Cảnh báo tình trạng kẻ xấu đột nhập vào các lớp học trực tuyến

Thứ hai, 13/04/2020 12:33 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, HSSV, cha mẹ HSSV và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

 

Tin tặc liên tiếp tấn công có hệ thống

Trong nhiều ngày qua nhiều thông tin từ học sinh, phụ huynh phản ảnh cho biết, các giờ dạy trực tuyến bị kẻ xấu xâm nhập, quấy rối tung các hình ảnh, video phản cảm, chứa nội dung xấu độc khiến dư luận bất bình. Đa phần các hình thức quấy nhiễu này xuất phát từ việc sử dụng các phần mềm ứng dụng dạy học miễn phí trên internet.

Chưa dừng lại ở đó, tin tặc còn tổ chức tấn công có quy mô vào các nền tảng dạy học trực tuyến có bản quyền của Việt Nam. Mới đây nhất là ứng dụng học – thi trực tuyến 789.vn. Theo đó, trong 5 ngày, từ 8/4 đến 12/4/2020, nền tảng học - thi trực tuyến 789.vn đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) với các IP được xác định phần lớn từ nước ngoài và một số điểm phát động tại Việt Nam. Cho đến sáng nay 13/4, lãnh đạo 789.vn xác nhận, hệ thống đã hoàn toàn được khắc phục.

Tin tặc tấn công đã ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học trong dịch Covid -19 (ảnh minh họa - nguồn TL).

Tin tặc tấn công đã ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học trong dịch Covid -19 (ảnh minh họa - nguồn TL).

Cụ thể, từ 1h sáng 8/4 đến 23h ngày 10/7, 789.vn ghi nhận 3 cuộc tấn công DDoS liên tiếp. Đỉnh điểm vào lúc 1h sáng 8/4, hệ thống ghi nhận hơn 2,8 triệu yêu cầu kết nối truy cập cùng lúc nhằm làm tê liệt hệ thống. Sự việc kéo dài trong 2 tiếng và đã được đội ngũ kỹ thuật nhanh chóng ứng phó, xử lý khắc phục.

Tiếp đó, trong 2 ngày 9 và 10/4, cũng bằng hình thức như trên, hệ thống 789.vn ghi nhận thêm 2 cuộc tấn công nhưng yếu hơn, do đã được các kỹ sư của 789.vn lên các kịch bản ứng phó, và hệ thống bị chậm lại nhưng không bị tê liệt như cuộc trước đó. Trong các ngày sau, 11 và 12/4 các cuộc tấn công chỉ còn ở mức thăm dò và tìm điểm yếu để tấn công mà thôi.

Ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO của 789.vn cho biết, ngay sau khi sự việc diễn ra đã có thông báo đến các trường, có những trường đã phải dời lịch kiểm tra online toàn trường. Đây là sự việc đáng tiếc, đã làm ảnh hưởng đến 200.000 học sinh đang theo học, 40.000 giáo viên đang sử dụng nền tảng học - thi trực tuyến 789.vn.

Bộ Giáo dục yêu cầu báo cáo nhanh để kịp điều tra xử lý

Ngày 13/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo; các đại học, học viện, trường đại học; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet.

Theo đó, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) có công văn về việc hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình, các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo đã tích cực triển khai, được học sinh, sinh viên (HSSV), cha mẹ HSSV hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả tốt.

Khi tổ chức dạy học online các thầy cô và nhà trường nên sử dụng các phần mềm có bản quyền (ảnh minh họa - TL).

Khi tổ chức dạy học online các thầy cô và nhà trường nên sử dụng các phần mềm có bản quyền (ảnh minh họa - TL).

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, HSSV trên mạng, không đảm bảo an toàn và đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (cơ sở đào tạo) thực hiện các nội dung sau đây:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, HSSV và cha mẹ HSSV trong dạy học qua Internet.

Giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.

 Xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.

Tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet. Đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng  phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, HSSV, cha mẹ HSSV và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT, cơ sở đào tạo nghiêm túc thực hiện các nội dung tại Công văn này và báo cáo kết quả xử lý các vấn đề xảy ra (nếu có) về Bộ GD&ĐT.

Minh Triết

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục