(Congluan.vn) - Một hôm, nhân lúc thanh nhàn, tôi mới nhẩn nha hỏi mấy ông anh đã thành danh ở cơ quan: “Ơ hay, thế tay Châu La Việt là người ở đâu ta, mà sao chỗ nọ chỗ kia hay nhắc đến ông ấy thế”?... Mọi chuyện bắt đầu từ khi tôi đọc được bài “Nết thư hương”…
Một tác phẩm của nhà văn Châu La Việt
Cách nay đã khá lâu, tôi tình cờ đọc được bài “Nết thư hương” của nhà văn Đỗ Chu viết về Châu La Việt trên báo Văn nghệ. Bài viết nói về văn chương và cả con người Châu La Việt. Đỗ Chu viết cái gì cũng dẫn dụ và khơi gợi, lắm lúc khiến người đọc không khỏi băn khoăn. Sự tài tình thường khiến người ta băn khoăn cũng là lẽ thường, đôi khi còn bị ganh ghét mù quáng. Phục thì phục đó nhưng cứ thấy tấm tức thế nào đấy. Sao cái ông Đỗ Chu kia không viết về ông này ông nọ mà lại là Châu La Việt? Ngẫm ngợi thế nhưng để bỏ công tìm đọc Châu La Việt một cách kỹ lưỡng, trọn vẹn để xem Đỗ Chu viết đúng - sai, hay - dở chắc chả ai làm.
Châu La Việt chạm đến tôi từ khoảnh khắc tình cờ ấy. Mỗi người mỗi việc. Tôi quần quật mưu sinh, viết văn làm báo, công việc cơ quan cuốn tôi đi từng số tạp chí theo các chủ đề khắp Bắc - Trung - Nam.
Một hôm, nhân lúc thanh nhàn, tôi mới nhẩn nha hỏi mấy ông anh đã thành danh ở cơ quan: “Ơ hay, thế tay Châu La Việt là người ở đâu ta, mà sao chỗ nọ chỗ kia hay nhắc đến ông ấy thế?”. Hỏi vậy vì có người nói Châu La Việt viết văn xuôi, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, chân dung, thơ, kịch… cái gì cũng tài. Nhưng tôi chắc chắn không phải người lứa chúng tôi. Vì bạn viết cùng thời và cả một số đàn anh hơn mươi tuổi, tôi đều biết cả. Một người (nay đã là Tổng Biên tập) đang ngồi tựa ghế nghe thấy liền nhổm dậy ngồi thẳng, cặp mắt cứ nhíu nhíu xa vắng rồi nói ngay: “Tay này ghê đấy ông ạ. Viết lâu lắm rồi, từ tám hoánh. Các ông nên cẩn thận”. Tôi càng trở nên tò mò tìm đọc lại lời khen của Đỗ Chu và tập truyện Những tầng cây săng lẻ của Châu La Việt. Sòng phẳng mà nói, Những tầng cây săng lẻ đã gợi ra cho tôi những góc nhìn khác nhau về chiến tranh, về nhận thức của một thế hệ sẵn sàng “thứ nhất xanh cỏ thứ nhì đỏ ngực”, trong đó có cả những người cầm bút.
Những tầng cây săng lẻ gợi cho tôi một liên tưởng tới nhà văn Nguyễn Thi, người hy sinh năm Mậu Thân 1968 ngay chân cầu chữ Y khi chỉ huy bộ đội rút qua cầu. Tôi hai lần tham gia hội thảo về Nguyễn Thi, làm phim về Nguyễn Thi, được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với hai người vợ của ông, đồng đội và bạn bè ông để lý giải tại sao các nhà văn ưa thích vào chiến trường đến thế? Nguyễn Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân, Vũ Đình Văn… vào chiến trường và hy sinh cứ nhẹ như không. Từ thời chống Pháp đã có Trần Đăng, Thâm Tâm, Thôi Hữu hy sinh tại chiến trường. Nhà văn vốn ít nên máu xương của họ là cực hiếm. Nếu nhà văn không hy sinh ở trận tiền thì đó là điều may mắn cho các dân tộc có chiến tranh.
