Vĩnh Tuy là cầu kết cấu dầm hộp bêtông cốt thép dự ứng lực, liên tục nhiều nhịp. Cầu được thi công với công nghệ đúc hẫng và đạt kỉ lục về chiều dài nhịp đúc hẫng của Việt Nam (135m so với cầu Thanh Trì là 130m). Cầu có tổng chiều dài gần 15km. Phần cầu qua sông dài 3.690 m.
Cầu được thiết kế có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn xe hỗn hợp (giai đoạn I). Cầu bảo đảm lưu lượng vận tải khoảng 34.000 lượt xe/ngày đêm trong năm 2010.
Ngày 17/9, Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả Ngạn (chủ đầu tư) và Tổng công ty công trình giao thông 1 (Cienco1) – nhà thầu phụ trách thi công gói thầu S16 đã tổ chức thảm bê tông đoạn đường cuối cùng của tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Vĩnh Tuy.
Như vậy, với việc thi công xong gói thầu số 16 (trong đó có nút giao vượt quốc lộ 5), toàn bộ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn I cơ bản đã hoàn thành; góp phần giảm tải giao thông rất lớn cho cầu Chương Dương. Có thể thấy, sau nhiều khó khăn, vất vả do vướng mắc trong GPMB, trượt giá, thi công một khối lượng với kỹ thuật phức tạp, đến nay giai đoạn I của Cầu Vĩnh Tuy đã hoàn thành, đưa hạ tầng giao thông của Thủ đô phát triển lên một tầm cao mới, tạo dấu ấn quan trọng trong lịch sử 1000 năm tuối của Thăng Long – Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, với việc đưa cây cầu Vĩnh Tuy vào sử dụng, ùn tắc của cầu Chương Dương sẽ không tái diễn, tuy nhiên ông Hùng cũng chưa dám chắc trong trường hợp lưu lượng giao thông tăng lên.
Về giai đoạn 2 của dự án, nâng mặt cắt của cầu từ 19,25m lên 38,5m (thành cây cầu rộng nhất Việt Nam), ông Hùng cho biết, thời gian thực hiện chưa được ấn định, với một phần lí do, cây cầu rộng cũng không thực sự có nhiều ý nghĩa khi các dự án đường Trường Chinh, Minh Khai chưa hoàn thành.
Trung Kiên