Chuyển đổi số trong giáo dục còn nhiều thách thức

Thứ hai, 13/05/2024 20:10 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đòi hỏi người lao động phải có năng lực số. Nhà trường chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực thiết yếu đó.

Chiều 13/5, tại cuộc hội thảo: "Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Chuyển đổi số trong giáo dục đã đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu tăng cường áp dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số".

chuyen doi so trong giao duc con nhieu thach thuc hinh 1

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà trường chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực số cho người lao động.(ảnh TL).

Để đạt được các mục tiêu đó, theo ông, cần có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan. Các cơ sở giáo dục đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Các cấp quản lý có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hệ thống về việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giáo dục đào tạo trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Cùng với đó, không thể thiếu sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội, bởi, lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

Theo Bộ trưởng Sơn, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Điều này đòi hỏi triển khai hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả.

“Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đòi hỏi người lao động phải có năng lực số. Nhà trường chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực thiết yếu đó.

Và mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Điều này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và các thiết chế văn hóa khác”, Bộ trưởng nói.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong thời gian qua và công tác chuyển đổi số của ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng Bộ trưởng nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức.

Trong đó còn những vấn đề cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, cần đánh giá đúng hiện trạng, cùng nhau kiến nghị, đề xuất các giải pháp để công cuộc này thực sự đem lại kết quả thiết thực, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cung cấp nhân lực với đầy đủ năng lực, kỹ năng, thái độ - đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, xã hội số.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo , các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào thì được công nhận là đại học thông minh, đại học số; cơ chế phối hợp xây dựng, tích hợp, đảm bảo chất lượng, chia sẻ, khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở, các khoá học trực tuyến đại chúng mở của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chính sách ghi nhận, công nhận kết quả tự học từ các nền tảng số và truyền thông... cần được làm sáng tỏ trong thời gian sắp tới.

“Một lần nữa cần khẳng định lại rằng, để có thể thành công trong công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, cùng với sự quyết liệt của các cơ quan trung ương, cần có sự tham gia tích cực của các cơ sở giáo dục, đào tạo ở các cấp bậc, của các thiết chế văn hoá từ trung ương đến địa phương, của cộng đồng xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

  

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án đề thi môn Ngữ Văn

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án đề thi môn Ngữ Văn

(CLO) Đề thi Ngữ Văn thuộc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 được đánh giá là sát với yêu cầu và vừa sức với học sinh.

Giáo dục
Lần đầu tiên Bắc Ninh thực hiện tuyển sinh trực tuyến đầu cấp

Lần đầu tiên Bắc Ninh thực hiện tuyển sinh trực tuyến đầu cấp

(CLO) Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh, từ ngày 1 đến 14/7, lần đầu tiên các trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh tiến hành tuyển sinh trực tuyến trẻ 5 tuổi, học sinh lớp 1 và học sinh lớp 6 năm học 2024-2025.

Giáo dục
Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập

Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập

(CLO) Ngày 1/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội duyệt điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập năm 2024-2025.

Giáo dục
Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trường chuyên

Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trường chuyên

(CLO) Theo công bố, điểm chuẩn vào chuyên của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cao nhất, trung bình nhiều môn chuyên trên 8 điểm.

Giáo dục
Ngày mai (1/7), phụ huynh tại Hà Nội bắt đầu đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào lớp 1 cho con

Ngày mai (1/7), phụ huynh tại Hà Nội bắt đầu đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào lớp 1 cho con

(CLO) Theo lịch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ ngày 1 đến 3/7, phụ huynh tại Hà Nội bắt đầu đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho con.

Giáo dục