Đó là Minh Nguyệt, nữ đội viên nhỏ tuổi nhất của Tổ giao liên mật C30, thuộc đơn vị giao liên T4 (Khu Sài Gòn - Gia Định). Trong phần giới thiệu, tác giả viết: "Tôi gặp Minh Nguyệt (Sáu Thắm) lần đầu vào cuối năm 1966 và gặp lại em tại Sài Gòn - Gia Định giữa đợt chống càn ác liệt ở vùng ven đô sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Là con gái Sài Gòn chính gốc, có dáng hình mảnh mai, xinh xắn, nhanh nhẹn, thông minh và gan dạ, em được mọi người trong đơn vị thương mến ví như "cánh chim nhỏ" nơi đô thành ngày ấy".
Bằng lối kể chuyện giản dị nhưng hóm hỉnh, giàu hình ảnh, không màu mè, với mười câu chuyện không sắp xếp theo thứ tự thời gian, Cao Kim đã dựng lên toàn cảnh chiến trường Đông Nam Bộ, trong đó nổi lên hình ảnh cô bé Minh Nguyệt chưa đầy 17 tuổi trong một gia đình sống tại quận Ba mà bố, mẹ và năm anh chị em cùng tham gia cách mạng, hoạt động kháng chiến - là một trong nhiều gia đình hồi ấy sớm bị chính quyền Sài Gòn liệt vào danh sách "gia đình Việt Cộng", luôn bị theo dõi, đe dọa và khủng bố. Vài năm sau đó, bố của Nguyệt bị địch sát hại dã man, chị Hai bị bắt và tù đày tại Côn Đảo; còn chị Ba, anh Tư, anh Năm và Nguyệt bị chúng truy nã gắt gao. Nhiệm vụ chính của Minh Nguyệt là vận chuyển một số loại hàng hóa mà cách mạng rất cần từ nội thành ra vùng giải phóng tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và lên cả Dầu Tiếng, Trảng Bàng (Tây Ninh), Bến Cát (Bình Dương)…, rồi lại từ đó chuyển tài liệu của cách mạng vào nội thành. Bằng trí thông minh, tinh thần dũng cảm, gan dạ và sáng tạo, em vượt qua tất cả các trạm kiểm soát khắt khe, các cuộc vây ráp, khủng bố dã man của địch và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) phóng viên Báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, thời kỳ hoạt động tại mặt trận Sài Sòn - Gia Định (1967 - 1968).
Tôi rất thích những câu chuyện hấp dẫn mà Cao Kim kể về Minh Nguyệt (Sáu Thắm), những lần em vượt qua bom đạn, bị địch rượt đuổi, vây bắt, được bà con, cô bác chở che, giúp đỡ. Đó là lần phải giả danh "người yêu" của thiếu tá an ninh Sài Gòn, kiếm cớ rủ anh ta về thăm "quê nội" để viên sĩ quan này dùng xe quân sự Mỹ chở hàng cho "Việt Cộng". Đó là lần em tìm đến nhà người bạn học cũ Minh Thu có chồng làm "quân tiếp vụ" của quân đội Sài Gòn, khéo léo kiếm bằng được ba chiếc mũ quân cảnh theo yêu cầu của tổ chức. Đó là lúc em đóng giả người mẹ có con nhỏ trong chuyến đi xe đò đưa báo Giải Phóng từ Củ Chi vào nội đô. Đó là lần chuyển chiếc bánh chưng, trong đó giấu cuốn sách Sống như Anh (nói về tấm gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) của tác giả Trần Đình Vân. Đó là những ngày phải kìm nén đau thương, bí mật tổ chức tưởng niệm Bác Hồ, khi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc qua đời. Rồi những lần phải đấu trí với địch lúc bị lọt vào nơi chúng dồn dân hoặc đụng đầu với chúng ở Thới Tam Thôn…
Qua các câu chuyện hoạt động của Minh Nguyệt (Sáu Thắm), chúng ta còn được gặp khá nhiều nhân vật trong tổ công tác và đơn vị giao liên mật của Minh Nguyệt như thủ trưởng Tư Tăng, "nhà thầu khoán" Sáu Khánh (tổ trưởng), ông Ba Chí "xích lô” (tổ phó); nhiều bà con, cô bác, như má Tám "vú sữa"; các ông Ba Khang, Năm Hóa, Năm Hiền, Hai "xe ngựa"; các cô Tư Hà, Bảy Mạnh, Năm Trinh, Tư Nhã, Út Của, Ba Tơ; dì Hai Lời; cậu Ba Bi; các chị Tư Trân, Út Biểu, Năm Liễu, Mộng Liên, Mười Hết …, cùng rất nhiều các mẹ, các chị, các bạn và các em gái, em trai dũng cảm chở che, đùm bọc, giúp đỡ Nguyệt thoát khỏi hiểm nguy, hoàn thành nhiệm vụ.
