Chuyện của những phóng viên “Đi tìm đồng đội”

Thứ bảy, 22/12/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng với không ít người, dường như nỗi đau vẫn còn đó. Hình ảnh về cuộc chiến đấu với đạn bom, khói lửa giờ đây đã trở thành ký ức nhưng sự mất mát, giọt nước mắt đau thương vẫn lẩn khuất đâu đó trong tim những người ở lại.

Từ những bộ hồ sơ liệt sĩ, danh sách đồng đội hy sinh với từng trang thông tin ít ỏi mà gửi gắm bao hy vọng cùng những tấm bản đồ trận đánh cũ kỹ ngã màu ố vàng chất chồng... những phóng viên thực hiện chương trình “Đi tìm đồng đội”, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, lại sẵn sàng băng rừng, lội suối đi vào nơi hiểm nguy để truyền tải những hy sinh thầm lặng, để cùng đưa anh linh liệt sĩ trở về với đất mẹ quê hương. Nhiệm vụ của những phóng viên “Đi tìm đồng đội” không chỉ là phản ánh thông tin mà nhiệm vụ đó còn là trách nhiệm của một thế hệ được hưởng hòa bình sau máu xương những anh hùng đã ngã xuống.

Từ việc kết nối thông tin địa chỉ

"Trong những hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ chúng tôi đã được chứng kiến rất nhiều câu chuyện trở về xúc động.Tôi nhớ mãi chuyến đi của chúng tôi đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Mùi trong Đồi Quân Y Bắc Sơn nay là rừng quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đây là rừng nguyên sinh nên đường đi lối lại rất khó khăn, các em của liệt sĩ cũng đã lớn tuổi nên đường đi tìm lại càng vất vả với các bác. Nhưng vì quá khát khao tìm được anh trai nên khi đi mọi người đều rất khí thế và rất hy vọng vì đã có sơ đồ chôn cất và có nhân chứng dẫn đường. Vậy nhưng sau nhiều ngày tìm kiếm vẫn không thấy chút manh mối nào. Ngày cuối cùng trong kế hoạch tìm kiếm, cô Canh, em gái liệt sĩ đã khóc rất nhiều. Và quãng đường về lúc đó không khí rất nặng nề, ai cũng mệt và rất buồn. Sau đó chúng tôi ra sân bay để về Hà Nội. Chuyến bay hôm đó bị hoãn và đến gần 11g đêm chúng tôi vẫn còn đang ở sân bay. Và cho đến bây giờ, sau hơn 2 năm, tôi vẫn không quên được hình ảnh hai người em của liệt sĩ ngồi gục trên ghế chờ của sân bay, trông gần như bị kiệt sức vì hụt hẫng và thất vọng quá lớn. Đó là hình ảnh chúng tôi không ghi lại được bằng máy quay. Chuyến đi ấy giúp tôi hiểu được hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ khó khăn, vất vả thế nào cũng như khao khát tìm được người thân của các gia đình liệt sĩ thực sự lớn thế nào! " - Phóng viên Bích Thủy hồi tưởng lại về những ngày tháng rong ruổi trong những con đường sình nước của rừng quốc gia Bù Gia Mập. Một chuyến đi kiếm tìm không đem lại kết quả đã để lại day dứt khôn nguôi cho như những ai có mặt và có lẽ cũng bởi niềm day dứt ấy mà phóng viên Bích Thủy đã không thể nào quên!

Báo Công luận
Giấy báo tử của một liệt sĩ được thân nhân mang đến chương trình. Ảnh: Chương trình "Đi tìm đồng đội"

Chiến tranh cũng đã qua quá lâu để các thông tin về liệt sĩ còn chính xác, địa danh đã thay tên đổi họ, địa giới cũng không còn như xưa. Trong khi các thông tin cho thấy mộ liệt sĩ chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, không có sơ đồ mộ chí cụ thể mà địa hình đã thay đổi nhiều, chưa kể đến trong quá trình bốc cất các hài cốt của liệt sĩ tìm được đưa về nghĩa trang cũng có lúc xảy ra nhầm lẫn do đó, nhiều thông tin về mộ liệt sĩ chương trình đã phải xác minh, khảo sát nhiều lần.

Phóng viên Tiểu Thúy, người đã có rất nhiều năm công tác báo chí trong lĩnh vực hậu chiến và cũng là một trong những phóng viên tham gia vào chương trình “Đi tìm đồng đội” ngay từ những ngày đầu tiên đã kể lại câu chuyện xúc động: "2 năm trước, có một người lính tóc đã điểm bạc đi từ TPHCM tìm đến chương trình với mong muốn xác minh thân nhân cho đồng đội của mình, người đồng đội của ông tên là Nguyễn Thơi, hy sinh vào những ngày cuối cùng của năm 1974 khi cùng ông và nhiều đồng đội khác vượt sông Hiếu Giang…Người lính già ấy chính là cựu chiến binh Nguyễn Văn Khánh, nguyên là cán bộ Cục Quân khí. Trong chiến tranh, ông là cán bộ Hậu cần của Tiểu đoàn 24, sư đoàn 325 đóng quân ở Hải Lăng, Quảng Trị. 

