- Vừa qua, trong nước đã có nhiều vụ sập cầu, đứt cầu treo gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đó cũng là nỗi lo lắng khiến cho nhiều người ở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khi nghe thông tin Cầu Bình lợi (quận Bình Thạnh) đang trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào .
Cầu được xây dựng từ năm 1902, là tuyến xe lửa Bắc- Nam có chiều dài khoảng 800m, ngoài đường sắt còn có đường dành cho xe gắn máy lưu thông rộng gần 1,5m. Với tuổi thọ 108 năm, cầu Bình Lợi phục vụ xuyên suốt cho những chuyến tàu chở nặng hàng hóa và một lượng lớn xe cộ lưu thông nên đến nay, chất lượng sử dụng xuống cấp là điều không tránh khỏi. Ngành chức năng khu vực cầu Bình Lợi trong nhiều năm qua gặp nhiều khó khăn trong công việc điều tiết giao thủy vì họ không có thẩm quyền xử phạt các xà lan vi phạm. Theo quy định thì các phương tiện giao thông qua cầu đều phải tuân thủ theo theo điều tiết của nhân viên. Trong khi đó việc cấp nguyên liệu cho lực lượng này với thời gian ngắn không quá 30 phút. Hơn nữa tàu đi ngang qua đây muốn thuận tiện xuôi giòng phải chờ con nước thủy triều. Do vậy nhiều tàu, xà lan đã không ngần ngại vi phạm.
Một thành viên của Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn (đơn vị quản lý đường sắt cầu Bình Lợi) cho biết : Hiện nay ngành đường sắt chỉ mới tiến hành khảo sát, thiết kế dự án xây dựng bào vệ an toàn cho cầu Bình Lợi. Quan trọng nhất là Sở GTVT TP.HCM phải tìm ra được biện pháp tốt để quản lý cho cầu khi tàu bè thông thương .
Năm 2009, chiếc xà lan chở 630m³ xăng dầu cố tình vượt ngang gầm cầu bị mắc kẹt khiến cầu Bình Lợi bị nâng lên hơn 2m là một minh chứng cho sự tùy tiện trong giao thông đường thủy khu vực cầu. Dù biết độ cao từ mặt nước đến gầm cầu vào thời điểm xà lan này đang di chuyển là không đủ an toàn để thông thuyền, đồng thời bất chấp cảnh báo của nhân viên điều tiết, chiếc xà lan vẫn liều lĩnh. Sự cố này đã khiến toàn bộ giao thông tắc nghẽn. Phải mất nhiều giờ đồng hồ, cảnh sát cứu hộ mới giải quyết xong sự cố hy hữu này.
Liên quan đến vấn đề an toàn giao thông đường bộ và đường thủy, ông Ngô Quang Mãnh- GĐ khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM đã nêu ý kiến: Việc điều tiết giao thông thủy chung quanh khu vực cầu Bình Lợi hiện vẫn theo quy trình cũ và đương nhiên không bảo đảm an toàn cho cầu .
Lưu tâm đến an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông liên quan đến cầu Bình Lợi, chú Ba Chúc (nhân vật nổi tiếng chuyên vớt những xác trôi sông khu vực này) lo lắng: " Chẳng biết sao mà nói, mà lường trước được những gì bất ngờ sẽ xảy ra trong ngày một ngày hai nhưng hiện tại thì cây cầu đã quá già rồi, mỗi lần đoàn xe lửa chạy qua, thân cầu cứ run lên bần bật. Khiếp quá! Càng nguy hiểm hơn khi nhiều xà lan chạy băng qua va vào thành cầu. Ai dám chắc được cây cầu còn độ bền khi mặt cầu gỉ sét để lộ cả những mối đinh làm thủng bánh của người đi xe gắn máy” .
“Việc đề nghị bảng thông tin điện tử được lắp đặt để lấy chuẩn về mức nước cầu Bình Lợi là ý kiến phù hợp với thực tế cho phép tàu bè được lưu thông hay không. Và quan trọng là việc lưu thông ban đêm, dưới dạ cầu cần có đèn chiếu sáng và sơn dạ quang kèm theo với những quy định cho các phương tiện lưu thông qua cầu” - Trạm trưởng trạm điều tiết cầu đường sắt Bình Lợi, ông Nguyễn Toàn Mẫn đã phát biểu.
Được biết các cơ quan chức năng đang nghiên cứu giải pháp bảo vệ cầu, đảm bảo giao thông thủy. Và khi còn mãi “nghiên cứu”, những tai họa vẫn lơ lửng trên đầu hàng vạn người lại qua đây mỗi ngày...
Mỹ Ánh