(congluan.vn) - Quán cơm Vân Anh nổi tiếng chém giá tại khu vực gần bệnh viện Chợ Rẫy đã lâu. Khách ăn 2 dĩa cơm giá 310.000đ, ai dám không trả tiền?
Quán cơm này vẫn tồn tại và chặt chém khách mỗi ngày?
Bệnh viện Chợ Rẫy là trung tâm chữa trị lớn nhất TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Người dân các tỉnh thành đều tập trung về đây khám chữa bệnh. Mỗi ngày có hàng ngàn người đến đây trị bệnh, chưa kể những người đi nuôi, thăm bệnh.
Xung quanh bệnh viện có nhiều quán hàng kinh doanh ăn uống. Tuy nhiên, lại có một số ít quán ăn kinh doanh theo kiểu “trấn lột” khách hàng. Cụ thể nhất là quán cơm phở Vân Anh, địa chỉ số 4-6 đường Lê Đại Hành, quận 11. Là quán cơm nằm trước cổng chính Bệnh viện Chợ Rẫy, một địa thế rất thuận lợi trong việc kinh doanh ăn uống. Nhìn bề ngoài chỉ là quán bình dân, hơn nữa, bảng hiệu lại để chữ : “Quán cơm Vân Anh - Bán các món ăn cơm tấm, phở, bún thịt nướng bình dân”. Nhiều người lầm tưởng quán bán giá phải chăng, không ngờ khi vào ăn rồi mới biết mình bị “trấn lột”.
11g30, ngày 21/12/2013, chúng tôi 3 người, 2 thanh niên và cụ già vào quán Vân Anh ăn cơm trưa. Chúng tôi gọi 2 dĩa cơm trắng, 2 miếng chả trứng, 2 miếng cá lóc, 1 đĩa đậu hủ kho và 1 tô canh khổ qua (cụ già không ăn, chỉ uống 1 ly trà đá). Chỉ bấy nhiêu, nhưng khi tính tiền chủ quán chìa ra tờ hóa đơn 345.000đ ? Nhìn tờ hóa đơn, chúng tôi hoa cả mắt. Tính nhầm chăng? Tôi nhìn lại thì thấy đơn giá trong tờ hóa đơn này thật “khủng”: 1 tô canh khổ qua, chỉ có 1 trái khổ qua cắt làm đôi được tính giá 100.000đ. Dĩa thịt kho đậu hủ, có 2 miếng thịt và 2 lát đậu được tính giá 80.000đ . 2 miếng cá lóc mỏng teo giá 60.000đ…
Biên nhận thu tiền của quán Vân Anh
Lúc này, đôi nam nữ bàn bên cạnh cũng gọi tính tiền và bất ngờ phản ứng dữ dội khi nhìn thấy tờ hóa đơn giá “khủng”. Anh thanh niên bức xúc: “vợ chồng tôi chỉ gọi 1 dĩa cơm thịt kho và 1 tô phở mà bị “chém” đến 195.000đ, chưa thấy chỗ nào “cắt cổ” như vậy” . Và khi chúng tôi đề nghị tính đúng giá thì bà chủ trợn mắt, to tiếng: “Ở đây tôi bán giá như vậy, ăn không ăn thì thôi, đừng nói nhiều! Mấy người có biết mặt bằng ở đây mỗi tháng năm, bảy trăm đô, không bán giá đó lấy gì đóng tiền mặt bằng, tiền thuê người giúp viêc? Hóa đơn tính như vậy, có trả hay không thì bảo…”. Thấy bà chủ ăn nói lỗ mảng , lại có thêm tay đàn ông đứng gừm gừm nhìn chúng tôi, nên mọi người đành phải… trả đủ.
Ra khỏi quán, chúng tôi gặp một số người bán báo, vé số xung quanh khu vực này xúm lại hỏi han : “bị “chém” phải không ?” – một chị nhanh miệng hỏi. Chị lớn tuổi hơn kề tai tôi nói nhỏ: “Mấy anh vô nhầm quán rồi, quán này chuyên gia “chém chặt”, ngày nào cũng bị hàng chục khách hàng phản ứng đó anh”.
Tôi vờ thắc mắc “ không lẽ quán này “trấn lột” khách hàng như thế mà không bị chính quyền địa phương xử lý sao?” Chị bán báo lắc đầu: “Nhìn 2 ông “Hộ Pháp” trong quán, có ai dám gọi công an đâu. Hôm qua có người ăn dĩa cơm cá và tô canh rau tần ô bị tính đến 250.000đ cũng đành cắn răng mà trả. Những người dân quanh đây không ai dám ăn, chỉ có khách vãng lai không biết nên “ sập bẫy” thôi. Nhiều người ở quê lên nuôi bệnh, vào quán này ăn một bữa cơm phải nhịn mười bữa vì còn tiền đâu mà ăn nữa…” – chị bán báo cho biết.
Thiết nghĩ, những người đến khu vực này ăn uống đa phần là ở vùng quê nghèo khó đi nuôi bệnh. Họ ăn một bữa cơm phải tính toán từng đồng, thấy quán để bảng quán cơm bình dân nên mới dám vào. Vậy mà những người kinh doanh như kiểu quán này, chực giăng bẫy để “chém chặt” không khác màng trấn lột người nghèo, kinh doanh mất đạo đức không có lương tâm. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng địa phương nên có biện pháp xử lý các quán hàng kinh doanh theo kiểu “trấn lột” này.