Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Năm 2017, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 69.481 vụ án hình sự. Tội phạm tuy được kiềm chế nhưng tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội, nhiều vụ quy mô, tổ chức hoạt động phạm tội chặt chẽ hơn. Đáng lưu ý, một số nhóm tội phạm được phát hiện khởi tố tăng, như: tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng 140%; tội phạm về tham nhũng tăng 17,9%... Các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tăng nhiều, tính chất phức tạp hơn; trong đó, khiếu kiện hành chính tăng 48,8%, tập trung nhiều trong lĩnh vực đất đai.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị
Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ toàn bộ các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố… Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã yêu cầu khởi tố 565 vụ, tăng 26,4%; hủy bỏ 49 quyết định không khởi tố vụ án; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 22 vụ án... Qua đó, đã thực hiện sớm hơn và gắn chặt hơn giữa thực hành quyền công tố với hoạt động điều tra, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đã phát hiện đều được xem xét, xử lý đúng pháp luật; kịp thời phát hiện, hủy bỏ các quyết định khởi tố hoặc không khởi tố thiếu căn cứ, trái pháp luật; hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Toàn ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong giai đoạn xét xử, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa và kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót trong các bản án, quyết định để ban hành kháng nghị khắc phục.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ tham nhũng, kinh tế lớn, như: vụ Hà Văn Thắm, vụ Phạm Công Danh, vụ Giang Kim Đạt... Đẩy mạnh tiến độ điều tra giai đoạn II một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng để sớm đưa ra xét xử trong thời gian tới. Kết quả điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao kết quả công tác của ngành kiểm sát nhân dân đạt được trong năm 2017, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, phục vụ thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020. Đây cũng là năm các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành kiểm sát nhân dân triển khai thi hành các đạo luật mới về tư pháp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước đề nghị ngành kiểm sát nhân dân chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp các chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, chức vụ, tội phạm kinh tế; đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh. Ngành cần đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm mới. Ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, không làm oan, sai người vô tội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu ngành kiểm sát nhân dân tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và trong công tác xây dựng thể chế; tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng và thực hiện đầy đủ các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lưu ý ngành kiểm sát nhân dân chú trọng chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đi cùng với việc tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
PV