(NB&CL) - Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, trong hai năm qua người chăn nuôi VN bị thua lỗ hơn 1,3 tỉ USD. Cung vượt cầu cộng với việc không kiểm soát được thị trường, tất cả đẩy ngành chăn nuôi vào thế… ngàn cân treo sợi tóc.
Chi phí quá cao, giá bán thấp
Thảm cảnh của ngành chăn nuôi bắt nguồn từ những nghịch lý mà ngành này phải đối mặt từ nhiều năm qua. Chi phí quá cao (giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn tại các nước khoảng 10%) nhưng giá bán lại rất thấp. Tuy nhiên, dù có thời điểm người chăn nuôi còn phải bán dưới giá thành, thua lỗ nặng nề thì trên thị trường, giá thịt lại cao. Đơn cử như thịt bò “nội” bán đắt hơn rất nhiều so với thịt bò ngoại, với mức 65.000 - 70.000 đồng/kg thịt bò hơi, nhưng nông dân không lãi được mấy vì chỉ bán được giá 50.000 đồng là cùng, còn lại vào túi các khâu trung gian.
Nguyên nhân khác, theo Hiệp hội Chăn nuôi VN, sau thời kỳ bùng nổ xây dựng trang trại heo, gà hồi năm 2011, đến nay tổng số chuồng trại đã dư thừa so với nhu cầu chăn nuôi. Năm2011 cũng là thời điểm thị trường bất động sản đi xuống nên nhiều nhà đầu tư chuyển vốn sang trang trại chăn nuôi càng làm cho nguồn cung tăng mạnh hơn. Kết quả là bước sang năm 2012, sản phẩm chăn nuôi trong nước dư thừa và giá cả giảm mạnh. Do nguồn cung quá lớn nên đa số ngành chăn nuôi đều ít nhiều chịu cảnh giá bán thấp hơn giá thành. Thiệt hại của ngành chăn nuôi tính trong hai năm qua lên đến 1,3 tỉ USD và theo các chuyên gia thì vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại khi giá nhiều sản phẩm chăn nuôi tiếp tục ở mức thấp.
Sản phẩm chăn nuôi trong nước đang dư thừa
Tổng lực các phương án “giải cứu”
Để có những hướng đi chiến lược, dài hơi cho ngành chăn nuôi, các chuyên gia cho rằng, cần phải chủ động được khâu thức ăn chăn nuôi, giảm dần tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn “ngoại”. Bằng cách chuyển một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dùng làm thức ăn chăn nuôi. Chất lượng con giống cho người chăn nuôi cũng cần phải được quan tâm để tăng năng suất và niềm tin với người tiêu dùng. Kèm theo đó là việc đầu tư khâu bảo quản, sơ chế và nâng cao công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi để làm giảm giá thành, hạ giá bán.
Bên cạnh đó, việc trước mắt “cứu cánh” cho chăn nuôi chính là…hạn chế đầu tư chăn nuôi. Các nhà đầu tư không nên đầu tư xây mới chuồng trại chăn nuôi nữa mà hãy tận dụng chuồng trại hiện có. Về lâu dài, VN cần có hệ thống thống kê đầy đủ, chính xác về tổng đàn vật nuôi, sản lượng thịt xẻ và nhu cầu của thị trường để người chăn nuôi căn cứ vào đó ra quyết định đầu tư mở rộng hay thu hẹp sản xuất.
Một lưu ý quan trọng nữa là khâu kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay đa số các bệnh đã kiểm soát được, những bệnh nguy hiểm như trước không còn nhưng một số bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh vẫn xảy ra và chỉ cần một mùa dịch là nông dân lại điêu đứng, trắng tay... Quan trọng nhất là chúng ta phải kiểm soát tốt thị trường, nguồn hàng để không gây tình trạng được mùa thì phải bán rẻ, để mặc thương lái thao túng giá như hiện nay. Ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT)- cho biết: Giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi nằm chủ yếu ở khâu giết mổ và chế biến thịt, sản phẩm sữa, trứng. Nhưng hiện nay khâu này chủ yếu vẫn là giết mổ thủ công, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo. Đó cũng là lý do giá bán rẻ nhưng người tiêu dùng không yên tâm sử dụng. Để thúc đẩy chăn nuôi cũng phải tập trung đầu tư cho khâu chế biến và tiêu thụ.
Hà Vân