Chương trình phổ thông mới: Liệu có bình mới rượu cũ?

Thứ năm, 25/01/2018 06:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dự kiến sẽ công bố vào cuối tháng 4/2018, chương trình phổ thông mới đang được dư luận xã hội và các chuyên gia giáo dục dành nhiều hy vọng về những điểm mới của chương trình. Tuy nhiên, sau cuộc họp báo công bố chương trình vào ngày 19/1, đã có nhiều câu hỏi đặt ra cho lộ trình thực thi chương trình này. Liệu có tình trạng “bình mới rượu cũ” trong các môn học? Bài toán cơ sở vật chất, năng lực người thầy được giải quyết ra sao cho chương trình phổ thông mới?

Học gì ở chương trình phổ thông mới?

Chiều 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông. So với chương trình hiện hành, chương trình phổ thông mới có nhiều điểm thay đổi theo hướng trang bị năng lực, phẩm chất cho các học sinh. Vì vậy, chương trình mỗi môn học cũng thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu này.

Theo đó, các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục lối sống, đạo đức, tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lý, khoa học, tin học và công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật. Môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn: theo nhóm khoa học - xã hội (gồm các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý), nhóm khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học), nhóm công nghệ và nghệ thuật (gồm công nghệ, tin học, nghệ thuật). Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Đặc biệt, hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả cấp học là hoạt động trải nghiệm.

Báo Công luận
 
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về môn ngoại ngữ, GS Nguyễn Lộc, chủ biên môn ngoại ngữ, cho biết chương trình mới kế thừa rất nhiều từ chương trình của Đề án 2020 như: giữ nguyên số tiết học, chuẩn năng lực vẫn dựa vào 6 chuẩn năng lực Việt Nam. “Chương trình đã nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia và đây là chương trình mở nên chúng tôi rất chờ đợi sự đóng góp của các chuyên gia trong việc viết sách với các chủ đề, chủ điểm mang tính chất gợi ý” - GS Lộc nói. Ông cho hay thêm thời lượng học tiếng Anh ở tiểu học là 140 tiết, tức 4 tiết/tuần, THCS và THPT là 105 tiết, trung bình 3 tiết/tuần.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông mới, cho hay theo tiến độ, đến tháng 4 có thể ban hành chương trình môn học. Tuy nhiên, GS Thuyết chưa thể khẳng định thời điểm có sách giáo khoa (SGK) mới. Theo GS Thuyết, do chưa có chương trình môn học nên chưa khởi động việc viết SGK. Ông khẳng định nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia viết SGK. Đây chỉ là tài liệu chính thức, không phải là pháp lệnh như quan niệm trước đây và giáo viên có thể dựa vào đó để có nhiều sáng tạo trong dạy học.

Liên quan đến việc giảm tải trong chương trình mới, GS Thuyết cho biết việc này tuân theo các nguyên tắc: Giảm kiến thức khó, bớt bài tập lắt léo; tổ chức lại nội dung môn học, tích hợp chương trình; thay đổi phương pháp dạy và học.

GS Thuyết cũng chia sẻ thêm với những môn học mới, tích hợp nhiều môn như khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý ở THCS, các giáo viên sẽ được học bồi dưỡng, học thêm một số tín chỉ để có thể một mình dạy một môn. Ông cho rằng các môn học không đòi hỏi cơ sở vật chất quá đặc biệt, chỉ cần các trường tiểu học bảo đảm học sinh học 6 buổi/tuần. Các địa phương bảo đảm đúng điều lệ trường học, theo đó 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp đối với THCS.

Một trong những điều kiện để thực hiện thành công chương trình này là đổi mới thi cử, kiểm tra. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết cách thi cử hiện tại sẽ ổn định đến năm 2020. Khi chương trình mới triển khai đến cấp trung học phổ thông thì sẽ có kiểm tra đánh giá theo cách mới.

Bài toán cơ sở vật chất trường lớp quá nan giải

Cơ sở vật chất trường lớp trên cả nước hiện đang thiếu thốn và xuống cấp trầm trọng. Để thực hiện được chương trình mới, dự kiến xây dựng đầu tư khoảng 57.084 phòng học, chưa kể phòng bộ môn, thư viện, trang thiết bị dạy học… 

Đó là những con số được đưa ra trong hội nghị hôm 20/1 triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Tiền đâu để hoàn thành trách nhiệm lớn lao thay đổi bộ mặt trường lớp như thế? 

Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục có hạn, công tác xã hội hóa giáo dục vẫn đang vấp phải nhiều tranh cãi. Vậy mà, yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình mới là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu là 6 buổi/tuần, sĩ số 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học và lớp học phải đảm bảo bảo điều kiện kê bàn ghế theo nhóm…

Khoảng cách giữa điều kiện cần và thực tế khó khăn như vậy làm sao lấp đầy? Trong khi đó, chương trình mới sẽ chính thức áp dụng theo hình thức cuốn chiếu từ cấp tiểu học vào năm 2019, nghĩa là chúng ta chỉ còn hơn một năm để chạy đua chuẩn bị cơ sở vật chất.

Báo Công luận
 
Nỗi lo “bình mới rượu cũ” trong các môn học

Nội dung môn học cụ thể dự kiến sẽ được Bộ GD-ĐT công khai vào tháng 4/2018. Đại diện chủ biên các bộ môn khẳng định: Văn hết thuộc lòng, toán gắn thực tiễn, đích đến của môn tiếng Anh là khả năng giao tiếp…

Sẽ là quá hoàn hảo nếu chương trình mới thật sự giảm tải kiến thức hàn lâm, bớt đi các bài toán đánh đố, học ngoại ngữ để thực hành giao tiếp… Nhưng giảm đi kiến thức này lại thêm vào kiến thức khác. 

Chẳng hạn ở môn ngữ văn, chỉ cần nhìn vào số lượng tác phẩm được gợi ý đưa vào chương trình cũng đủ thấy sức ép lớn khi nhiều văn bản ở lớp trên chuyển xuống lớp dưới và khá nhiều văn bản mới buộc thầy trò phải đọc - hiểu để cảm nhận, phân tích, bình giảng…

Vấn đề không nằm ở khối lượng kiến thức nhiều hay ít, quyển sách giáo khoa dày hay mỏng mà quan trọng là thay đổi cách dạy và cách học. Nếu cứ ôm đồm kiến thức và đặt mục tiêu cần đạt ở mỗi bài học quá cao thì tình trạng học thuộc lòng văn mẫu, học theo kiểu “thầy đọc - trò chép” vẫn xảy ra.

Và tất nhiên, những môn học mang tên gọi mới nhưng “hình hài” cũ xưa thì chẳng khác gì “bình mới rượu cũ”!❏

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn