Chuỗi hoạt động đặc sắc vinh danh di sản Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Việt Nam

Thứ sáu, 16/06/2023 07:57 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn sẽ được tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.

Chiều 15/6, tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Lễ kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới sẽ diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn, Huế trong 3 ngày, từ 16 đến 18/6, với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn.

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các di sản được vinh danh với chủ đề "Di sản Cố đô, ký ức và trao truyền".

chuoi hoat dong dac sac vinh danh di san co do hue va nha nhac cung dinh viet nam hinh 1

Chương trình kỷ niệm với nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra trong 3 ngày từ 16 đến 18/6. Ảnh: Trung tâm BTDT Cố đô Huế

Chương trình sẽ diễn ra vào 20h ngày 17/6 tại quảng trường Ngọ Môn với sự tham gia của 9 đoàn nghệ thuật, gần 450 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, khán đài lớn với sức chứa khoảng 6.000 người.

Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO. Đây là di sản thứ 410 trong danh mục di sản thế giới và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh.

Ngoài ra, nhiều hoạt động nổi bật sẽ diễn ra trong dịp này: Triển lãm giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh khai mạc lúc 8h ngày 16/6 tại Hiển Lâm Các, Đại Nội - Huế. Triển lãm mỹ thuật và di sản chủ đề "Di sản diễn xướng cung đình và cảm hứng hội họa" khai mạc 16h30 ngày 16/6 tại Trường lang Tử Cấm Thành, Đại Nội - Huế. Triển lãm "Thần Kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị" qua thư pháp truyền thừa của Đài Loan diễn ra lúc 8h ngày 17/6 tại vườn Thiệu Phương, Đại Nội - Huế.

Triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu đỉnh” giới thiệu 9 chiếc đỉnh đồng được vua Minh Mạng ra lệnh đúc năm 1835 và khánh thành vào ngày 1/3/1837. Đây là các di vật biểu tượng cho quyền lực, sự chính thống, mong muốn trường tồn của vương triều Nguyễn.

Triển lãm “Di sản diễn xướng cung đình và cảm hứng hội họa” giới thiệu hơn 60 tác phẩm là kết quả của trại sáng tác “Mỹ thuật và Di sản”, với các chất liệu sơn dầu, lụa, sơn mài, đồ họa, acrylic…

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục các Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận.

Thông qua ngôn ngữ tạo hình mỹ thuật, các họa sĩ đã khiến các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Kinh thành Huế xưa, như: Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình và ca Huế tiếp tục tỏa sáng trong không gian kiến trúc cung đình Huế. Ngoài nội dung triển lãm, các tác phẩm này còn được in trong tập vựng “Diễn xướng cung đình Huế qua tác phẩm mỹ thuật”.

Triển lãm "Thần Kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị" gồm 20 bài Ngự chế của vua Thiệu Trị, mô tả các cảnh đẹp nổi tiếng của kinh đô Huế, bao gồm 7 thắng cảnh tự nhiên và 13 thắng cảnh do con người tạo nên.

20 bài Ngự chế này đã được các nghệ nhân, nhà nghiên cứu thư pháp thuộc hội Thư pháp Truyền thừa Đài Loan (Trung Quốc) tái hiện thành 53 bức thư pháp, với nhiều loại hình bút pháp khác nhau như triện, lệ, chân, hành, thảo… để giới thiệu tới công chúng và du khách.

Cũng trong dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ra mắt "Quỹ bảo tồn di sản Huế" nhằm đưa các giá trị văn hóa, lịch sử đến với nhân dân, du khách và cộng đồng trong và ngoài nước một cách sâu sắc hơn; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

chuoi hoat dong dac sac vinh danh di san co do hue va nha nhac cung dinh viet nam hinh 2

Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được được UNESCO vinh danh. Ảnh: TL

chuoi hoat dong dac sac vinh danh di san co do hue va nha nhac cung dinh viet nam hinh 3

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế Ảnh: Bảo Minh

chuoi hoat dong dac sac vinh danh di san co do hue va nha nhac cung dinh viet nam hinh 4

Cửu đỉnh triều Nguyễn sẽ được giới thiệu tại triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu đỉnh”

Cho đến nay, Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh.

Trong số này có 5 di sản của riêng Huế (Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 - Di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 - Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 - Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - Di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).

Thế Vũ

Tin khác

Ga Đà Lạt sẽ miễn tiền vé tham quan đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Ga Đà Lạt sẽ miễn tiền vé tham quan đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

(CLO) Sau khi bất ngờ thông báo tăng giá vé tham quan ga Đà Lạt lên gấp 10 lần, đơn vị quản lý ga Đà Lạt vừa thông báo điều chỉnh lại theo hướng miễn phí đối với một số hành khách, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Đời sống văn hóa
Trưng bày những di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương

Trưng bày những di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương

(CLO) Gần 200 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương khẳng định vị thế quan trọng của vùng đất xứ Đông xưa trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Đời sống văn hóa
Nhiều tư liệu quý được công bố tại Triển lãm trực tuyến 'Hỡi đồng bào Thủ đô'

Nhiều tư liệu quý được công bố tại Triển lãm trực tuyến 'Hỡi đồng bào Thủ đô'

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I xây dựng Triển lãm 3D trực tuyến với tên gọi “Hỡi đồng bào Thủ đô”.

Đời sống văn hóa
Cà Mau: Nhiều hoạt động tại lễ kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc

Cà Mau: Nhiều hoạt động tại lễ kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc

(CLO) Từ ngày 10 - 25/11, lễ kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) sẽ được diễn ra cao điểm với nhiều hoạt động như hội thảo khoa học; tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia; trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật, tài liệu, sách báo...

Đời sống văn hóa
Gốm Mường, lạ và quen…

Gốm Mường, lạ và quen…

(NB&CL) Sau một thập kỷ học hỏi rèn luyện các kỹ thuật truyền thống về nghề gốm, thể nghiệm nhiều phương pháp làm đất, men, lò nung,... họa sĩ Vũ Đức Hiếu cùng các đồng nghiệp đã giới thiệu với công chúng một dòng gốm “lạ” - gốm Mường.

Đời sống văn hóa