CLO - Hôm nay (4/8), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn công tác Trung ương kiểm tra tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai tại Quảng Ninh - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản trong trận lũ lịch sử vừa qua.
[caption id="attachment_31509" align="aligncenter" width="500"]
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Công ty than Mông Dương. Ảnh: TTXVN[/caption]
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 25/7 - 3/8 là trận mưa lớn nhất trong 40 năm qua. Có nơi như phường Cửa Ông, Thành phố Cẩm Phả lượng mưa lên tới 1.400mm, phổ biến là từ 800 - 1.200mm.
Do cường độ mưa lớn và kéo dài đã gây ngập lụt tại các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô; giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Nhiều khu dân cư ngập sâu từ 1-2 m. Đặc biệt, xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn, có 1 làng gồm 27 hộ ngập sâu từ 11-12m, toàn bộ hệ thống giao thông kéo dài 7km bị phá hủy hoàn toàn. Một số thị trấn và xã vùng cao của Ba Chẽ, Tràng Lương, thị xã Đông Triều, Vàng Danh, Phương Nam, Yên Thanh, Thành phố Uông Bí bị chia cắt và cô lập hoàn toàn.
Tính đến ngày 4/8, đã có 17 người chết, 30 người bị thương, 339 nhà sập đổ hoàn toàn, gần 9.000 ngôi nhà ngập lụt, thiệt hại khoảng 4.000 ha hoa màu và 1.200 ha nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ khai trường trong các mỏ lộ thiên đều bị ngập, sạt lở. Một số mỏ hầm lò bị ngập, tê liệt sản xuất. Ước tính thiệt hại trên địa bàn Quảng Ninh đến thời điểm này khoảng trên 2.700 tỷ đồng, riêng ngành than là 1.200 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, đến thời điểm này toàn bộ các đơn vị sản xuất than, từ Đông Triều đến Quang Hanh, đều bị ngập nước.
Có 80% công nhân chưa bố trí được công việc, có khoảng 30.000 lao động chưa trở lại làm việc. Trong các ngày 26 và 27/7 không cấp được than cho nền kinh tế, trong khi nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện 1 ngày phải cấp 60.000 tấn.
Chia sẻ với những thiệt hại do thiên tai gây ra tại tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch nước hoan nghênh các hoạt động ứng phó kịp thời của địa phương, sự chung tay góp sức của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận giúp giảm nhẹ hậu quả mưa lũ. Chủ tịch nước đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả; đảm bảo sớm bình ổn cuộc sống và duy trì sản xuất.
Nhấn mạnh những tác hại của thiên tai ngày càng phức tạp và khắc nghiệt, Chủ tịch nước cho rằng đợt lũ lụt vừa qua, đã bộc lộ những nhược điểm trong công tác phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước đề nghị phải rút kinh nghiệm, khảo sát hiện trạng để có quy hoạch phù hợp, không bị động trước tác động của biến đổi khí hậu.
[caption id="attachment_31510" align="aligncenter" width="500"]
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi anh Cao Tiến Vĩ[/caption]
Chủ tịch nước đã đến kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa lũ tại Công ty Than Núi Béo và Công ty Than Mông Dương là những đơn vị bị thiệt hại nặng nề do ngập nước, sạt lở, sản xuất bị đình trệ. Hiện nay, hai công ty đang tập trung khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.
Chủ tịch nước đã động viên cán bộ, công nhân viên, đề nghị người lao động công ty khắc phục khó khăn, sớm khôi phục sản xuất và chú ý đảm bảo an toàn mỏ, an toàn cho người lao động.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã đến Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, thăm và trao quà cho ông Cao Tiến Vỹ ở tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, là người duy nhất trong gia đình sống sót trong vụ sạt lở đất đá làm 8 người thiệt mạng; thăm hỏi và động viên các gia đình bị mất nhà cửa, đang sống trong khu tái định cư tại thành phố Cẩm Phả.