Qua ngòi bút của Cao Kim, "Cánh chim nhỏ" tưởng như yếu ớt của Minh Nguyệt bỗng trở thành chim báo bão, cánh chim thép bay lượn trong đạn bom, khôn khéo và mưu trí, trở thành tấm gương anh hùng cách mạng suốt một thời đánh Mỹ và thắng Mỹ xâm lược.
Cao Kim là bút danh của nhà báo Kim Toàn, nguyên phóng viên Báo Kiến An và Báo Hải Phòng. Khi vào Nam, Cao Kim là phóng viên Báo Giải Phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, hoạt động tại chiến trường Nam Bộ và Khu Sài Gòn - Gia Định (1965 -1975). Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, anh trở về hoạt động báo chí tại quê hương, làm Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố và tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiều khóa.
Bìa cuốn sách “ Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch”
Tôi và Kim Toàn là bạn thời cùng học phổ thông trường huyện Kiến Thụy từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Năm 1960, Kim Toàn là phóng viên Báo Kiến An. Sau khi thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An hợp nhất (1963), Kim Toàn là phóng viên Báo Hải Phòng rồi "mất tích" sau đó. Giữa năm 1968, gia đình, bạn bè chúng tôi hết sức đau buồn khi được tin anh hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Năm 1964, tôi nhập ngũ trong một đơn vị Hải quân. Năm1967, tôi công tác ở Báo Quân khu Tả Ngạn và đi B. Cuối năm 1973, tôi về công tác tại Báo Thái Bình, rồi Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình cho tới khi về hưu. Năm 1970, khi vào chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, tôi mới biết Kim Toàn đi B từ năm 1965, là phóng viên Báo Giải Phóng, đang hoạt động tại mặt trận B2 và Khu Sài Gòn - Gia Định. Trong mưa bom, bão đạn, tuy cùng ở địa bàn miền Đông nhưng tôi và Kim Toàn chưa một lần gặp nhau.
Sau đó, mãi đến cuối những năm 80, trong một lần cùng đoàn nhà báo Thái Bình đến thăm Báo Hải Phòng, hai chúng tôi mới gặp lại nhau. Từ đấy, trong nhiều lần gặp, chúng tôi thường kể cho nhau nghe về những năm tháng chiến đấu và công tác ở chiến trường "miền Đông gian lao mà anh dũng". Qua trò chuyện, tôi thấy Kim Toàn luôn đau đáu nỗi niềm riêng tư nào đó mà chỉ những người từng trải qua trận mạc mới nhận ra. Vậy mà anh vẫn im lặng, rất ít khi nhắc lại chuyện cả chục năm ở chiến trường thời kháng chiến chống Mỹ. Lần này, đọc cuốn sách vừa xuất bản, tôi mới hiểu nỗi lòng của nhà báo Kim Toàn: "Chiến tranh đang dần lùi xa. Mỗi lần giở lại những trang ghi chép tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi lại nhớ đến các chiến sĩ biệt động và giao liên nội đô mà tôi từng đồng cam, cộng khổ và viết về họ…"
Thi thoảng, tôi cũng thấy anh nhắc lại những kỷ niệm vui buồn thời chiến trường trong những bài báo Tết, báo Xuân đăng trên một số báo của Trung ương và địa phương, nhất là những ấn phẩm của Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi chưa lần nào thấy anh viết về Minh Nguyệt và đồng đội của cô trong những năm chiến tranh ác liệt. Vậy mà, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018), anh cho ra mắt cuốn "Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch", viết về tấm gương anh hùng của cô gái nhỏ Minh Nguyệt (Sáu Thắm). Cuốn sách đầy đặn về thời gian và không gian cách đây nửa thế kỷ, chứng tỏ anh luôn trân trọng giữ gìn những kỷ niệm về thời đạn bom.
Tôi rất đồng tình với đánh giá của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội về thành công của cuốn sách và tác giả Cao Kim: "Cuốn sách Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch của tác giả - nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) là một trong những thông điệp Nhà xuất bản muốn gửi tới bạn đọc. Tác giả là một trong những nhà báo vừa cầm bút, vừa cầm súng tại chiến trường, từng trực tiếp đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, giữa sự sống và cái chết để ghi lại các hình ảnh chân thực về những con người bình dị, hoạt động thầm lặng mà sự hy sinh của họ có thể chúng ta không bao giờ viết hết được. Cuốn sách như một lời tri ân để lịch sử mãi mãi nhớ và biết ơn về họ".
THIẾU VĂN SƠN (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình)