(NB&CL) Vụ xe tải băng qua đường ngang tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) va chạm với đoàn tàu SE2, khiến 3 người tử vong, làm tê liệt đường sắt bắc - nam hơn 19 giờ hôm 20/2, cho thấy đã đến lúc cần quy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Nhưng báo chí cứ quy vậy thôi, tôi đồ rằng, rồi vụ tai nạn thảm khốc này cũng giống nhiều vụ tai nạn thảm khốc từng diễn ra trước đó, sẽ bị quên đi và cũng sẽ chẳng có ai hay cơ quan chức năng nào, lên tiếng để nhận một phần trách nhiệm.
Đến 9 giờ 50 ngày 21/2, tuyến đường sắt bắc - nam đoạn qua khu gian Lăng Cô - Cầu Hai thuộc xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc mới chính thức thông tuyến, sau hơn 19 giờ ách tắc nghiêm trọng do va chạm giữa tàu SE2 và xe tải chở đá BS 75C - 026.91. Theo thống kê sơ bộ của Tổng công ty đường sắt VN, ngoài 3 người chết, còn có 1 đầu máy, 1 xe bưu vụ - phát điện, 4 toa xe khách và hơn 100m đường sắt bị hư hỏng. Chưa kể, từ chiều 20/2, Tổng công ty đường sắt VN cũng buộc phải bãi bỏ 1 đoàn tàu khách (SE20), giải thể 4 đoàn tàu hàng khu đoạn dọc đường; 6 đoàn tàu hàng chuyên tuyến phải nằm chờ tại các ga dọc đường...
Thảm họa đường ngang, không phải bây giờ báo chí mới đề cập. Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi năm có từ 300 - 400 vụ tai nạn đường sắt, với hơn 200 người chết và nhiều người bị thương; đa phần trong số đó liên quan đến những va chạm tại các đường ngang dân sinh. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, tai nạn đường sắt tăng vọt so với cùng kỳ cả về số vụ và số người chết. Nhưng cũng từ nhiều năm nay việc xử lý đường ngang dân sinh như chuyện bắt cóc bỏ đĩa. Ngành đường sắt đổ qua chính quyền địa phương không kiểm soát được tình trạng mở đường ngang trái phép gây ra tai nạn, chính quyền các địa phương đổ lại ngành đường sắt không đầu tư làm rào chắn, lắp thiết bị cảnh báo tự động… Tóm lại, đường ngang dân sinh đã trở thành đường dân... tử trong khi các cơ quan chức năng bận tranh cãi về trách nhiệm.
[caption id="attachment_151149" align="aligncenter" width="640"]
Hiện trường vụ tai nạn tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế).[/caption]
Theo Cục Đường sắt (Bộ GTVT), hiện toàn quốc có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp và hơn 4.000 đường ngang bất hợp pháp đã duy trì trong nhiều năm qua, thậm chí có dấu hiệu tăng. Như H.Kim Thành (Hải Dương), có đoạn chỉ 2,5 km nhưng có tới 84 đường ngang dân sinh! Từ năm 2015 - 2016, trong khi cả nước chỉ mới xóa được 32 lối đi dân sinh thì chỉ riêng Hà Nam đã phát sinh thêm ít nhất 34 lối đi dân sinh trái phép. Xã Liêm Cần, H.Thanh Liêm (Hà Nam) - điểm nóng về tai nạn đường sắt, đã phát sinh thêm 26 đường ngang do người dân đổ đất, làm lối đi băng qua đường sắt. Trong khi người dân nơi đây vẫn “vô tư” bày bán những tảng đá non bộ lớn sát đường ray tàu hỏa, thì tại các cuộc họp liên quan với ngành đường sắt để giải quyết vấn nạn đường ngang tự phát cũng như vi phạm hành lang an toàn đường sắt, lãnh đạo xã, huyện đều vắng mặt! Câu hỏi đặt ra ở đây là, với năng lực quản lý địa bàn, chỉ cần người dân đổ cát xây một viên gạch không phép trong nhà họ cũng có cán bộ đến viết giấy phạt, thế mà cả một lối đi được mở ngang đường sắt, người xe chạy cả ngày lại không có chính quyền nào tuýt còi thì kể có lạ không?
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đã từng thừa nhận khi trả lời báo Thanh niên: “Bản thân ngành đường sắt có những yếu kém nhất định về vai trò trách nhiệm, quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có trách nhiệm khi được giao quản lý hành lang đường bộ, nhưng để người dân tự mở lối đi trái phép mà không xử lý triệt để”. “Ngành đường sắt đã xử lý đường ngang nhưng không thấm vào đâu, tốc độ còn chậm. Mỗi đường ngang để đặt hệ thống cảnh báo tự động hoặc biển báo, kinh phí từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Với hơn 2.000 tỉ đồng kinh phí cấp cho Tổng công ty đường sắt VN thực hiện duy tu bảo trì, sửa chữa đường ngang chỉ đủ thực hiện với 1.500 đường ngang hợp pháp, còn hơn 4.000 đường ngang trái phép phải có sự tham gia của địa phương”. “Với những tai nạn xảy ra tại đường ngang tự phát, để quy trách nhiệm cụ thể, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đưa thêm nội dung xóa bỏ đường ngang tự phát vào các tiêu chí kiểm điểm định kỳ của Ủy ban ATGT quốc gia với lãnh đạo từng địa phương”, ông Đông kiến nghị.
Lỗi trực tiếp trong mỗi vụ tai nạn, đúng là do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát khi vượt đường ray. Nhưng không thể bỏ qua lỗi thiếu trách nhiệm của ngành đường sắt và chính quyền địa phương như đã nói. Người ta gọi những đường ngang dân sinh là “cái chết được báo trước”, vậy thì đừng vô cảm với tính mạng của đồng bào mình như thế!
Khánh An