Từ hồ sơ liệt sĩ, chương trình “Đi tìm đồng đội” đã tìm được người em gái Nguyễn Thị Hoa của liệt sĩ Thơi. Bà Hoa cho biết, năm 1999 có người làng bên đi tìm mộ của người thân ở Hải Phú và nhìn thấy phần mộ của anh Thơi nên báo cho gia đình. Từ đó đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa vẫn đinh ninh rằng, phần mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng là của liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi. Khi chương trình đi tìm đồng đội mang tin của CCB Nguyễn Văn Khánh về phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ thì gia đình vô cùng lo lắng bởi họ không biết được đâu là phần mộ chính xác.. Hiểu nỗi băn khoăn của gia đình liệt sĩ, chương trình đã cùng với các đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi quay lại ngôi làng nhỏ bên dòng sông Hiếu Giang huyền thoại – nơi các CCB đã từng có những năm tháng chiến đấu ác liệt và cũng là nơi mà chiến sỹ Nguyễn Văn Thơi vĩnh viễn gửi lại tuổi xuân của mình.

Tại đây chúng tôi đã tìm được nhân chứng biết về nguồn gốc ngôi mộ tại Cam Hiếu; trước đây, khu vực này thuộc xã Cam Thủy nhưng sau chiến tranh lại thuộc về xã Cam Hiếu nên phần mộ liệt sĩ Thơi được quy tập về nghĩa trang xã Cam Hiếu, có thể do sơ suất nên bia mộ ghi là Nguyễn Thới, ngoài ra không có quê quán lẫn đơn vị. Vì sự sơ suất ấy nên phần mộ đã quy tập nhiều năm vẫn không tìm được thân nhân, cho đến khi CCB Nguyễn Văn Khánh trở lại nơi này.

Cuối năm 2016, khi nhận được kết quả ADN chính xác phần mộ liệt sĩ Thơi ở nghĩa trang liệt sĩ Cam Hiếu, chúng tôi gọi điện cho CCB Nguyễn Văn Khánh để cảm ơn chú bởi nếu không có chú thì có lẽ liệt sĩ Thơi sẽ vĩnh viễn không tìm được người thân. Chú Khánh rất mừng và đã sắp xếp công việc trở ra Bắc để cùng với các đồng đội năm xưa vào Quảng Trị đón liệt sĩ Thơi về quê hương. Tiếc rằng, khi vừa ra đến Hà Nội thì chú đổ bệnh và ra đi. Di nguyện lớn nhất của chú trước khi mất là được đồng hành cùng các CCB, những người năm xưa vượt sông Hiếu Giang có thể đi đón liệt sĩ Thơi trở về".

Báo Công luận
Những người con ưu tú đã lại về với Tổ quốc, với quê hương.  Ảnh: Chương trình "Đi tìm đồng đội"

Đến ngày tháng hành quân tác nghiệp nơi chiến trường nước bạn

Có lẽ chẳng có hành trình nào của cuộc đời lại dài như hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Dài không phải là do quãng đường mà bởi hành trình phía trước còn rất nhiều gian nan, thử thách.

Biên tập viên Đức Dục cùng quay phim Thi Tùng đã rất nhiều lần khăn gói hành trang lên đường đến các vùng biên giới, đi sâu vào chiến trường năm xưa trên các nước bạn Campuchia và Lào kể lại: "Có những chuyến đi vài ba ngày, nhưng cũng có những cuộc quy tập kéo dài đến mấy tháng trời, nơi rừng thiêng nước độc, chúng tôi cũng bám vào các vách đá cheo neo, băng rừng, lội suối. Theo chân Bộ chỉ huy quân sự và các đội quy tập khi làm chương trình đưa hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trở về, ê kíp làm chương trình đã nếm trải không ít gian khổ.

Phóng viên, biên tập viên, quay phim như chúng tôi cũng “ăn bờ ngủ bụi” cùng đội quy tập. Ngày, họ tìm hài cốt liệt sĩ, chúng tôi quay và dựng phóng sự. Khi đói thì tìm gò đất cao nào đó cùng dọn cơm. Trưa, cả đội mắc võng nghỉ dưới tán cây rừng. Tối, cùng trải bạt, dựng lều trên thảm cỏ để ngủ. Cái ăn cái uống nơi rừng rú núi cao cũng không hề đơn giản. Những bữa ăn tạm bợ, thiếu thốn giữa rừng; những giấc ngủ trưa vội trên cánh võng...

Ngoài sự thiếu thốn, khó khăn, phóng viên khi tác nghiệp còn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập. Rừng Campuchia còn khá nhiều rắn độc nên chúng tôi luôn đề cao cảnh giác. Lo nhất là bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, chúng tôi vừa quay phim, ghi hình, vừa liên tục quan sát, chuyện gặp đạn cối, đạn 105 mm hay lựu đạn trong quá trình quy tập không phải hiếm.

Đặc biệt khi quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên địa bàn nước bạn Lào. Đây là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và phức tạp, bởi địa bàn đơn vị đảm nhiệm rất rộng lớn. Trong khi đó địa hình rừng núi vô cùng hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, có nơi vẫn có phỉ hoạt động.

Thế nhưng tất cả những khó khăn ấy đã tan biến khi được chứng kiến những giây phút đoàn tụ thiêng liêng. Như trường hợp chúng tôi theo chân tiến sĩ Nguyễn Công Kình đưa được hài cốt của cha ông giữa rừng già của nước bạn Lào. Dẫu trùng phùng với âm dương cách biệt nhưng với tiến sĩ Nguyễn Công Kình, để đưa được hài cốt cha về quê hương là cả một hành trình đằng đẵng của người con đi tìm cha với nhiều vất vả đắng cay suốt hơn nửa thế kỷ qua. Sau 3 mùa khô đi theo đội quy tập có lúc tưởng như tìm thấy rồi mà lại không phải, thế nhưng ông vẫn không hề tuyệt vọng. Cuối cùngtừ núi non trùng điệp, giữa trùng khơi rừng già nước bạn Lào thì hài cốt liệt sĩ Nguyễn Công Côn - cha ông đã được đón trở về quê nhà.

Gần đây nhất là giây phút đi tìm, bốc cốt và đồng hành chặng đường đưa liệt sĩ Lê Văn Kiệm cùng 103 đồng đội đã hy sinh và nằm xuống trên cánh đồng Xiêng Khoảng của nước bạn Lào cách đây hơn 50 năm. Ngay khi lớp đất cuối cùng được hất lên làm lộ ra phần di cốt của liệt sĩ chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động, đồng chí quay phim cẩn thận room máy một cách chi tiết vào lọ thủy tinh penecilin ngày xưa nằm lẫn trong dị vật. Từ đây, những dòng chữ mạch lạc, rõ ràng hiện lên tên tuổi, đơn vị và ngày tháng hy sinh của liệt sĩ Kiệm".

Báo Công luận
                          Lọ thủy tinh penicilin được tìm thấy khi khai quật...
Báo Công luận
và mẩu giấy ghi thông tin về liệt sĩ Lê Văn Kiệm. Ảnh: Chương trình "Đi tìm đồng đội". 

Chặng đường vẫn còn tiếp tục...

Ngay từ sau khi chương trình phát sóng số đầu tiên, chương trình “Đi tìm đồng đội” đã nhận được rất nhiều hồ sơ của các gia đình liệt sĩ. Tính đến nay, số hồ sơ tiếp nhận là khoảng 3.000 và con số này sẽ còn tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, còn có hơn 200 hồ sơ cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ của các CCB cũng gửi tới cho chương trình, phóng viên trẻ Bích Hằng cho hay.

Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ các liệt sĩ, chương trình đã có cơ hội được gặp gỡ với thân nhân các gia đình của họ. Mỗi lần gặp gỡ, mỗi câu chuyện đều là những kỷ niệm không bao giờ quên!

Với vai trò là cầu nối thông tin, chương trình “Đi tìm đồng đội” nhiều năm nay đã cố gắng xác minh, kết nối với các CCB, các đội quy tập trong cả nước, các cơ quan chức năng để tìm kiếm thêm thông tin về các liệt sĩ.

Sau hơn 3 năm, chương trình ‘Đi tìm đồng đội” đã chứng kiến vô vàn cuộc quy tập, đã theo dấu chân các anh hùng liệt sĩ, và không đếm nổi những lần rơi nước mắt! Những câu chuyện về người cựu chiến binh gần 50 năm đạp xe trên khắp các chiến trường để đi tìm đồng đội, về người mẹ 97 tuổi vẫn ngày đêm ra ngõ ngóng con về, câu chuyện người vợ bán hết ruộng vườn, phải làm thuê nơi đất khách quê người để tìm kiếm hài cốt chồng cùng những người đồng đội trong suốt hơn 10 năm trời...đều vô cùng xúc động.

Tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ là cả một chặng đường dài. Có phóng viên đi lại rất nhiều lần cùng các đội quy tập, cùng thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh tới các nghĩa trang mới có thể hoàn thành phóng sự. Điều ấy có thể nói là hơn cả sự tâm huyết, như thể họ đang đi tìm chính người thân, anh, em, bố, mẹ mình.  Đó là sự trân trọng, biết ơn, là tình cảm và trách nhiệm của thế hệ trẻ thời hậu chiến đối với công lao của các liệt sĩ. Nơi rừng thiêng, nước độc, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng họ vẫn mải miết tìm kiếm, vẫn sẵn sàng lên đường dù chỉ với một hy vọng mong manh!

* Một số hình ảnh phóng viên chương trình "Đi tìm đồng đội" tác nghiệp tại hiện trường:

Báo Công luận
 
Báo Công luận
 
Báo Công luận
 
Báo Công luận
 
Báo Công luận
 

 Nguyệt Hồ (ghi)

 

Tin khác

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo
Phát động cuộc thi báo chí về công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ” tỉnh Ninh Bình năm 2024

Phát động cuộc thi báo chí về công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ” tỉnh Ninh Bình năm 2024

(CLO) Thông qua cuộc thi nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng, mục tiêu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Nghề báo