Chế biến - Lời giải cho bài toán xuất khẩu nông sản Việt

Thứ năm, 06/12/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Giá trị gia tăng của nông lâm sản phần lớn nằm ở khâu chế biến, tuy nhiên ở lĩnh vực này, chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Nhiều chuyên gia về thương mại cho rằng, đầu tư cho chế biến sẽ là bước đột phá để giải quyết vấn đề thị trường, đồng thời tăng tính cạnh tranh và hạn chế tối đa những thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.

Sự kiện: nông sản

Mới chỉ xuất những gì mình có

Một thực tế đáng lo hiện nay là Việt Nam đã và đang xuất khẩu hầu hết nông sản dưới dạng thô, xuất khẩu “những gì mình có” thay vì xuất khẩu “những gì thị trường cần”. Điều đó cho thấy, mặc dù chúng ta luôn nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu nông sản nhưng giá trị thu về lại chưa tương xứng với số lượng. Mặc dù trong nhiều năm qua, nông sản Việt đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại.

Một số mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam có tỷ trọng về giá trị xuất khẩu và vị trí rất cao trên thế giới như tiêu, điều, tôm, cá, cà phê, đồ gỗ nội thất, lúa gạo. Tuy nhiên, thứ hạng về giá xuất khẩu rất thấp, ví dụ như hồ tiêu, hiện vị trí xuất khẩu của chúng ta xếp thứ 1 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 8. Tương tự tiêu thì xuất khẩu hạt điều chúng ta cũng đứng hạng quán quân nhưng giá trị lại đang xếp ở bậc thứ 6; gạo và cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10…

Điều đáng lo ngại nhất mặc dù là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác... Vì chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém. Gạo là một ví dụ điển hình, khi là quốc gia xuất khẩu luôn xếp vào thứ hàng cao nhất nhì của thế giới nhưng đến nay gạo Việt vẫn chưa khẳng định được thương hiệu. Bên cạnh đó, mặt hàng rau quả hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu thô hoặc sơ chế. Tỷ trọng mặt hàng thô chiếm tới trên 90% tổng rau quả xuất khẩu. Các loại rau quả đã qua chế biến xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng vỏn vẹn dưới 10%.

Báo Công luận
 Để chủ động gia tăng giá trị cho nông sản cần đẩy mạnh khâu chế biến.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của Việt Nam được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây thực sự là một sự lãng phí rất lớn đối với tiềm năng dồi dào về số lượng cũng như chất lượng vốn có của nông sản Việt. Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ rõ là do công nghệ trước và sau thu hoạch của hầu hết nông sản Việt còn lạc hậu, việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế. Có thể nói, đó là những bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.

Những câu chuyện về giải cứu các mặt hàng nông sản liên tục trong những năm gần đây là minh chứng cho thấy công nghệ sau thu hoạch của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Ở nước ta, việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được chú trọng đầu tư dẫn đến thiếu hệ thống bảo quản, thiếu máy móc công nghệ phục vụ chế biến sâu. Thực tế, những công nghệ bảo quản nông sản như chiếu xạ, bảo quản thực phẩm đông lạnh CAS, bao gói khí điều biến (MAP), bảo quản bằng chế tạo màng phủ, bảo quản bằng hệ thống mát - lạnh... đã được một số doanh nghiệp chế biến nông sản áp dụng nhưng chủ yếu được thực hiện lẻ tẻ, chưa đồng bộ và rộng khắp.

Chế biến – giải pháp cho nông sản Việt

Trong số các ngành hàng thì những nỗ lực của ngành cà phê trong thời gian qua đáng ghi nhận. Từ chỗ xuất thô với sản lượng lớn, luôn đứng top đầu của thế giới thì vài năm trở lại đây ngành chế biến cà phê đã phát triển mạnh. Dự kiến năm 2018, Việt Nam xuất khẩu được 1,7 triệu tấn cà phê, kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới. Trong đó xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng trưởng rất nhanh, với 2 nhóm sản phẩm chính là cà phê rang xay và cà phê hòa tan. 

Điều đáng mừng là cà phê hòa tan của Việt Nam đã có mặt tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cả nước có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, với tổng công suất 75.280 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra, còn hàng trăm cơ sở chế biến cà phê hòa tan, cà phê phối trộn quy mô nhỏ, với tổng công suất khoảng 70 nghìn tấn. Phần lớn sản lượng cà phê hòa tan được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều sản phẩm được thị trường thế giới ưa chuộng và bán trong hệ thống Walmart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc. 