Quay lại chuyện Châu La Việt qua các truyện trong Những tầng cây săng lẻ. Thì ra anh cũng chọn cách vào chiến trường để viết văn. Anh viết ngay tại trận tuyến và sau này, trên những trang văn, thơ, kịch, cái dấu ấn của một nhà văn ở chiến trường vẫn hằn lên rất rõ. Chính điều này đã định hình một Châu La Việt thích làm nhiều thứ, mở nhiều con đường không nao núng, không quá ồn ào nhưng cũng không bình lặng mặc cho thời gian đang xóa bỏ những người cầm bút từng ở chiến trường ra như anh.
Tôi nhớ trong một số báo đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ban thơ giao cho tôi chọn một chùm thơ hay về Đại tướng. Tôi lục từ nhiều nguồn, hỏi các đàn anh đi trước, nâng lên đặt xuống mãi rút lại còn ba bài của các tác giả Tố Hữu, Trương Nguyên Việt và Lê Khánh Hoài. Chúng tôi chọn theo chủ đề và cái tiêu chí lớn nhất phải là những bài thơ hay về Đại tướng. Ngay số ấy, tôi đã bị nhắc vì thực tế Trương Nguyên Việt và Lê Khánh Hoài là một, và cả hai chính là Châu La Việt. Tôi đã phải thay bằng một bài khác nhưng trong lòng cứ tủm tỉm vì “cái tay Châu La Việt cũng lắm chuyện”! Sau lần đó, tôi đã thấy được năng lực thơ ca của anh nên định bụng khi nào gặp sẽ đề nghị cách trao đổi bài vở riêng để tránh những trùng lặp không đáng có.
Tôi rất quí trọng những người làm thơ về các danh nhân lịch sử, các tướng lĩnh trong quân đội. Tôi nghĩ không phải ai cũng làm được điều này. Những câu thơ như: Tên Anh thành truyền thuyết, ca dao/ Trong lời người dân gian, trong câu ca mộc mạc/ Gió Đại Phong truyền khắp miền đất nước/ Hóa thành cơn bão táp những ruộng đồng/ Góp vào cơn bão táp của chiến trường / Đại tướng lại lên đường, miền Nam còn có giặc/ Sau lưng Anh những cánh đồng bát ngát/ Và Đại Phong/ Gió vẫn thổi hôm nay… (Gió Đại Phong vẫn thổi - Tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) thực không dễ viết.
Lại một cuộc khác, khi tuyển chọn những bài thơ hay về chiến thắng Điện Biên Phủ, lại thò ra Châu La Việt với những vần thơ khá nhuần nhụy, không lẫn với ai: Nhớ chăng em anh hùng Phan Đình Giót/ Lấp lỗ châu mai, vì Tổ quốc hy sinh/ Người đồng đội là cha, tay vuốt mắt/ Một tình thương vô tận chiến sĩ mình… Quê anh Giót cũng nơi ấy sông La/ Mẹ cha nghèo suốt cuộc đời ở đợ/ Áo chùm đụp với bao nhiêu mảnh vá/ Ngày con ra đi, vay bát gạo nấu cơm (Nhớ chăng em những con đường Điện Biên). Từ ấy, tôi định bụng phải có một cuộc gặp Châu La Việt.
Rồi tôi cũng gặp Châu La Việt trong một dịp khá tình cờ. Hôm ấy, đang ở xa trung tâm thành phố, một người thầy dạy văn cấp ba điện thoại bảo tôi đến vì có một tay mới ở miền Nam ra hay lắm, rất yêu văn nghệ quân đội, thường xuyên theo dõi và muốn gặp tôi. Tôi lấy làm lạ vì nếu bạn bè Sài Gòn ắt đã điện cho tôi rồi. Thật bất ngờ, người ấy là Châu La Việt.
Từ đó tôi thường xuyên trao đổi về sáng tác với anh, cả những câu chuyện cuộc đời, những gì diễn ra trong đời sống. Châu La Việt là người cái gì cũng biết, những chuyện tám hoánh ở chiến trường, các nhà văn nhiều thế hệ, các cơ quan báo chí, thậm chí giới showbiz anh cũng khá rành rẽ. Châu La Việt còn viết báo rất khỏe, ký các bút danh khác nhau nhưng ở anh, văn chương mới là số một. Mọi con đường với anh đều nhằm để xanh những trang văn.
Ít ai ngờ, anh chính là con trai của NSƯT Tân Nhân, người nổi tiếng với bài hát Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lừng danh một thời. Nói đến Tân Nhân là nói đến một giọng ca trữ tình đậm chất miền Trung. Người đặc biệt hát thành công nhiều ca khúc dân ca và những bài hát cách mạng như: Tát nước đêm trăng, Nắng Ba Đình, Tình quê, Ru con, Tình quê hương, Anh về miền Bắc, Chim Pongkle, Lăm tơi, Bên nôi con mẹ hát, Câu hò bên bờ Hiền Lương… Bút danh Trương Nguyên Việt hẳn là tấm lòng cũng như sự ngưỡng mộ của người con đối với nghệ sĩ Tân Nhân.
Cũng từ đó, tôi lý giải thêm dòng máu nghệ sĩ đã ngấm vào Châu La Việt từ rất sớm và có căn duyên theo anh trên muôn nẻo đường sáng tác. NSƯT Tân Nhân trong những bài hát của mình đã cho cậu con trai một cái nhìn từ bên trong của nghệ thuật cũng chính là từ cuộc chiến tranh khốc liệt. Đọc tập “Tân Nhân và Xa khơi” của Châu La Việt làm cho người mẹ hiền đã mất, tôi càng thấy anh ở một khoảng cách gần, một con người nghệ sĩ đích thực luôn biết gom những hạt vàng của đời sống, của người thân cho mãi lấp lánh với đời. Tập sách như một cách tường trình đầy đặn và ấm lòng nhất về nghệ sĩ Tân Nhân.
Càng ngày tôi càng ngạc nhiên về Châu La Việt. Một con người tầm thước luôn nở nụ cười, người mà khi bạn bè, anh em các tầng lớp khác nhau chưa nói xong một câu thì anh đã trả lời đến tận đáy của vấn đề mà người đối thoại đề cập đến. Tôi càng không hiểu Châu La Việt lấy đâu ra thời gian và sức lực để viết hàng chục vở kịch sân khấu từng dàn dựng với không ít vở có tiếng vang, như: Những bạn trẻ của tôi, Trọng điểm, Mạch ngầm, Một buổi sáng nhiều chim, Trên mảnh đất người đời, Những nhịp cầu lửa, Người chiến sĩ, Người mẹ và cánh rừng, Sáu năm và sáu ngày?… Tôi vẫn luôn cho rằng, những nhà văn viết được kịch nhất thiết phải là những người có tài năng cũng là vì thế.
Châu La Việt luôn cho chúng tôi sự bất ngờ. Một hôm, đang lúc chả nhàn nhã gì thì anh đùng đùng đòi hẹn gặp và tặng tôi bảy tập sách liền. Tôi ngơ ngẩn nhìn các bìa sách mà thấy hãi quá! Tôi bảo: “Anh định tổng kết cuộc đời mình chăng? Châu La Việt mà sớm tổng kết thế anh em sẽ sớm mừng vì còn có đất mà sống”! Châu La Việt mủm mỉm nói nước đôi: “Ừ, các ông mới là tài chứ bọn tôi lỗi thời rồi. Mấy cuốn sách nhỏ ấy mà, các ông đọc nhé”.
Tôi cầm bảy tập sách của anh mà thấy mình còn lãng phí nhiều thời gian vào những việc vớ vẩn quá. Tuổi trẻ nhiều khi bất chấp, cứ tưởng thời gian sẽ còn dài mãi với mình. Đã thế nhiều khi còn lấy cái này cái khác lấp liếm mà không dốc hết sức cho đường đi nước bước của cái nghề muôn khó: viết!
Cầm trên tay số sách, tôi bỗng nhớ đến câu mà nhà văn Đỗ Chu viết về anh: “Như mọi con đường lớn, con đường văn chương mà ta đã tự nguyện lựa chọn phải là con đường xa, đường xa lắm ghềnh thác thử thách, đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh. Giờ đây anh đang bước lên với một phong độ đẹp, tôi tin ở những chặng đường sắp tới anh đi”.
Đọc lại toàn bộ bài viết của nhà văn Đỗ Chu về Châu La Việt, tôi thấy Đỗ Chu có lý và cao cường lắm.
Nhà văn Phùng Văn Khai