Ảnh minh họa
Một lần bấm like giống như một lượt click chuột mất chưa đầy một giây của người dùng. Nhưng đôi khi, sự thương cảm, lòng trắc ẩn trước các hoàn cảnh khốn khó của những người bấm like đã vô tình tiếp tay cho những kẻ trục lợi mà cho đến giờ còn nhiều người thắc mắc: “Câu like để làm gì hoặc được gì?”.
Những trò vui có thưởng cho tất cả
Hiện có nhiều cuộc thi trên mạng chọn người thắng theo số lượng “like” khiến những thành viên tham gia nghĩ ra đủ các phương sách để câu like giành giải. Đặc biệt những cuộc thi ảnh đẹp cho bé thu hút rất đông, nếu không muốn nói là tất cả các bà mẹ trẻ tham gia. Cuộc thi này dùng số lượng vote (like) quy ra số điểm chủ nhân sở hữu. Thủ tục tham gia khá đơn giản, người chơi chỉ việc thao tác bằng một cú kích chuột để share (chia sẻ) ảnh về Facebook cá nhân của mình rồi đính kèm lời “hiệu triệu” bạn bè like ủng hộ là có thể chính thức tham gia vào đội quân “chạy đua like bằng mọi cách”. Ít người biết rằng đó là chiêu tận dụng mạng xã hội để thực hiện chiến dịch quảng cáo sản phẩm. Việc này tuy là quảng cáo gián tiếp nhưng hiệu quả hơn khi bỏ ra số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng để quảng cáo trực tiếp trên các phương tiện truyền thông. Thông thường ban tổ chức các cuộc thi cũng như tài trợ các giải thưởng chính là các nhãn hàng. Quà tặng, giải thưởng hiếm khi được quy ra tiền mà hầu hết đều trao bằng sản phẩm của chính nhãn hàng đó. Ngoài ra một số nhãn hàng còn liên kết với các nhãn hàng khác để tranh thủ hỗ trợ quảng bá cho doanh nghiệp bạn bằng việc sử dụng những sản phẩm của họ để trao giải.
Còn phần ban tổ chức (một trang web nào đó) khi tổ chức cuộc thi cũng “không đi đâu mà thiệt”. Với số lượng like tối thiểu (khoảng từ 20-30 like) để được tham gia đến số lượng quy đổi sau đó thì ban tổ chức được lợi từ số lượng người truy cập vào trang web của mình cứ tăng lên vù vù. Với một trang web khi có một số lượng người truy cập lớn thì có thể thực hiện nhiều tiện ích giá trị gia tăng khác đem lại những nguồn thu cực... khủng.
Có cung ắt có cầu
Để chạy đua trên mạng ảo khiến người chơi không chỉ tốn khá nhiều thời gian và công sức, mà thậm chí cả tiền bạc cho những cuộc mua bán trao đổi. Có cầu ắt có cung nên trên mạng ảo nhanh chóng xuất hiện các chiêu mua bán like được bán công khai với nhiều “gói dung lượng“ khác nhau.
Với những like được bán lẻ thường có mức giá dao động từ 150 đồng cho đến vài nghìn đồng tùy thuộc vào độ “hot” của cuộc thi. Đắt nhất là những like ảnh trong các cuộc thi, mức giá có thể lên tới 4.000 đồng 1 like. Nếu muốn mua lượng like trên 100.000, người mua phải trả thêm 5-15% Nếu cuộc thi có thể lệ xét giải với mức like ngất ngưởng thì muốn trúng giải phải tìm đến những “gói” lớn mà những lời chào bán được đăng lên nhan nhản như: 1.000 like ảnh để thắng các cuộc thi hay “3.000 like cho mua sắm thông minh”... với những mức giá từ 500.000 - 1 triệu đồng/gói. Mức giá sẽ tăng gấp 2, thậm chí gấp 5 lần nếu cần có trong vòng 24h... là những chiêu kinh doanh đang nở rộ trên mạng. Việc bán “like” được chào trên tất cả các trang mạng xã hội, các cuộc thi ảnh online, thậm chí trên cả Google+, YouTube.
