Chương trình mới cũng chú ý hơn đến tính kết nối giữa các lớp học, cấp học trong từng môn học. Ảnh minh họa.
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện theo Nghị quyết 51 thay vì Nghị quyết 88 của Quốc hội như trước đây.
Theo đó, chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng.
Chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Chương trình mới cũng chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng Chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.
Việc lùi thời gian thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021 thay vì 2019 - 2020 như dự kiến được Bộ GD&ĐT quyết định vào cuối tháng 9/2018.
Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, trước mắt, vẫn còn hàng loạt công việc tiếp theo phải thực hiện như thông báo để các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký viết sách giáo khoa; nghiên cứu chương trình để biên soạn sách; thẩm định, phê duyệt rồi mới phát hành sách giáo khoa.
Sau đó, các nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh tìm hiểu, dạy học thử nghiệm sách giáo khoa để có thể lựa chọn bộ sách phù hợp nhất.
Trước đó, quá trình thực nghiệm chương trình mới được tổ chức trong 1 tháng tại 6 tỉnh, TP thuộc 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Tại mỗi địa phương sẽ có 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 3 trường THPT đại diện cho các vùng thuận lợi và khó khăn.
Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học Chương trình GDPT hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lí quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. |
Phương Nhi