Chuyển COVID-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A: “Sớm ngày nào, tốt ngày ấy!”

Thứ năm, 24/03/2022 09:56 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Qua trao đổi, nhiều chuyên gia nhất trí đã đến lúc cần đưa COVID-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm) để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội vì dịch được kiểm soát, không còn nguy hiểm như trước.

Sự kiện: COVID-19

Cần sớm đưa COVID-19 ra khỏi nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm

Hiện nay, mặc dù số ca mắc COVID-19 mới vẫn cao trên 100 nghìn ca/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh nặng, tử vong lại rất thấp. Dịch COVID-19 đã đạt đỉnh và có chiều hướng đi xuống. Nhiều địa phương cho phép F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 đi làm. Học sinh thuộc diện F1 cũng đã được đến trường học tập.

chuyen covid 19 ra khoi benh truyen nhiem nhom a som ngay nao tot ngay ay hinh 1

Dịch COVID-19 hiện nay không còn nguy hiểm như thời điểm mới bùng phát dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 quy định về chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Trong Nghị quyết có chỉ đạo, căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.

Trước chỉ đạo của Chính phủ cùng với tình hình dịch bệnh theo chiều hướng ngày một tích cực, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội - Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng và được ông cho biết, cần sớm có quy định đưa COVID-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A càng sớm càng tốt. Bởi theo phân tích của chuyên gia này, sở dĩ chuyển COVID-19 ra khỏi bệnh nhóm A vì có nhiều nguyên nhân.

Trước hết, hiện nay dường như tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã được Chính phủ, ngành Y tế triển khai, áp dụng. Đặc biệt, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đã đưa Việt Nam trở thành nhóm những quốc gia có độ phủ vắc-xin cao nhất. Do đó, hiện cũng không còn cách nào phòng dịch hiệu quả hơn được nữa và mọi nỗ lực gần như đã tối đa.

Trong khi, chủng Omicron đang lưu hành chiếm ưu thế là chủng gây bệnh nhẹ, tỷ lệ nhập viện và tử vong rất thấp. Với hầu hết dân số, dịch bệnh không đe dọa tính mạng. “Việc triển khai tốt vấn đề theo dõi và điều trị COVID-19 tại nhà như hiện nay đang được thực hiện rất tốt. Khi hầu hết người dân có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà được nên khi dịch lan rộng không gây ra áp lực lớn cho y tế cơ sở và đặc biệt hệ thống khám chữa bệnh. Với mấy yếu tố nêu trên, tôi nghĩ cần sớm chuyển COVID-19 từ bệnh nhóm A sang nhóm B” - vị này nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, bác sĩ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cũng đề xuất sớm đưa COVID-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, chuyển từ nhóm A sang nhóm B và trở lại “bình thường cũ”. Theo vị này, hiện sức ép điều trị ca nặng ở các bệnh viện khác trên toàn quốc cũng đã giảm rõ rệt so với tuần đầu tháng 3. Như vậy dự đoán của giới chuyên môn về việc Việt Nam sẽ vượt qua đỉnh dịch vào giữa tháng 3 đã đúng.

“Chúng ta không chủ quan. Nhưng các dữ liệu về tiêm chủng (Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất thế giới), về khả năng phòng vệ với COVID-19 của các cơ sở y tế và thái độ của người dân…, đều cho thấy đã đến lúc cần có cách tiếp cận khác với COVID-19” - ông Nguyễn Lân Hiếu phân tích. Cũng theo vị này, cần sớm đẩy nhanh việc chuyển COVID-19 ra khỏi bệnh nhóm A sang nhóm B ngay trong tháng 3.

Vì hiện ngành Y tế đã hoàn toàn có đủ khả năng tiếp nhận, điều trị COVID-19 như một bệnh lý chuyên khoa. Nghĩa là một bệnh nhân mắc COVID-19 cũng như những bệnh về tiêu hóa, tim mạch hay tai, mũi, họng… Họ sẽ tìm đến chuyên khoa COVID ở các bệnh viện để khám và điều trị.

Bảo hiểm y tế chi trả khi COVID-19 không còn là bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh truyền nhiễm nhóm B là những bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Theo quy định hiện nay, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh sẽ như với các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Sẽ mang lại nhiều lợi ích

Qua trao đổi, các chuyên gia còn cho rằng việc sớm đưa COVID-19 ra khỏi nhóm A sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, nếu như vẫn giữ COVID-19 là dịch bệnh thuộc nhóm A như hiện nay thì sẽ gây ra rất nhiều phiền toái liên quan đến khai báo, thống kê, chế độ chính sách cho những người nhiễm. Ngoài ra còn ảnh hưởng lớn, gây ra các cản trở cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, thu hút đầu tư… kể cả liên quan đến vấn đề tử vong, khâm liệm.

“Những quy định phòng bệnh khi giữ COVID-19 là bệnh nhóm A rất hà khắc, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, xã hội rất lớn. Do đó, Bộ Y tế cũng cần sửa soạn, điều chỉnh để bình thường hóa và phù hợp hơn với các biện pháp phòng tránh như bệnh nhóm B. Các bệnh viện, nhà trường, công xưởng… phải được hoạt động trở lại như trước khi chưa có dịch”. Ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ và nhấn mạnh: “Chuyển sớm được thì càng tốt. Nếu chần chừ sẽ ảnh hưởng xấu tới mọi mặt của đời sống xã hội”.

chuyen covid 19 ra khoi benh truyen nhiem nhom a som ngay nao tot ngay ay hinh 2

Trước tâm lý một số ý kiến còn e ngại nếu chuyển COVID-19 từ bệnh nhóm A sang nhóm B thì dịch bệnh sẽ dễ lây lan hơn, ông Hùng cho rằng việc chuyển COVID-19 sang nhóm B không có nghĩa là bỏ qua toàn bộ biện pháp phòng chống đại dịch này. Thực tế, việc chuyển đổi này chủ yếu chuyển từ phòng ngừa, điều trị tập trung sang biện pháp hành chính mang tính cá nhân.

Mọi người cũng vẫn phải khẩu trang, khử khuẩn và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi tham gia cộng đồng. “Chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng dịch chứ không có nghĩa không phòng chống dịch khi COVID-19 không thuộc bệnh nhóm A. Việc chuyển bệnh COVID-19 sang nhóm B không có nghĩa các biện pháp phòng ngừa bị buông bỏ. Việc đưa COVID-19 ra khỏi danh mục bệnh nhóm A nên làm sớm” - ông Hùng một lần nữa nhấn mạnh.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy, hiện nay COVID-19 đã không còn quá nguy hiểm như thời điểm dịch mới bùng phát hơn 2 năm trước đây. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng của nước ta cao, người dân cũng đã thích nghi với việc sống chung với COVID-19. Do đó, nên đưa COVID-19 ra khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A càng sớm, càng tốt.

Phải luôn theo sát tình hình

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội cho rằng về lâu dài tất nhiên phải tính toán để COVID-19 về bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tuy nhiên, hiện cần theo dõi thêm một thời gian xem khả năng các biến chứng như thế nào. Bây giờ, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng giảm rất nhiều, tỷ lệ nhập viện chỉ còn 1% và tỷ lệ tử vong còn thấp hơn nữa.

Tuy nhiên, cũng cần phải luôn theo dõi vì nguy cơ các biến chủng mới vẫn tiềm tàng. Rất có thể có những biến chủng mới. Cái này cần nghiên cứu mà không thể áp dụng máy móc theo các nước khác. Khi chuyển chính sách thì cần căn cứ vào tỷ lệ tiêm chủng và sự miễn dịch của từng nhóm cư dân, tộc người để đưa ra quyết định.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe
Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

(CLO) Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Việt Nam về vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP.

Sức khỏe
Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

(CLO) Cắt môi trái tim tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân kém chất lượng, cô gái 25 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây biến dạng môi.

Sức khỏe
TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

(CLO) Sở Y tế TP HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền.

Sức khỏe