(CLO) Đã 7 năm kể từ khi vụ án xảy ra nhưng số phận của các anh Nguyễn Viết Xuân, Hoàng Nam Khánh vẫn chìm trong vòng lao lý. Có lẽ, đã đến lúc, các cơ quan tố tụng cần vào cuộc một cách quyết liệt, công tâm để đưa bản chất vụ án ra ánh sáng công lý. Sau 7 lần hoãn xử, dự kiến ngày mai 12/9, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm. Báo Điện tử Congluan.vn tiếp tục phản ánh những tình tiết mới, những cơ sở pháp lý đã bị lãng quên trong thời gian vừa qua. >>>
http://congluan.vn/bai-1-tieng-keu-thong-thiet-bi-chim-trong-im-lang/132650 >>>http://congluan.vn/cac-co-quan-tien-hanh-to-tung-bo-qua-hang-loat-chung-cu-xac-dinh-vo-toi
Thừa nhận dàn dựng đơn tố cáo nặc danh để tống tiền [caption id="attachment_182381" align="aligncenter" width="460"]
Từ người dũng cảm tố cáo với Bí thư Tỉnh ủy anh Nguyễn Viết Xuân đã bị rơi vào vòng lao lý, chịu nhiều oan sai trong 7 năm qua[/caption] Ngày 23/4/2013, TAND Tối cao tại Hà Nội đã đưa các bị cáo Vi Anh Tuấn, Nguyễn Đình Quang ra xét xử phúc thẩm. Bản án đã nêu rõ: Đầu năm 2011, Vi Anh Tuấn và Nguyễn Đình Quang (điều tra viên Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang) đã bàn bạc, thống nhất để Nguyễn Đình Quang soạn đơn mạo danh tố cáo Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc có sai phạm trong công tác thu giữ, thanh lý lâm sản để thu lợi bất chính lớn rồi gửi đến Văn phòng Cơ quan điều tra PC44 Công an tỉnh Hà Giang, nhằm mục đích có căn cứ xác minh, tiến hành “làm luật” đối với một số cán bộ kiểm lâm huyện Mèo Vạc. Khoảng đầu tháng 2/1011, Nguyễn Đình Quang soạn thảo đơn tố cáo và tự đặt tên người gửi là ông Hoàng Văn Long, trú tại tổ 2, thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, lưu vào USB rồi đưa xuống phòng làm việc của Vi Anh Tuấn. Tại đây, Tuấn đã chỉnh sửa đơn và tự ký tên “Long” ở mục người gửi đơn. Tuấn cho vào đơn và bao thư có ghi địa chỉ gửi đến ông Chánh văn phòng cơ quan CSĐT và nhờ anh Tiệp chuyển cho chị Nhung, để chị Nhung gửi bì thư nói trên cho Quang qua đường bưu điện. Sau đó, Tuấn và Quang được phân công thụ lý giải quyết đơn. Trong quá trình thụ lý, Tuấn và Quang đã yêu cầu anh Nguyễn Viết Xuân (Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Mèo Vạc), anh Hoàng Văn Khánh (cán bộ Hạt kiểm lâm Mèo Vạc) phải đưa số tiền là 100 triệu đồng để được bỏ qua vụ việc. Ban đầu, anh Xuân và anh Khánh do bị đe dọa và muốn được yên ổn nên đã đưa cho Tuấn, Quang 20 triệu đồng. Sau đó, Tuấn, Quang tiếp tục yêu cầu các anh này phải đưa tiếp tiền. Quá bức xúc, các anh Khánh, Xuân đã tố cáo vụ việc lên ông Triệu Tài Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Sau đó, Tuấn, Quang đã bị Công an tỉnh Hà Giang bắt quả tang khi đang nhận 50 triệu đồng tiền mặt tại phòng làm việc của Tuấn. Tại phiên Tòa, Tuấn đã thừa nhận cùng Quang thực hiện hành vi phạm tội trên. Do đó, Tuấn đã bị tuyên 8 năm tù, còn Quang do không kháng cao nên đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù.
