Chuyển đổi số để thích ứng và bứt phá trong đại dịch: Doanh nghiệp nhanh chân mới thắng!

Thứ tư, 01/09/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, người dân và doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh đó, những DN sớm triển khai chuyển đổi số có sức chống chịu tốt hơn.

Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp DN sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá. Đó là lý do khi chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận thì vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia là một nội dung được nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp quan tâm.

“Vaccine công nghệ” giúp DN ứng phó với COVID-19

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số DN rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 DN, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề.

chuyen doi so de thich ung va but pha trong dai dich doanh nghiep nhanh chan moi thang hinh 1

Chính phủ có nhiều chính sách linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho DN trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất cho DN, chuỗi cung ứng hàng hóa cho nền kinh tế. Chính phủ cũng đang trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách, hỗ trợ DN, người dân trước tác động của COVID-19 với các giải pháp tài khóa hỗ trợ DN. Tuy nhiên, nếu kéo dài phong tỏa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, DN sẽ “thấm mệt”, kéo theo khó khăn trong bảo đảm sinh kế của người lao động.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, con đường chống dịch còn lâu dài nên các DN không nên quá trông chờ vào các giải pháp hỗ trợ; đã đến lúc chính các DN phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu DN, tìm cách thức quản trị mới để chung sống an toàn với dịch.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều DN đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những “làn sóng” lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều DN ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

“Thực tế cho thấy, những DN tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin về việc đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường, đều là những DN đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các DN khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

“Phao cứu sinh” cho doanh nghiệp nhỏ?

Khảo sát mới của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho thấy trong diễn biến phức tạp của dịch, số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn chiếm 11%; số lượng doanh nghiệp khó khăn, cần hỗ trợ chiếm 45%. Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) khảo sát nhanh hơn 100 doanh nghiệp bằng hình thức online cho thấy, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn.

Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, đã có gần 80.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường từ đầu năm đến nay. Những thống kê trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi số doanh nghiệp “chết lâm sàng”, phá sản, phải sa thải lao động, dừng hoạt động ngày một nhiều khi diễn biến của dịch vẫn hết sức khó lường.

Cơn cuồng phong Covid-19 chưa biết bao giờ ngừng, doanh nghiệp làm thế nào để thích ứng, sống sót và vượt lên, tìm cơ trong nguy? Các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng hình thức làm việc tại nhà, họp hành và giao việc đều chuyển đổi sang online. Những thay đổi nhanh đến mức nhiều người chưa kịp gọi tên, thật ra chính là câu chuyện đã được nói rất nhiều thời gian gần đây: Chuyển đổi số.

Chuyển đổi số được xem như là “phao cứu sinh”, là “ánh sáng cuối đường hầm” - xu hướng không thể đảo ngược để doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khó khăn của đại dịch. Vậy chuyển đổi số là gì?

Theo cách hiểu phổ biến nhất, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao...

 “Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dễ bị tổn thương và chậm chuyển đổi nên họ phải dùng đến “đòn bẩy số” để “vá lại các vết thương”, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ.

Với ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh: “Dịch Covid-19 có nhiều yếu tố tiêu cực tới doanh nghiệp Việt Nam và chỉ có một yếu tố tích cực là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số”.

Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số”, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng.

Giữa thời đại 4.0 thay đổi chóng mặt, không phải “cá lớn nuốt cá bé mà cá nhanh nuốt cá chậm”, chuyển đổi số không chấp nhận sự lừng khừng, nửa vời, trì trệ. “Chuyển đổi số hay là chết”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Chủ tịch Công ty iBOSSES Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn VNPT nhấn mạnh. Theo ông Hòa, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số “cần làm ngay và không ngần ngại”.

Với tinh thần đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào chuyển đổi số giữa đại dịch. Nhưng đây là một việc mới, chưa có tiền lệ, vậy phải bắt đầu như thế nào? Ông Phương Trầm - Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của Tập đoàn FPT chia sẻ: “Có ba điều cần phải làm. Đầu tiên là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự”.

Cần sự đồng hành

CĐS là kiến tạo mô hình kinh doanh mới, đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý, giải quyết bài toán trong doanh nghiệp, xã hội. Theo đó, giải pháp cấp thiết hiện nay, ông Trần Kiên Dũng - Chuyên gia cao cấp ISO - Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam cho rằng, DN cần một đơn vị hiểu được nhu cầu của DN để đánh giá được mức độ, tính sẵn sàng CĐS của DN; đánh giá được tính phù hợp và khả thi của các sản phẩm, dịch vụ CĐS liên quan; giúp DN xây dựng được chiến lược và lựa chọn các giải pháp CĐS phù hợp…

chuyen doi so de thich ung va but pha trong dai dich doanh nghiep nhanh chan moi thang hinh 2

Bên cạnh đó, rào cản lớn của DN trong thực hiện CĐS vẫn chủ yếu do chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng, DN còn e ngại sợ bị rò rỉ dữ liệu thông tin, thiếu nhân lực trình độ cao... Vì vậy, ông Đào Quang Dũng nhấn mạnh, DN nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện chiếm đến 97% còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thách thức về nguồn vốn, theo đó, với kinh nghiệm dựa trên lợi ích của khách hàng là thành công của nhà cung cấp giải pháp, các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số hãy chú trọng và quan tâm đến năng lực của DN để đưa ra các gói giải pháp công nghệ tối ưu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp, Chính phủ cần hỗ trợ CĐS thông qua việc tăng cường xây dựng các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ; hỗ trợ tài chính cho việc ứng dụng công nghệ số, minh bạch hóa các quy tắc, quy định về quản lý dữ liệu.

Đồng quan điểm về gỡ khó cho DN CĐS, ông Lê Văn Khương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (TAC), Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, để thúc đẩy DN tăng tốc CĐS, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính, như giảm thuế thu nhập để DN có thêm nguồn tích lũy cho quỹ CĐS. Đặc biệt, yếu tố quan trọng đó là phải có môi trường, hệ sinh thái CĐS để DN yên tâm thực hiện; tạo sự tin tưởng cho DN đối với nhà cung cấp giải pháp, nền tảng; tăng cường kết nối các chuyên gia để DN tìm thấy giải pháp phù hợp.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai Chương trình hỗ trợ CĐS giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao nhận thức của DN về CĐS, cải thiện năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất cho DN, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ DN CĐS. Trong đó, Chương trình đặt mục tiêu: 100 DN tiếp cận thông tin từ chương trình và nâng cao kiến thức về CĐS; 100 DN là các thành công điển hình về CĐS; 100.000 DN được nhận các hỗ trợ về CĐS (đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp); 100 mạng lưới chuyên gia gồm các tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS.

Ông Lê Văn Khương cho biết, theo kế hoạch, chương trình sẽ đồng hành cùng DN trong khoảng 5 năm với kỳ vọng là sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về CĐS, với nhiều hoạt động cụ thể, như: Xây dựng công cụ nền tảng số cho DN, triển khai các gói hỗ trợ kỹ thuật cho DN có nhu cầu CĐS, thúc đẩy phát triển các nền tảng số phù hợp với quy mô, ngành nghề và giai đoạn phát triển của DN… Sử dụng nguồn lực để DN lựa chọn giải pháp phù hợp; tạo ra sự cam kết về công nghệ, giải pháp, chuyên gia để DN yên tâm chuyển đổi. “Chúng tôi cũng đang triển khai các chương trình đào tạo CĐS trực tuyến với các chuyên đề CĐS riêng biệt dành cho các loại hình DN có sự kết hợp của các chuyên gia CĐS” - ông Khương thông tin.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn