Dân căng thẳng vì không được vào dự họp
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt tại Hội trường Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 2. Nhưng chỉ những người có giấy mời mới được vào bên trong, còn lại không có giấy mời thì không được vào.
Vì không được vào, những người dân này đã la ó, phản đối và yêu cầu được vào gặp Chủ tịch TP. Nhiều người dân đã lao vào xô đổ hàng rào an ninh, lực lượng chức năng bảo vệ cố gắng ngăn cản.
Căng thẳng phía ngoài vì không được vào tham dự
Có người giơ cao thẻ hộ nghèo, Chứng minh nhân dân để chứng minh mình thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, có người dân còn treo băng rôn, khẩu hiệu thể hiện ý chí đòi quyền lợi của mình tại cổng an ninh bên ngoài. Một bên cố gắng đòi được vào, một bên lực lượng an ninh thì cố giữ trật tự, ngăn cản nên đã xảy ra xô đẩy qua lại. Nhiều người dân, trong đó có người già đã khóc, gào thét, thậm chí nặng lời với lực lượng chức năng.
Bà Lê Thị Nga là hộ dân đang kiện đất ngoài ranh và đòi bồi thường, chưa được giải quyết nhưng lại không được mời vào họp bức xúc: “Chúng tôi cũng là hộ dân Thủ Thiêm chưa được giải quyết quyền lợi, sao không cho chúng tôi vào. Ở đây có gì bí mật không mà ngăn cản người dân?”
Còn anh Đặng Thanh Truyền, khu phố 1, phường Bình An cũng là hộ dân bị giải tỏa trong dự án Thủ Thiêm cho biết, người dân chưa được bồi thường thì không được mời, còn nhiều người đã nhận bồi thường rồi nay lại được mời quay lại giải quyết là sao?
Tình hình ngày càng căng thẳng khi người dân tiếp tục tỏ rõ bức xúc, còn lực lượng chức năng thì kiên quyết giữ trật tự.
Bức xúc vì khiếu nại một đằng kết luận một nẻo
Đúng 8 giờ 30 phút, buổi tiếp công dân đã bắt đầu. Dự buổi tiếp xúc có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương; đại diện Thanh tra Chính phủ (TTCP) các sở ngành TP.HCM…
Về phía người dân, có đại diện 22 hộ dân có nhà đất ở khu 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An, quận 2) được mời vào hội trường, còn riêng báo chí thì được sắp sếp ngồi phòng riêng để theo dõi thông tin, hình ảnh qua điện thoại.
Người dân bức xúc trao đổi với truyền thông báo chí
Ông Lê Văn Lung, hộ dân nằm trong 4,3ha được mời phát biểu đầu tiên. “Bà con chúng tôi khiếu nại 5 khu phố thuộc ba phường ngoài ranh, bà con chúng tôi khiếu nại không có cái nào là 4,3ha ngoài ranh mà 5 khu phố thuộc ba phường khiếu nại ngoài ranh. Rất tiếc bà con chúng tôi hôm nay chỉ được mời hai người thôi. Do đó, phần nói riêng, tôi nằm trong 4,3ha, nói chung tôi đại diện cho 5 khu phố, ba phường khiếu kiện ngoài ranh. Về tính chất, kết luận của Thanh tra Chính phủ không phải là kết luận về khiếu nại của chúng tôi” - ông Lung chỉ ra mâu thuẫn.
Theo ông Lung, đơn của chúng tôi được Thủ tướng thụ lý rồi, chỉ đạo với các ban ngành tiếp xúc với chúng tôi. Như vậy, chúng tôi không hiểu Thanh tra Chính phủ cho rằng chúng tôi khiếu nại chỉ một khu phố 4,3ha… là cái bất hợp lý của kết luận. Một khi không xác định được ranh giới trong quyết định phê duyệt ban đầu 367 của Thủ tướng thì sao xác định được, cơ sở nào đối chiếu, kết luận trong Thanh tra.
“Nhiều lập luận khập khiễng, bất cập trong năm 2009 của TP để bác khiếu kiện của chúng tôi. Chúng tôi từng yêu cầu, phó Thủ tướng cũng chỉ đạo nhưng Thanh tra Chính phủ chỉ tiếp xúc với UBND TP, không tiếp xúc với dân, thì sao mà kết luận được” - ông Lung bức xúc.
"Bà con chúng tôi căn cứ vào các chứng cứ, kiên quyết không nhận bồi thường và đất tranh chấp 10 năm nay. Tha phương, mất việc làm ăn, tốn tiền đi khiếu kiện, mất nhà cửa. Chúng tôi từng đề nghị đổi ngang đất cho chúng tôi, nhưng không ai đồng ý".
Bà Nguyện Thị Kim Phượng, cũng đồng tình khi cho rằng dân không khiếu kiện đòi 4,3ha mà đòi 5 khu phố, thuộc ba phường nằm ngoài ranh. “Kết luận Thanh tra mà không tiếp xúc với người dân, người dân không chấp nhận bị áp đặt như vậy, chúng tôi không còn gì để mất nữa đâu”, bà Phượng nói.