Trả thù người tố cáo bằng chứng cứ ngụy tạo? [caption id="attachment_182380" align="aligncenter" width="480"]
Cơ quan tố tụng vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi sử dụng đơn nặc danh mang tên Hoàng Văn Long để khởi tố vụ án, khởi tố bị can[/caption] Những tưởng các anh Xuân, Khánh phải được khen thưởng vì dũng cảm tố cáo hành vi phạm tội của Tuấn, Quang lên Bí thư Tỉnh ủy thì ngay sau khi Tuấn, Quang bị bắt, hai anh này đã bị Công an tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra. Căn cứ để các anh Xuân, Khánh bị điều tra là 2 lá đơn tố cáo của Nguyễn Hữu Bảo và Hoàng Hải Lam. Ngày 22/7/2103, Nguyễn Viết Xuân, Hoàng Nam Khánh bị khởi tố, bắt tạm giam. Mặc dù trong suốt quá trình điều tra, Nguyễn Viết Xuân, Hoàng Nam Khánh một mực kêu oan đồng thời đưa ra hàng loạt chứng cứ chứng minh không hề phạm tội nhưng thật trớ trêu họ còn bị 2 lần ra hạn tam giam (tổng thời gian tạm gian lên đến 24 tháng). Hàng loạt căn cứ, chứng cứ chứng minh vô tội đều bị các cơ quan tố tụng ở Hà Giang cố tình bỏ qua. Ngày 27/8/2014, TAND tỉnh Hà Giang vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Viết Xuân 24 tháng tù giam, Hoàng Nam Khánh 18 tháng tù giam. Tuy nhiên, cả hai anh do đã ngồi tạm giam 24 tháng nên được thả tự do ngay tại tòa. Câu hỏi đặt ra: Nguyễn Hữu Bảo, Hoàng Hải Lam đã tố cáo những gì? Tính xác thực của các đơn tố cáo này? Đây cũng chính là điều mà suốt 7 năm qua đã bị các cơ quan tố tụng bỏ qua. Theo đơn tố cáo của Nguyễn Hữu Bảo, người này đã 4 lần mua thanh lý tang vật của Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc. Cả 4 lần mua đều có phiếu thu và các giấy tờ thủ tục thanh lý đầy đủ. Nhưng ngoài số tiền đã ghi trong hóa đơn và phiếu thu thì Nguyễn Viết Xuân (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc) và Hoàng Nam Khánh (cán bộ pháp chế của hạt) còn yêu cầu và "ép" Bảo phải đưa số tiền ngoài là 150 triệu đồng. Số tiền này Bảo nhờ người đưa cho Xuân, Khánh. Người được “nhờ” đó là Hoàng Hải Lam (lái xe taxi từng chở Bảo nhiều lần lên Hà Giang). Tuy nhiên, ngày 30/7/2011, Hoàng Hải Lam đã có đơn "Tự nguyện khai báo" nói rõ việc viết đơn tố cáo đã đưa tiền cho anh Xuân là do Nguyễn Hữu Bảo nhờ. Trên thực tế, Lam khẳng định không hề đưa tiền cho anh Nguyễn Viết Xuân. Trong suốt quá trình điều tra, các anh Xuân, Khánh đều phủ nhận việc nhận tiền từ Lam và cho đến nay, không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh việc đưa tiền này. Còn tại bản khai báo ngày 7/9/2011, Bảo có khai đã chuyển vào tài khoản của các anh Xuân 2 lần, mỗi lần 50 triệu đồng theo yêu cầu "trả tiền ngoài" của anh Xuân. Tuy nhiên, anh Nguyễn Viết Xuân khẳng định, lần chuyển 50 triệu đồng thứ nhất (ngày 29/10/2010) là số tiền Bảo đã vay anh Xuân chi tiêu, không hề liên quan đến việc mua thanh lý tang vật. Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, lần chuyển tiền vào tài khoản này là tiền anh Xuân "ép" Bảo đưa để được mua tang vật. Tuy nhiên, trên thực tế, lần thanh lý này Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc không hề bán tang vật cho Bảo mà bán cho ông Huỳnh Thành. Việc mua bán này có đầy đủ hồ sơ chứng từ, chữ ký của ông Huỳnh Thành, vậy tại sao cơ quan điều tra lại khẳng định người mua là ông Bảo? Lần chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản của anh Xuân thứ hai (ngày 20/12/2010) thực chất là số tiền Bảo nhờ anh Xuân mua gạo để đoàn từ thiện của Bảo lên Hà Giang trao tặng bà con các xã vùng khó khăn. Chương trình từ thiện này anh Nguyễn Viết Xuân đã lên kế hoạch, xin ý kiến UBND huyện Mèo