Chất lượng ngành giáo dục, bao giờ mới được cải thiện?

Thứ năm, 12/04/2018 20:14 PM - 0 Trả lời

(CLO) Lâu nay, chúng ta thường nhìn vào mặt trái để đổ lỗi cho mọi chuyện, trong đó có sự thấp kém của chính chúng ta, mà quên mất một câu thực sự cũ nhưng thực sự quan trọng rằng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

Nói thẳng với nhau những điều chưa hay là điều đáng trọng. Nhưng nhìn nó bằng thái độ nào và ứng xử ra sao với những điều đó, đấy mới thực sự là điều cần xem xét. Từ các ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trên mạng xã hội với những sự việc nổi cộm trong ngành giáo dục thời gian qua, sẽ thấy căn nguyên của thái độ phản đối là do họ cảm thấy mệt mỏi và mất lòng tin với ngành giáo dục. Vì sao? Vì nhiều năm nay, đã diễn ra không ít những cải cách dở dang, đầu voi đuôi chuột và thất bại của ngành giáo dục.

Các vụ tai tiếng của ngành giáo dục như chạy biên chế, bạo lực học đường, giáo viên bị làm nhục ngay trên lớp, bớt xén tiền ăn của học sinh… rồi đến cả các cải cách giáo dục như việc phân ban ở cấp THPT từ năm 2003, thí điểm một đằng, triển khai đại trà lại làm một nẻo do các nhà thiết kế chương trình không có tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán, thiếu lập luận khoa học vững chắc, vừa làm vừa nghe ngóng như ông thợ trong câu chuyện ngụ ngôn ngồi “đẽo cày giữa đường”. 

Báo Công luận
Cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục cần đi vào thực chất. Đó là nhiệm vụ sống còn của ngành giáo dục

Như đề án dạy ngoại ngữ trong nhà trường giai đoạn 2008 - 2020 cũng không đạt mục tiêu, do chủ quan đặt ra những mong muốn quá cao, không sát với thực tế dạy và học ngoại ngữ của cả nước, với trình độ của người dạy và khả năng tiếp thu của người học. Mới đây, sau khi ồ ạt mở đại trà ra các địa bàn 63 tỉnh, thành trong cả nước, VNEN - mô hình trường học mới với hy vọng tạo ra cách dạy và học mới tiến bộ hơn, cũng đã “chết yểu”… Còn nhiều cải cách, thí điểm khác cũng đầu voi đuôi chuột, danh phận không thành, nhưng không được đánh giá, rút kinh nghiệm, khiến phụ huynh bất bình vì con cái họ bị đem làm “chuột bạch” hoài cho những thí nghiệm của “ông giáo dục”. 

Đối với giáo dục phổ thông, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong chương trình đào tạo, phương pháp học tập và giảng dạy… để có thể tạo chuyển biến từ lối dạy và học thụ động nhồi nhét sang xây dựng và phát triển năng lực người học. Bên cạnh yêu cầu chú trọng phát triển năng lực cá nhân, giáo dục phổ thông cũng cần phải thay đổi để chú trọng giáo dục cho học sinh những khía cạnh nhân bản, rèn luyện nhân cách và đạo đức. Chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt. 

Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Còn đối với việc dạy nghề thì điều mà xã hội cần nhưng học sinh không có. Chẳng hạn như nhiều học sinh phổ thông không có tinh thần sẵn sàng tham gia lao động và chọn nghề phù hợp với mình sau khi học xong trung học. Cái mà xã hội cần thì học sinh không có. 

Đó là nhiều học sinh phổ thông không có thói quen cảm ơn khi được giúp đỡ; không có thói quen xin lỗi khi làm người khác phiền lòng; không có thói quen lễ phép, chào hỏi người lớn khi gặp gỡ, tiếp xúc. Trong khi đó, điều xã hộii không cần thì học sinh lại có. Đó là hành vi bạo lực với bạn bè ngày càng có khuynh hướng gia tăng, thái độ thờ ơ vô cảm trước những điều thương tâm, nhân văn. 

Từ những sai lệch trong phương hướng giáo dục trên, thì “Dạy chữ - học chữ phải nằm trong mối tương tác với dạy người, dạy nghề thì mới phát huy được hiệu quả, mới nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông. Nếu nhà trường chỉ chăm chút dạy chữ mà bỏ quên dạy người, dạy nghề thì việc dạy chữ có cố gắng đến đâu cũng không thể thành công”. Bên cạnh đó, cần phải khắc phục tình trạng quản lý giáo dục nhiều bất cập, còn mang tính bao cấp ôm đồm, sự vụ và chồng chéo, phân tán; trách nhiệm và quyền hạn quản lý chuyên môn chưa đi đôi với trách nhiệm, quyền hạn quản lý về nhân sự và tài chính. 

Ý nghĩa phản biện của những ý kiến nói trên là làm dư luận hiểu rằng nền GD nước ta có những bệnh tật cố hữu quá nặng, đến mức không đủ sức tiếp thu các “liều thuốc” cải cách. Dường như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn chưa cảm nhận hết những điều tệ hại và hệ luỵ của nó đối với xã hội từ những sự việc nổi cộm của ngành giáp dục vừa qua? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: Mặc dù trước khi xây dựng những chính sách cho giáo dục đều có nghiên cứu, khảo sát nhưng thực tế cho thấy đâu đó vẫn còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn. 

Nhưng chẳng lẽ để con bệnh nằm chịu chết? Không, bệnh nặng càng phải chữa gấp; nhưng phải có phác đồ. Đề nghị ưu tiên trước mắt không phải là xử lý từng vụ việc cỏn con, mà là ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển, như đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, cải thiện thu nhập của nhà giáo, xử lý căn bản các vấn đề về môi trường giáo dục v.v… 

Thực tế, nền giáo dục Việt Nam vốn nhiều bất cập thật, sai cũng không ít, báo chí nói nhiều,nhưng sự sửa sai cũng cần có thời gian, không phải trong chốc lát, không phải chuyện của một cá nhân. Ai cũng có thể nói mình là nạn nhân của một nền giáo dục lạc hậu với nhiều điều dối trá. Nhưng ít ai đặt ra những phản đề cho mình, rằng mình sẽ làm gì để góp phần thay đổi tình trạng đó, tại sao mà những bất cập lại phát sinh? 

Cũng không mấy người đặt ra câu hỏi rằng, tại sao cũng trong một hệ thống giáo dục ấy, cũng trong những tư duy còn nhiều lạc hậu ấy, vẫn có những người Việt trẻ tài năng, thành đạt, đoạt những giải thưởng lớn quốc tế? Chắc chắn, những học sinh ấy không bao giờ cho rằng mình là một thất bại của nền giáo dục Việt Nam. Từ những gì đã làm được và chưa làm được cho thấy ngành giáo dục vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thử thách không nhỏ, đòi hỏi ngành càng phải đổi mới nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân./.

Thiên An

Tin khác

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục