(CLO) Từ nhiều năm nay, cầu Đông Tác (Đống Đa, Hà Nội) không chỉ xấu xí bởi rác thải bủa vây mà còn thường xuyên phải "oằn mình" cõng đủ thứ rác thải xây dựng do người dân xả đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Biển cấm vô giá trị!
Nhiều ngày qua, báo Điện tử congluan.vn liên tục nhận được phản ánh của người dân phường Kim Liên, (quận Đống Đa, Hà Nội) về tình trạng rác thải tràn lan trên cầu Đông Tác. Phóng viên đã tìm đến để tìm hiểu rõ thực trạng này. Tại đây, theo ghi nhận của PV, ai ai qua cầu, chẳng cần quan sát kỹ cũng phải "choáng" bởi khối lượng rác thải lớn bủa vây cây cầu.
[caption id="attachment_59940" align="aligncenter" width="639"]
Biển cấm cứ cắm, rác thải cứ đổ, chất thành đống.[/caption]
Cầu Đông Tác nằm giữa địa phận của 2 phường Kim Liên và Trung Tự, thuộc địa bàn quận Đống Đa. Cầu có chiều dài 21m và rộng 8,5m. Mỗi ngày, lưu lượng người giao thông qua lại rất đông đúc. Có mặt lúc 17h chiều, PV congluan.vn đã tận thấy cảnh tượng rác thải tràn ngập hai bên hành lang cây cầu. Rác đổ tràn lan, trải dài khắp cây cầu, đủ các loại rác như rác sinh hoạt của người dân, túi bóng nilon, bao tải, gốm sứ… Thậm chí có hàng đống gạch vỡ, phế thải xây dựng đổ tràn lan trên cầu. Mùi hôi thối bốc ra từ những đống rác tràn ngập không gian quanh cây cầu, xộc thẳng vào mũi rất khó chịu.
Ông Nguyễn Xung Kích - người dân sống gần cầu Đông Tác chia búc xúc: “Tôi sinh sống ở đây hàng chục năm nay, tình trạng rác thải người ta vứt ở cây cầu này đã diễn ra nhiều năm, rất hôi thối. Mặc dù có tới 2 biển "Cấm đổ rác, phế thải" nhưng chẳng có tác dụng gì. Người ta vứt chủ yếu vào ban đêm và nhiều cửu vạn đóng rác thải, gạch vụn vào bao tải, đêm về mang ra đây đổ trộm. Chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng chưa bao giờ thấy chính quyền giải quyết triệt để”.
[caption id="attachment_59942" align="aligncenter" width="640"]
Rác thải đủ loại bủa vây quanh cầu Đông Tác, bức tranh nhếch nhác, bẩn thỉu vẫn thường hiện hữu nơi đây.[/caption]
Rõ ràng ở hai đầu cầu có cắm 2 biển cấm to đùng ghi rõ “Khu vực cầu cấm đổ rác phế thải” nhưng dường như cả hai biển cấm này cũng đã trở thành "những mảnh rác" giữa muôn loại rác thải vây quanh. Phía dưới hai bên thành cầu cũng bị người dân vứt đầy rác, thậm chí cả tôn, nhựa, bàn ghế hỏng, bạt rách… Chưa hết, nhiều người đi đường dừng đỗ xe trên cầu để mua hoa quả tại các quầy bày bán trái phép lại tiếp tục vô tư vứt túi ni lông, hoa quả thối hỏng góp phần tô thêm vẻ nhếch nhắc bẩn thỉu cho "bức tranh bẩn" của cây cầu Đông Tác.
Chính quyền bế tắc hay thờ ơ?
Tình trạng vứt rác bừa bãi trên cầu Đông Tác đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được cơ quan chức năng sở tại giải quyết. Nghịch cảnh ai xả rác cứ xả, ai bức xúc cứ bức xúc đã và sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ thì cũng chẳng ai đưa ra được đáp án.
Ông Mai Thanh Thản - Tổ trưởng Tổ dân số 15 phường Kim Liên cho hay: “Nhân dân khu vực này hết sức bất bình nhiều năm nay nhưng không làm gì được. Nhiều lần tôi đã phản ánh lên phường nhưng phường cũng chẳng có cách giải quyết, chỉ nhận được câu trả lời là chờ quận giải quyết”
Ông Nguyễn Đức Vượng – Tổ trưởng Tổ dân phố 15 phường Trung Tự thông tin: “Vì không có chỗ đổ nên quận Đống Đa đã chấp nhận cho đổ rác tại cầu Đông Tác. Nhưng việc thu gom chậm trễ, có khi sau 7 ngày đội môi trường mới đi thu gom, rác chiếm ¼ lòng đường, nhiều hộ dân còn đưa thú nuôi ra đây phóng uế, mùi hôi không thể chịu được. Riêng đội công nhân môi trường còn đốt tại chỗ một số rác dẫn đến cháy lan can cầu, khói bay mù mịt cả khu phố. Chúng tôi ra ngăn cản thì bị các nhân viên này phản ứng bằng những lời lẽ không hay”.
Nhiều người dân sống gần khu vực cầu Đông Tác cho biết, có một nhóm người cửu vạn, họ làm ở những công ty xây dựng gần khu vực này, nhận vận chuyển vật liệu, phế thải đổ ra đây. Ông Nguyễn Xung Kích tiết lộ: “Lẽ ra các công ty xây dựng phải có xe tải chở phế thải đi xử lý nhưng họ lại thuê những người lao động nhỏ lẻ. Những người này tập kết phế thải, đóng gói vào bao xi măng rồi đêm đến âm thầm mang ra đổ trên cây cầu này”.
Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, một phần do sự thờ ơ của các cấp chính quyền, một phần do ý thức của một số người dân còn kém. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại cần đặc biệt quan tâm, nhanh chóng có biện pháp xử lý và giải quyết triệt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh búc xúc cho người dân và trả lại mỹ quan đô thị cho Thủ đô.
Doãn Dật