Chuyện của những người lên đỉnh Hủa Xi Pan

Thứ hai, 04/02/2019 10:20 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nguyên tắc của những người đam mê du lịch ở mỗi điểm đến là “đừng mang theo gì trừ những bức ảnh, đừng để lại gì trừ những dấu chân”. Bất kỳ ai đến đỉnh núi cao nhất Đông Dương cũng mang về theo mình bức ảnh ghi dấu bản thân bên cạnh đỉnh chóp ba cạnh.

Nhưng ít ai biết đến câu chuyện về những người đã tạo nên đỉnh chóp ấy.

Khi phong trào du lịch khám phá lan rộng như một thứ “virus tuổi trẻ” thì đỉnh núi Phan Xi Păng trở thành một biểu tượng quan trọng, là một dấu mốc kỳ vĩ đánh dấu xê dịch của tuổi trẻ.

Quang “chim” bảo, những ngày ấy, để chuẩn bị cho chuyến leo núi tháng 2, anh em phải chuẩn bị từ tháng 10 năm trước. Tại sao lại là tháng 2 khi mùa leo núi ở miền Bắc thường kéo dài từ tháng 9 năm trước tới tháng 3 năm sau? Tháng 2 là lúc hoa rừng nở rộ. Còn gì đẹp hơn khi ta đi lên những đỉnh cao mà xung quanh tràn ngập hoa cỏ mùa xuân.

Chóp Fansipan dưới chân tượng vua Lê trước khi lên đỉnh núi.

Chóp Fansipan dưới chân tượng vua Lê trước khi lên đỉnh núi.

Vậy khi leo núi người ta chuẩn bị những gì? Đầu tiên phải chốt số lượng người, họp nhóm phân công từng thành viên mang vác đồ đạc, từ lều bạt, thuốc men, đồ dùng cá nhân cho đến... kẹo ngọt. Những người leo núi thường mang theo kẹo bởi lẽ nó là thứ cung cấp nhanh glucose trong máu khi leo núi, giúp giảm cảm giác tức ngực và khó thở khi leo lên cao. Những người đăng ký tham gia leo đỉnh Phan Xi Păng còn phải trải qua nhiều đợt test sức khỏe bằng cách... leo những núi nhỏ (mà phổ biến là núi Ba Vì).

Từ lâu, những người đam mê du lịch ở dải đất hình chữ S biết đến tên Quang “chim” như một trong những thành viên gạo cội, tham gia đủ loại hình du lịch mạo hiểm khám phá. Nhưng chuyện Quang “chim” là người khởi xướng và mang cái chóp kim loại lên đánh dấu đỉnh núi cao nhất này thì không phải ai cũng tường tận.

Phan Xi Păng, Fansipan, hay Phan Si Păng cũng đều đúng cả. Âm này được phiên âm từ tiếng dân tộc “Hủa Xi Pan” có nghĩa là “phiến đá khổng lồ chênh vênh”.

Thoạt kỳ thủy, đỉnh núi này không có chóp. Khoảng năm 1960, khi ba nhà địa chất người Ba Lan đầu tiên đặt chân lên đây đã mang theo ba tấm đuy-ra để làm mốc đánh dấu.

Đến năm 1984, những nhà địa chất Liên Xô cũng tạo ra một đỉnh mốc khác bằng inox 4 cạnh. Gần 20 năm sau, năm 2003 – thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày nguời Pháp khám phá ra Sa Pa, người ta cho xây chóp núi bằng bê tông cốt thép. Cái thứ 4 tồn tại trong khoảng 2003 – 2007 khi một lần nữa chóp bê tông được xây trùm bằng đá ra bên ngoài.

Cũng bởi làm bằng chất liệu đá, bê tông, xi măng, nên đỉnh chóp ấy bị bào mòn nhanh chóng bởi khí hậu khắc nghiệt và ý thức con người.

Ngày 9/1/2008, phát hiện ra điều này, chàng thanh niên Lê Hồng Quang (với nick là “chim lạc việt” – đây cũng là lý do anh được gọi là Quang “chim”) đã lập ra một topic trong box Du lịch của Diễn đàn TTVN và đề xuất táo bạo: Làm lại chóp mới cho đỉnh Phan Xi Păng. Sở dĩ Quang “chim” nhớ chính xác ngày này bởi lẽ rất tuyệt vời là những tư liệu trên box Du lịch của diễn đàn TTVN đến nay vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn.

Bấy giờ, theo quy định, đỉnh núi Phan Xi Păng thuộc quyền quản lý về mặt hành chính của Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Thông qua kết nối từ anh Đặng Viết Xuyên (hiện đang là Phó Tổng Biên tập báo Lào Cai), Quang “chim” đã liên lạc với ông Nguyễn Quốc Trị, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Rất may mắn, ông Giám đốc đã đồng ý với đề xuất của Lê Hồng Quang.

Lễ bàn giao đỉnh chóp cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn vào ngày 26/1/2008.

Lễ bàn giao đỉnh chóp cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn vào ngày 26/1/2008.

Buổi họp mặt bàn về việc tạo ra một đỉnh chóp nhanh chóng được tổ chức. Những người hăng hái nhất ngoài Quang “chim” là những thành viên kỳ cựu box Du lịch: anh Tuấn (nick Moctui là kỹ sư luyện kim màu), anh Tùng (nick tabalo nổi tiếng của taybacgroup), bạn Khoa vừa chinh phục Phan Xi Păng trở về và bạn Vân, kiến trúc sư. Vân cũng chính là người được giao nhiệm vụ thiết kế đỉnh chóp mới. Tôn trọng lịch sử, tất cả mọi người đều thống nhất làm chóp 3 cạnh giống cái chóp đuy-ra đầu tiên và “không ghi tên ai hay bất cứ tổ chức nào”.

Anh Tuấn “moctui” là một kỹ sư luyện kim màu đã đề xuất vật liệu làm chóp là loại inox S304 – loại tốt nhất vào thời điểm 2008. Sau khi làm xong, ba mặt được khắc bằng axit ăn mòn. Ba mặt của đỉnh chóp được khắc hình ngôi sao năm cánh và chữ FANSIPAN 3.143m – là chiều cao của đỉnh Phan Xi Păng tính từ mặt nước biển.

Tuấn “moctui” còn cẩn thận lựa chọn loại inox có mặt xước với cam kết “sớm muộn gì nó cũng nhẵn” (và quả nhiên đến bây giờ thì các mặt xước ban đầu đã nhẵn bóng vì mưa gió bốn bề). Ngoài ra, để tránh tình trạng nâng lên đặt xuống như đối với các đỉnh chóp trước đây, nhóm đã thiết kế ba chốt ốc để bắt xuống nền đá với những nguyên tắc phức tạp để những người lạ dù có vặn xuôi hay ngược cũng không thể tháo được ba con ốc này ra.

Sau hai tuần bắt tay vào thực hiện, chóp đã hoàn thành. Con đường để chóp núi Phan Xi Păng lên đỉnh cũng lại là một câu chuyện lạ lùng. Quang “chim” và các bạn đã mang chóp ra chân tượng vua Lê ở hồ Hoàn Kiếm để làm một cái lễ nhỏ như một chỉ dấu tâm linh để cầu an. Dằn túi 10 triệu tiền ủng hộ từ những người bạn yêu du lịch ủng hộ, cả nhóm chia thành hai và cùng lên đường. Quang “chim” cùng anh Tấn (nickname “balota”), anh Tùng (nickname “tabalo”) chở chóp lên Sa Pa bằng ô tô. Riêng anh Tuấn kỹ sư thì đi tàu hỏa lên Lào Cai. Đi cùng ô tô là 2 cậu bé Balo và Thành Rôm (con trai anh Tấn). Năm ấy cả hai cậu bé này mới chỉ 10 tuổi.

Khi đoàn đến Yên Bái khoảng 23h thì bất ngờ ô tô bị hỏng, Quang “chim” đành mang chóp ra ga Yên Bái lên tàu đi tiếp… Vậy là, chóp inox lên Lào Cai bằng 2 phương tiện ô tô và tàu hỏa. Quang “chim” nhớ lại, “có lẽ định mệnh buộc cái chóp này phải đi tàu”. Bởi lẽ hành trình của những người leo lên đỉnh Phan Xi Păng cũng là đi tàu hỏa. Đỉnh chóp này là biểu tượng của “chạm vào khát vọng xê dịch” nên định mệnh bắt nó cũng phải đi tàu như những con người đầy đam mê ấy.

Đúng sáng 26/1/2008, mọi người chở chóp từ Lào Cai lên Sa Pa, trao cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ban Giám đốc Vườn quốc gia đã đề nghị nhóm trực tiếp đặt chóp lên đỉnh trước Tết Nguyên đán, nên ngay hôm đó, cả nhóm quyết định leo “Phan” luôn. Chóp mới đã được đặt trên đỉnh núi giữa những ngày gió rét khắc nghiệt (mùa rét năm 2008 là một kỷ lục khi kéo dài 38 ngày liên tục).

Vậy là từ một ý tưởng, chưa đầy ba tuần chóp mới đã ngự trị trên đỉnh Phan Xi Phăng – nóc nhà của Đông Dương. Những người đặt đỉnh chóp còn cẩn thận tính toán để góc nhọn của hộp tam giác quay về hướng Bắc, mặt bằng quay về phía Nam. Ngoài ý nghĩa về tâm linh, vào những ngày nắng đẹp, trời quang mây tạnh, những người ở thị trấn Sapa khi có thể nhìn thấy ánh nắng phản chiếu qua mặt inox từ đỉnh núi hùng vĩ.

Hơn 10 năm đã trôi qua, bây giờ đường lên đỉnh Hủa Xi Pan đã có cáp treo, phục vụ nhu cầu du lịch của đại chúng. Nhưng khát khao mãnh liệt chinh phục đỉnh núi bằng đường bộ vẫn hừng hực cháy qua nhiều thế hệ thanh niên – những người trẻ tuổi muốn được sống và vượt qua những thử thách của chính mình. Còn Quang “chim” và những người trong nhóm năm xưa giờ mỗi người một công việc, một nơi chốn riêng. Thỉnh thoảng, anh em lại gặp nhau và kể lại kỷ niệm năm xưa như một điều kỳ diệu đã đến trong đời.

Tử Hưng

Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa