(CLO) Chiều 26/6, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng ngành y tế TP Hà Nội và vận hành Trung tâm kỹ thuật cao thuộc bệnh viện (BV) đa khoa Xanh Pôn”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu đều bày tỏ, ngành y tế Thủ đô có tiềm năng lớn, nhưng để phát triển và thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, cần phải có bước đổi mới toàn diện từ nhận thức tới hành động.
Ông Yamamoto (chuyên gia tư vấn y tế Nhật Bản) cho rằng, giải pháp về đào tạo nhân lực là hết sức quan trọng. Dù BV lớn, trang thiết bị hiện đại như thế nào nhưng nếu y bác sĩ không sử dụng tốt, không được đào tạo tốt thì sẽ không phát huy được công năng.
[caption id="attachment_105401" align="aligncenter" width="550"]
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo về nâng cao chất lượng ngành y tế Thủ đô (ảnh KTĐT)[/caption]
Giới thiệu về kinh nghiệm quản lý phân phối dược phẩm, ông KaTo - Giám đốc điều hành Tập đoàn TOHO Nhật Bản cho biết, việc giao dịch buôn bán các loại dược phẩm ở Nhật, giữa TOHO và các nhà sản xuất có liên hệ với nhau thông qua một mạng. Mạng lưới này khép kín nên chúng tôi hoàn toàn có thể phòng chống trộn lẫn thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Hệ thống vận chuyển đều được kiểm soát. "TOHO có trung tâm điều hành và ở Hà Nội thì chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống đó để quản lý dược phẩm", ông KaTo khẳng định.
Bàn về công tác quản lý BV, ông Chen Shih Che - GĐ điều hành BV Trường Canh - BV đứng đầu (Đài Loan) cho biết, qua khảo sát BV 500 giường ở Hà Nội, ngày chẩn đoán 1.000 bệnh nhân, y bác sĩ đã rất mệt mỏi. Trong khi hệ thống BV của Trường Canh, có 10.000 giường thì khám 30.000 bệnh nhân/ngày, trong đó 90% bệnh nhân đăng ký xếp số online khám bệnh.
Ông đề nghị, Hà Nội cần xây dựng TP thông minh, y tế thông minh, trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý hệ thống hệ thống BV TP Hà Nội, và lấy mô hình quản lý điều hành trung tâm y tế công nghệ cao tại BV Saintpaul (Xanh Pôn), làm thí điểm.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, qua rà soát con số đầu tư 5 năm qua cho y tế của Hà Nội không hiệu quả, dàn trải; không phát huy được tài năng chuyên môn của các y, bác sĩ trên bàn Thủ đô…
“Các BV của Hà Nội, đáng ra là nơi tập trung các nhà khoa học, cán bộ giỏi, nhưng đã không phát huy được việc đó. Đây là vấn đề mấy tháng qua, Ban cán sự UBND TP trăn trở và chủ trương mời các chuyên gia y tế (trong nước và quốc tế) tham vấn, thuyết trình và “đặt hàng” về xây dựng lại ngành y tế Thủ đô”, Chủ tịch UBND TP nêu rõ. Chủ tịch UBND TP cho biết, tới đây TP sẽ xây dựng, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống y tế của Hà Nội, bao gồm (cơ sở vật chất, trang thiết bị các BV và con người).
Trong đó, xây dựng Đề án nâng cao chất lượng ngành y tế Thủ đô, theo hướng bảo đảm phát triển, toàn diện, hiện đại, từng bước đạt tiêu chuẩn quốc tế; quản lý đồng nhất, khai thác hiệu quả và thực hiện các mục tiêu này chủ yếu bằng xã hội hóa. “Trước mắt, TP sẽ tập trung đầu tư và trung tâm Công nghệ cao của BV đa khoa Xanh Pôn phải đạt tiêu chuẩn châu Âu. Sau đó sẽ kết nối với một số BV khác đạt chuẩn và nhân rộng”, Chủ tịch UBND TP viện dẫn.
Chủ tịch UBND TP cũng truyền thông điệp tới lãnh đạo các BV, cần đổi mới tư duy trong đầu tư. Các BV phải xác định, chữa bệnh gì thì mới đầu tư thiết bị chữa bệnh đó và phải khảo sát nhu cầu bệnh nhân đến BV để sử dụng thiết bị hết công suất... Việc mua sắm thiết bị y tế, Nhà nước đã có cơ chế mua tập trung, tới đây TP sẽ áp dụng. “Câu chuyện các hãng dược bắt tay với các giám đốc các BV mua sắm thiết bị sẽ chấm dứt”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Đồng thời đề nghị, Sở Y tế sau cuộc họp này chỉ đạo các BV xây dựng báo cáo về thực trạng hoạt động các BV. Trên cơ sở đó, TP sẽ thực hiện quy hoạch lại, thực hiện đồng bộ để 2018 có thay đổi bước đầu. Đối với BV Tim Hà Nội, cần đẩy nhanh các bước để xây dựng BV Tim theo mô hình PPP, phấn đấu tháng 3 năm 2017 khởi công.
PV(t/h)