bố khả năng chữa trị bệnh của TPCN, trên nhãn sản phẩm TPCN không được phép ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào. TPCN không phải là thuốc chữa bệnh, vì thế, khi mắc một số bệnh mạn tính như hen phế quản, tăng huyết áp... TPCN không thể thay thế các thuốc chữa bệnh này. Nếu bỏ thuốc điều trị mà chỉ dùng TPCN đơn thuần là một quyết định sai lầm, dẫn đến tai biến khó lường...
Theo PGS. TS Trần Đáng, hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng TPCN là phương châm cốt lõi để phát triển ngành TPCN trở thành ngành kinh tế - y tế ở nước ta hiện nay. Hiểu đúng là hiểu được định nghĩa, phân loại, phân biệt và tác dụng của TPCN. Làm đúng là sản xuất, kinh doanh, công bố và quảng cáo và quản lý phải đúng. Dùng đúng là đúng đối tượng, liều lượng, thời gian và cách dùng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cơ quan quản lý nhà nước về TPCN cho hay, TPCN không được công bố là có thể chẩn đoán, chữa bệnh, điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh, nhưng được nói TPCN góp phần duy trì sức khỏe và hạnh phúc. Việc quản lý TPCN cũng khác với quản lý thuốc. Một sản phẩm TPCN có thể bán mà không có nghiên cứu về cách nó hoạt động hay tác động đến cơ thể, cơ chế gây bệnh.
Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây, TPCN có bước phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn sản phẩm được bày bán trên thị trưởng, bao gồm cả sản phẩm nhập khẩu đến các sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất ít người Việt – cả những người đã sử dụng và chưa sử dụng TPCN – hiểu đúng về sản phẩm hữu ích này.
[caption id="attachment_69790" align="aligncenter" width="600"]
PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam.[/caption]
Theo PGS.TS Trần Đáng, thực tế hiện nay cho thấy, TPCN đang bị quảng cáo, giới thiệu, tư vấn theo chiều hướng "nói vống, nói quá" khiến nhiều người lầm tưởng rằng TPCN có tác dụng như thuốc và có thể thay thế thuốc trong quá trình điều trị bệnh, dẫn đến nguy cơ tình trạng bệnh diễn tiến nặng, điều trị khó khăn, thậm chí gây tử vong. Cũng chính vì thế, hiện nay có hai chiều hướng trái ngược: Một là tin tưởng một cách thái quá, biến TPCN thành “thần dược” và khiến cộng đồng hiểu sai về TPCN; Chiều hướng còn lại là tẩy chay, “nói không” một cách tuyệt đối với TPCN khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh cho mình.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đáng thông tin, không phải tất cả TPCN đều an toàn. Như các loại thuốc thông thường, TPCN có thể gây tác dụng phụ, gây dị ứng, tương tác với thuốc kê toa và thuốc không kê toa hoặc TPCN khác được uống. Hãy luôn tham vấn bác sỹ điều trị về TPCN trước khi sử dụng hoặc khi muốn dùng TPCN kết hợp với một liệu pháp thông thường.
Để giúp cho người tiêu dùng biết cách dùng đúng TPCN, VAFF đã có hướng dẫn 5 bước sử dụng TPCN: Đánh giá tình trạng sức khỏe; Xác định mục tiêu sử dụng; Lựa chọn sản phẩm thích hợp; Sử dụng đúng hướng dẫn của Nhà sản xuất hoặc tư vấn của chuyên gia; Đánh giá hiệu quả.
TS. Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nêu ý kiến: "Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan truyền thông, để làm sao phổ biến, tuyên truyền đầy đủ thông tin cho cộng đồng. Người dân phải ngừng hiểu lầm TPCN là thuốc điều trị, đồng thời dùng đúng mục đích khi cần hỗ trợ sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị… Tôi cho rằng việc chủ động dự phòng, tránh mắc bệnh cũng là một hình thức giảm tải cho ngành y tế".
Trần Linh