Ngày 17/4/2018, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên) có văn bản số 116/ĐĐ về việc giải tỏa vi phạm chứa chất vật liệu trên bãi sông thuộc địa bàn huyện Tiên Lữ, "yêu cầu các cá nhân, tổ chức vi phạm phải tự giải tỏa xong trước ngày 10/5/2018. Nếu sau ngày 10/5/2018 vẫn còn hiện tượng bơm cát, tập kết chứa vật liệu trên bãi sông, Chi cục sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật".
Bến bãi trái phép tại khu vực giáp khu vực thôn Lam Sơn (Xã Thiện Phiến) và khu vực giáp cảng Triều Dương (xã Hải Triều)
Trên địa bàn huyện Tiên Lữ (đặc biệt là khu vực ven sông Luộc) đang có hàng chục bến bãi vật liệu xây dựng vi phạm hành lang an toàn thoát lũ, đê điều và trên đất nông nghiệp, như tại xã Hải Triều: Doanh nghiệp tư nhân Hồng Sơn, ông Hoàng Văn Tuệ, ông Vũ Văn Tuấn, ông Nguyễn Văn Phiến...; tại thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phong Anh, Công ty Cổ phần Nam Tiến Công, ông Trần Tuấn Đạt, ông Trần Duy Hưng; Bến bãi của bà Phạm Thị Hựu, ông Nguyễn Văn Thảo tại thôn Mai Xá, xã Minh Phượng; Bến bãi của bà Nguyễn Thị Kim Tuyến tại thôn Thống Nhất, xã Thủ Sỹ; tại xã Đức Thắng: Công ty TNHH Quyền Anh do ông Đỗ Văn Quyền làm Giám đốc...
Trong những cá nhân, đơn vị thành lập bến bãi nêu trên thì vi phạm vào diện lớn nhất là Công ty TNHH Quyền Anh do ông Đỗ Văn Quyền làm Giám đốc tại xã Đức Thắng. Công ty này đã ngang nhiên san lấp trái phép, sử dụng hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp (được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả) thuộc khu vực đầm Lương Trụ để làm bến bãi. Công ty TNHH Quyền Anh còn lấn chiếm hành lang đê, kè sông Luộc; cho tàu thuyền chở vật liệu xây dựng đậu đỗ sau đó dùng máy múc, xe trọng tải lớn để chuyển vào phía trong bãi tập kết. Địa điểm này cũng là nơi có nguy cơ sạt lở cao được Nhà nước đầu tư không ít tiền của để gia cố và cho làm tuyến kè nhằm đảm bảo an toàn.
Công ty TNHH Quyền Anh ngang nhiên vi phạm hành lang an toàn đê kè, bến bãi trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không bị xử lý
Trước đó, ngày 16/01/2018, Hạt quản lý đê điều huyện Tiên Lữ đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều đối với Công ty TNHH cát Việt Thái Hưng (thôn Lê Lợi, xã TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) do vi phạm Khoản 10, Điều 7, Chương I Luật Đê điều năm 2006. Hạt Quản lý đê điều huyện yêu cầu Công ty phải vận chuyển ngay số vật liệu cát đen ra khỏi khu vực bãi sông để trả lại mặt bằng ban đầu của bãi sông.
Ngày 20/01/2018, Hạt quản lý đê điều huyện Tiên Lữ có Tờ trình số 01/TTr-HQLĐ đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH cát Việt Thái Hưng số tiền 100.000.000 đồng. Ngày 22/01/2018, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 16/QĐ-ĐĐ-XPVPHC đối với Công ty này số tiền 100.000.000 đồng và yêu cầu Công ty phải giải tỏa hết số cát ra khỏi bãi sông trong vòng 5 ngày.
Công ty TNHH cát Việt Thái Hưng bị xử phạt 100 triệu đồng và yêu cầu giải tỏa bến bãi nhưng vẫn ngang nhiên vi phạm
Ngoài ra, còn hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân là chủ bến bãi trái phép bị Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên xử phạt: Hạt quản lý đê điều huyện Tiên Lữ đề nghị xử phạt Doanh nghiệp tư nhân Hồng Sơn (thôn Hải Yến, xã Hải Triều) 8.000.000 đồng. Thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến: Công ty Cổ phần Nam Tiến Công bị đề nghị xử phạt 6.000.000 đồng; Ông Trần Duy Hưng, ông Trần Tuấn Đạt bị đề nghị xử phạt mỗi cá nhân 20.000.000 đồng... Các lỗi vi phạm đều thể hiện qua việc tập kết vật liệu xây dựng ở bãi sông, trong hành lang bảo vệ kè, vi phạm Khoản 10 Điều 7 Chương I Luật Đê điều và Điểm a Khoản 5 Điều 20 Chương IV Nghị định 104/2017/NĐ-CP.
Nhiều tờ trình của Hạt quản lý đê điều huyện Tiên Lữ đề nghị xử phạt nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp có bến bãi trái phép
Ngày 8/5/2018, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ ký văn bản số 110/TB-UBND yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm hành lang bảo vệ đê điều; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm bến bãi tập kết, chứa vật liệu không nằm trong quy hoạch và yêu cầu tự giải tỏa xong trước ngày 31/5/2018. Nếu hết thời hạn trên các hộ không tự giải tỏa, giao Chủ tịch UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức giải tỏa, cưỡng chế, thời gian xong trước ngày 30/6/2018. Đối với các bến bãi có trong quy hoạch nhưng chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cấp phép và yêu cầu các chủ bến bãi kinh doanh tạm dừng hoạt động.
Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, ông Nguyễn Thế Hưng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ nói: “Hiện nay đối với các bến bãi trái phép, UBND huyện đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn lập kế hoạch thanh kiểm tra, hiện nay tôi đã chỉ đạo kiểm tra xử lý rồi. Trong đợt tới sẽ phải xử lý những vi phạm này và không để tái diễn...”.
Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Quốc Trần