Vạc và đã được đồng ý, có địa chỉ người nhận với số gạo, vật phẩm cụ thể. Trên thực tế, số tiền Bảo nợ anh Xuân là 51 triệu đồng, Bảo vẫn còn nợ anh Xuân 1 triệu đồng. Một điểm đáng chú ý nữa là thời điểm chuyển khoản hai số tiền nêu trên, Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc chưa hề bắt giữ được tang vật gì. Vậy, cơ sở đâu để anh Nguyễn Viết Xuân "ép" Bảo phải đưa tiền và tại sao Bảo lại dễ dàng chuyển cho anh Xuân 100 triệu đồng khi chưa biết số tang vật Hạt kiểm lâm Mèo Vạc bắt giữ sắp tới là gì, giá trị ra sao??? Căn cứ vào hồ sơ vụ án thì thấy lời khai của Nguyễn Hữu Bảo có rất nhiều điểm mâu thuẫn, vô lý, đã bị Hoàng Hải Lam phủ nhận... nên việc các cơ quan tố tụng vừa qua xác định lời khai của Bảo làm căn cứ chính để buộc tội các anh Xuân, Khánh thể hiện sự chủ quan, áp đặt, từ đó dẫn đến oan sai cho người vô tội. Đến đây, cũng cần nói rõ về quá trình quen biết giữa Nguyễn Hữu Bảo và anh Nguyễn Viết Xuân. Đầu năm 2010, Bảo lên Mèo Vạc và giới thiệu là thầy tu, có pháp danh "Thích Đạo Đế". Là người theo đạo Phật, anh Xuân đã nhận bảo làm thầy. Trong suốt năm 2010, bảo đã lên ăn ở tại nhà riêng anh Nguyễn Viết Xuân và tập thể Hạt Kiểm lâm Mèo vạc rất nhiều lần. Điều này, có rất nhiều người biết, chứng kiến. Vì vậy mới có việc anh Xuân cho Bảo vay tiền và Bảo nhờ anh Xuân ứng trước tiền làm từ thiện.
Một điểm rất đáng chú ý là cơ quan CSĐT vẫn căn cứ vào đơn tố giác của Hoàng Văn Long (9/2/2011 - Bút lục 01) để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các anh Xuân, Khánh. Trong khi đó, đơn của Hoàng Văn Long là đơn nặc danh được hai bị cáo Vi Anh Tuấn, Nguyễn Đình Quang (nguyên cán bộ Văn phòng CSĐT - Công an tỉnh Hà Giang) sử dụng để tống tiền anh Xuân, Khánh.
Cơ quan tố tụng ở Hà Giang căn cứ vào đâu để định giá? Theo cáo trạng, các anh Xuân, Khánh đã gây thiệt hại trong quá trình thanh lý tang vật là 79.700.000đ. Tuy nhiên, đây chính là quan điểm áp đặt của cơ quan điều tra nhằm buộc tội các anh Xuân, Khánh. Trên thực tế, cơ quan điều tra đã bỏ qua một bước vô cùng quan trọng là tiến hành các thủ tục định giá trong tố tụng hình sự. Vậy, căn cứ vào đâu để xác định thiệt hại do các anh Xuân, Khánh gây ra? Và cũng thật khó hiểu, lỗi vi phạm tố tụng nghiêm trọng như vậy nhưng vẫn bị nhiều cơ quan có thẩm quyền bỏ qua! Được biết, đến nay, phiên tòa phúc thẩm vụ án này đã 7 lần hoãn xử. Lý do chính khiến HĐXX hoãn xử là các đối tượng liên quan tới vụ án này liên tục vắng mặt, khai báo mâu thuẫn, không thể khai báo tại tòa. Điển hình là Nguyễn Hữu Bảo đã vắng mặt rất nhiều lần, còn bà Trần Thị Bích, Hoàng Hải Lam, Huỳnh Thành chưa một lần xuất hiện tại tòa. Có lẽ, để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, tới đây, TAND cấp cao cần áp dụng biện pháp áp giải các cá nhân trên đến phiên tòa để khai báo, đối chứng. Bên cạnh đó, TAND cấp cao cũng cần mời Phòng Tài chính, Phòng Tư pháp huyện Mèo Vạc, Chi cục Kiểm lâm Hà Giang, UBND huyện Mèo Vạc, bà Cù Thị Đoàn (Kế toán Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc – người trực tiếp thu tiền bán tang vật thanh lý cho Huỳnh Thành và Nguyễn Hữu Bảo) để được nghe ý kiến của các tổ chức cá nhân này; thiết nghĩ, làm như vậy chắc chắn giúp ích rất nhiều cho việc xác định sự thật và bản chất của vụ án này. Với hàng loạt vấn đề nêu trên, công luận mong muốn TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ xem xét, đánh giá, xét xử vụ án thật sự công tâm, khách quan để không gây oan sai cho người vô tội.
Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ “kỳ án” này. Thành Vĩnh