Ông Nguyễn Văn Thành thì cho biết, không hiểu Thanh tra Chính phủ căn cứ quyết định nào, bản đồ nào để biết 4,3ha nằm ngoài ranh. Nhiều khu phố khác cũng nằm ngoài mà không công bố, lại chỉ đi sâu vào 4,3ha, “Tôi đấu tranh từ những ngày đầu, nếu lần ra 4,3ha là cả khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài. Tôi chấp nhận 4,3ha, nhưng không nói chung chung như Thanh tra TP, phải xác định rõ ranh ở đâu"- ông Thành nói.
Chủ tịch TP xin lỗi người dân Thủ Thiêm và hứa sẽ giải quyết thấu đáo quyền lợi cho người dân
Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo ngay Sở TN-MT xem kỹ ý kiến ông Thành, ông Lung và những người khác. Căn cứ vào những chứng cứ ông Thành nói để giải quyết thấu đáo quyền lợi của dân. Với dân không tính toán, hết lòng với người dân.
Trước đó, ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh Thanh tra TP.HCM, điểm lại các sai phạm xảy ra ở Thủ Thiêm mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề về ranh quy hoạch, tái định cư, đền bù, giải tỏa, giao đất dự án... Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết qua rà soát của tổ công tác, vấn đề Thủ Thiêm còn tồn tại 11 vấn đề.
Trong 11 vấn đề tồn tại của Thủ Thiêm, chủ yếu là vấn đề đền bù, giải tỏa; trong đó có 10 vấn đề trong toàn khu đô thị mới Thủ Thiêm, 1 vấn đề nằm trong khu đất 4,3 ha thuộc khu phố 1, P.Bình An, Q.2.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong nói: "Người dân Thủ Thiêm gắn bó nơi này lâu đời, cung cấp thêm nhiều tài liệu và TP.HCM cầu thị xem xét để giải quyết. Với dân thì không tính toán, TP hết lòng vì quyền lợi chính đáng của bà con".
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Q.2 cho biết tổ công tác về Thủ Thiêm vẫn đang khẩn trương rà soát pháp lý từng trường hợp nhà đất có phát sinh khiếu nại ở Thủ Thiêm.
Riêng về khu 4,3 ha, ông Nguyễn Phước Hưng cho biết đến thời điểm này vẫn chưa xác định cụ thể được là có bao nhiêu hộ dân. Lý do là vì trước đây, bản đồ quy hoạch được cho là kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng (phê duyệt Thủ Thiêm vào năm 1996), là bản đồ vẽ tay, chưa có tọa độ xác định cụ thể. Ranh vẽ trong bản đồ trước đây cũng chỉ mang tính tương đối. Để có thể xác định được ranh chính xác tuyệt đối, phải có tọa độ cụ thể. Để làm rõ vấn đề này, cần thời gian và sự phối hợp giữa TP.HCM và các bộ ngành Trung ương mới có thể xác định được ranh giới, cắm mốc và làm cơ sở để tính toán cụ thể ranh giới 4,3 ha ở vị trí nào, trong khu vực đó có bao nhiêu ô phố, bao nhiêu hộ dân...
Tuy nhiên, về phương án tổng thể đền bù nhà đất bị ảnh hưởng liên quan đến khu đất 4,3 ha, ông Nguyễn Phước Hưng cho biết tổ công tác đã tính toán theo nguyên tắc hoán đổi đất. Trong khu 4,3 ha này, có nhiều loại hình sở hữu nhà đất: sở hữu tư nhân về đất ở, sở hữu tư nhân về đất nông nghiệp, sử dụng đất công… Mỗi loại hình sở hữu có một phương án cụ thể riêng, khi được HĐND TP.HCM thông qua sẽ triển khai.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM có mặt tại buổi tiếp
Tai buổi tiếp dân, Chủ tịch TP đã gửi lời xin lỗi đến người dân Thủ Thiêm. Ông Nguyễn Thành Phong nói: Chúng ta kêu gọi đầu tư phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, quy hoạch chỉnh trang đô thị, từng bước xây dựng khu đô thị hiện đại, Trung tâm phía Đông của TP. Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình xây dựng Thủ Thiêm, TP có những sai phạm, thiếu sót, ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, nhất là liên quan đến 4,3ha. Với tinh thần hết sức cầu thị, TP nhận thấy một số ngành có liên quan chưa lắng nghe, chưa cầu thị, chưa kịp thời giải quyết khiếu nại đến nơi, kéo dài gây tâm lý bất an.
"Một lần nữa, thay mặt chính quyền thành phố, chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm về những sai sót ở Thủ Thiêm, về những khốn khó mà người dân Thủ Thiêm phải gánh chịu. Xin chia sẻ khó khăn của người dân vì TP phát triển mà phải di dời khỏi nơi sinh sống, tôi rất xin lỗi" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.
Nhóm PV