Do nhu cầu like ảo để phục vụ cho những cuộc thi trên mạng nên thị trường mua bán like ngày càng phát triển. Tuy vậy, cũng không hẳn những “người buôn like” chỉ ngồi hưởng lợi mà họ cũng phải “lao tâm khổ tứ”. Để có những gói like với số lượng lớn bán cho khách họ phải nuôi “fan” (đội quân chuyên nhấn like khi có đơn hàng). Đó chủ yếu là những người nhàn rỗi, chuyên làm việc trên mạng hoặc dân văn phòng công sở… Trước đây thì việc nhấn like chủ yếu “giúp nhau là chính”, sau này khi kiếm chác được dân buôn đã chi tỉ lệ cho “fan” để sở hữu like của họ. Dù sao thì thứ dịch vụ kinh doanh ảo này cũng đã giúp nhiều người kiếm tiền từ “làm ăn nhỏ “đến làm ăn lớn hơn khi khi đạt được lượng like đủ lớn (mà người ta gọi là “nuôi FanPage”), chủ sở hữu trang có thể bán lại trang của mình với giá hời cho một công ty marketing nào đó đang cần có nhanh một danh sách khách hàng tiềm năng. Các nội dung trên trang được chuyển nhượng dần được điều chỉnh và thay đổi theo thời gian để phù hợp với nội dung quảng cáo mới.
Những biến tướng tệ hại
Nhu cầu của việc mua like và fanpage hiện khá lớn, nhất là khi nhiều cuộc thi ảnh vẫn lấy số lượng like để trao giải. Đó là chưa kể đến việc các fanpage của nhiều nhãn hàng cũng đưa ra chương trình trao giải bằng sản phẩm hấp dẫn. Nhưng người sử dụng Internet cũng nên cẩn thận kẻo mắc bẫy trò lừa đảo mới. Người dùng chỉ cần bấm “like” hoặc “share” để có cơ hội nhận được các thiết bị đắt tiền như iPhone hoặc Macbook. Những fanpage lừa đảo này hứa hẹn sẽ lựa chọn một cách ngẫu nhiên những người dùng may mắn để có thể nhận được các tai nghe Beats hoặc Macbook một cách miễn phí. Theo các fanpage này, các sản phẩm nói trên là không thể đem bán được do đã bị bóc tem (seal). Tuy không thể có việc như vậy, nhưng theo thống kê fanpage này có lượng người “like” lên tới gần 47.000!
Đối với điểm đặc biệt của những ứng dụng này là khi bạn click vào sẽ dẫn tới một FanPage được tạo tới từ trước, và muốn xem nội dung video, bắt buộc bạn phải click nút like. Một ứng dụng loại này có thể mang lại từ 5.000-6.000 lượt like một ngày Rất nhiều hình ảnh, clip mang nội dung đồi trụy được gắn vào các ứng dụng Facebook nhằm mục đích câu like đang làm nhức nhối cộng đồng. Được biết đây là những ứng dụng đánh vào tâm lý tò mò của cộng đồng Facebook nhằm mục đích câu like cho một FanPage nhất định. Bên cạnh việc quảng cáo, giới thiệu FanPage đơn thuần thì hình thức này hiện nay rất được rất nhiều quản lý fanpage sử dụng.
Mới đây, trên một trang web mạng xã hội một thanh niên đã đăng một bức ảnh chụp cùng bạn gái chỉ quấn mỗi chiếc khăn tắm trên người ôm, hôn nhau vô cùng thân mật với lời “câu... like”: “Nếu được 30k (30.000) like v c (vợ chồng) mình sẽ đăng clip đc ko (được không) vợ?”. Và chỉ sau hơn 3 giờ đăng tải, bức ảnh này đã có gần 26.000 lượt thích, gần 900 lượt chia sẻ và hơn 2.600 ý kiến dưới bức hình cùng sự phẫn nộ của cư dân mạng. Đây là một ví dụ điển hình của các chiêu trò “câu... like”.
Theo ANTĐ