Cùng với cà phê, hiện các mặt hàng rau quả chế biến cũng đang được các doanh nghiệp chú trọng phát triển. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các tháng cuối năm, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành như tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên (công suất 30.000 tấn rau củ quả/năm), nhà máy Tanifood Tây Ninh (tổng vốn 1.500 tỷ đồng, công suất nhà máy 150.000 tấn/năm) bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả ở Việt Nam còn hạn chế bởi Việt Nam chưa hình thành được những vùng chuyên canh, thâm canh lớn, tập trung. Doanh nghiệp khi đã đầu tư máy móc cần số lượng nguyên liệu chế biến khá nhiều. Ví dụ, khi hết mùa vải trong vòng 1 tháng, để không dư thừa công suất máy móc cũng như nhân công, doanh nghiệp sẽ phải quay vòng chế biến thanh long, cam bưởi… Thậm chí, chế biến còn giúp tận dụng các loại phụ phẩm khá tốt. Ví dụ, tại Nhật Bản, sau khi ép nước táo, bã táo được sử dụng để làm bánh, kẹo…

Việc ứng dụng công nghệ cao sau thu hoạch nông sản lâu nay không chỉ người nông dân mà ngay cả doanh nghiệp vẫn thường kêu khó trong việc tiếp cận vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị. Để gỡ bỏ “nút thắt” này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người nông dân bởi điều kiện của họ còn quá khó khăn. Đối với doanh nghiệp, họ cũng cần có niềm tin khi bỏ vốn đầu tư cho công nghệ, nhưng phải đảm bảo mang lại những kết quả xứng đáng.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì Nhà nước cần có sự điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp. Cần chú ý đầu tư để đưa ra những công nghệ mới vào các lĩnh vực nông nghiệp nói chung cũng như công nghệ sau thu hoạch nói riêng. Chúng ta cần kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, hợp tác công tư với những đối tác có năng lực tốt trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch nói riêng cũng như trong nông nghiệp nói chung nhằm tạo cơ hội rất tốt để giải bài toán thất thoát nông sản tại Việt Nam.

Minh Thùy

 

 

Tin khác

Bamboo Capital (BCG) phát hành thêm 266 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 8.802 tỷ đồng

Bamboo Capital (BCG) phát hành thêm 266 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 8.802 tỷ đồng

(CLO) Ngày 25/4/2024, BCG đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, BCG sẽ phát hành 266.733.811 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu đợt phát hành thành công, số tiền BCG thu về ước tính hơn 2.667 tỷ đồng, vốn điều lệ Công ty sẽ tăng từ 5.335 tỷ lên 8.000 tỷ đồng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế của Nga là gì?

Kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế của Nga là gì?

(CLO) Quyền Phó Thủ tướng thứ nhất Andrey Belousov cho biết, Nga đã vạch ra kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế đất nước vào năm 2030. Theo ông, động lực tăng trưởng kinh tế sẽ không đến từ bên ngoài mà là đến từ chính khu vực sản xuất.

Thị trường - Doanh nghiệp
TikTok mở rộng kinh doanh thương mại điện tử sang Mexico, Tây Âu

TikTok mở rộng kinh doanh thương mại điện tử sang Mexico, Tây Âu

(CLO) TikTok đã sẵn sàng mở rộng hoạt động thương mại điện tử của mình sang Mexico, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha, vì nền tảng video ngắn thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance vẫn đang được giám sát chặt chẽ ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá vàng SJC xô đổ kỷ lục mọi thời đại: 92 triệu đồng/lượng

Giá vàng SJC xô đổ kỷ lục mọi thời đại: 92 triệu đồng/lượng

(CLO) Sau những nhịp điều chỉnh mạnh, giá vàng SJC sáng nay (10/5) đã đạt mốc 92 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Chiến lược Go Global với tham vọng doanh thu tỷ đô của Tập đoàn CMC

Chiến lược Go Global với tham vọng doanh thu tỷ đô của Tập đoàn CMC

(CLO) Giữ vững vị thế của một Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam suốt 3 thập kỷ, CMC xác định “Go Global” chính là chiến lược trọng tâm trong giai đoạn phát triển mới. Mới đây, Tập đoàn CMC đã cho ra mắt CMC Korea và khai trương văn phòng công ty tại Seoul Hàn Quốc.

Thị trường - Doanh nghiệp