Nhóm có hơn 3000 thành viên chuyển giới nam
+ Công việc của các bạn gồm những gì?
- FTM (Female to male) ban đầu chỉ là một nhóm hỗ trợ nhỏ trên facebook, được mình lập vào tháng 10/2015 với mục đích có sân chơi cho anh em chuyển giới chia sẻ, tâm sự cùng nhau, cung cấp kiến thức xoay quanh các nhu cầu của người chuyển giới nam (như y tế, công khai, việc làm, ăn mặc…). Đến nay nhóm đã có được sự tham gia của hơn 3000 thành viên chuyển giới nam trên toàn quốc. Nhóm đã phát triển thành tổ chức từ năm 2016, thành nơi tin cậy để các bạn tìm hiểu về bản thân. Hiện tại kết nối, xây dựng danh sách hỗ trợ nhu cầu, ví dụ như các phòng khám thân thiện cho cộng đồng, các bạn điều dưỡng, nhà ở thân thiện hay việc làm… Hỗ trợ mạnh mẽ trong việc góp ý luật chuyển đổi giới tính để cộng đồng nhanh chóng được thực hành những quyền mà họ nên có từ rất lâu rồi.
+ Các transman có thể công khai giới tính thật nhưng lại xuất hiện trầm lặng nên cộng đồng không chú ý, phần vì ngoại hình dễ “ẩn”, phần vì các công việc ít ở lĩnh vực nghệ thuật như chuyển giới nữ.
- Đây là một vấn đề nan giải mà cộng đồng và tổ chức của mình cũng có nhìn nhận thấy. Khó khăn tìm hiểu về mình, sự kết nối xung quanh, nhất là ở những tỉnh thành nhỏ... Mình cũng cố gắng kết nối với những tổ chức khác để cùng nâng cao sự hiện diện cho cộng đồng chuyển giới nam ở các lĩnh vực, nhất là nghiên cứu và truyền thông, để mọi người có cái nhìn cân bằng hơn ở cộng đồng người chuyển giới.
Bị từ chối, bị kì thị… phần lớn vẫn do định kiến cá nhân
+ Nhiều khi không hiểu người chuyển giới dẫn đến các việc bất bình bình đẳng giới cho các bạn. Bạn đứng đầu FTM, đang muốn truyền thông để cộng đồng xã hội hiểu về người chuyển giới, để công nhận quyền lợi cho các bạn như thế nào?
- Là người chuyển giới tại Việt Nam, ngoài việc đối mặt với áp lực xã hội vì kì thị, định kiến, phân biệt đối xử ra, cộng đồng cũng đối mặt với việc không được hưởng những quyền cơ bản của con người, dù luật thì dành cho mọi công dân. Ví dụ như người chuyển giới luôn gặp khó khăn trong việc giấy tờ hành chính, từ chối không cho làm giấy tờ, từ chối sử dụng dịch vụ công, thậm chí về mặt y tế, cấp cứu cũng bị từ chối chỉ vì lí do là người chuyển giới, hoặc ngoại hình không khớp giấy tờ. Chưa kể đến việc tỉ lệ cao cộng đồng chuyển giới bị bắt nạt tại trường học và bị từ chối việc làm, dẫn đến không có việc làm để ổn định cuộc sống. Về việc sau này can thiệp y tế riêng cho người chuyển giới như thế nào thì có thể đã có pháp luật xây dựng, nhưng những quyền cơ bản mà mình nêu trên thì phần lớn vẫn do định kiến cá nhân của từng người. Vì vậy nếu xã hội hiểu hơn về người chuyển giới và công nhận bình đẳng, thì cộng đồng người chuyển giới sẽ dễ dàng tiếp cận với quyền của mình hơn, để không còn bị kì thị, định kiến hay phân biệt đối xử trong cuộc sống thường ngày.
+ Bạn tham gia đóng góp cho dự thảo luật chuyển đổi giới tính, như yêu cầu phải phẫu thuật mới công nhận chuyển giới, nhất là với các bạn chuyển giới nam thì có dễ dàng để thực hiện không? (Vì tôi được biết, rất nhiều bạn chuyển giới nam không chọn phẫu thuật? Phẫu thuật nhiều bộ phận khá nguy hiểm…)
- Cộng đồng người chuyển giới mỗi người sẽ có một nhu cầu về y tế khác nhau, thậm chí có người không cần đến can thiệp y tế hoặc không đủ điều kiện để can thiệp y tế (điều kiện sức khỏe, kinh tế…). Tuy nhiên về tình hình chung các bạn trong cộng đồng chuyển giới nam vẫn có nhu cầu dùng hormone nhiều nhất, kế đến là nhu cầu phẫu thuật ngực, nhu cầu phẫu thuật phần dưới gần như là ít nhất vì có quá nhiều rủi ro và chi phí rất lớn. Mình mong luật sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu can thiệp y tế để được chuyển đổi giới tính trên giấy tờ của đa số các bạn trong cộng đồng chuyển giới.
Bạn bè ủng hộ, gia đình thì... chưa
+ Thời điểm hiện tại, bạn còn gặp rào cản khó khăn gì trong cuộc sống “thực” của mình không khi bạn là chuyên gia để đi tư vấn hỗ trợ các bạn khác?
- Mình may mắn là luôn có bạn bè xung quanh ủng hộ bản dạng giới là người chuyển giới của mình, tuy nhiên với gia đình thì chưa được như vậy. Mình và gia đình đã xa cách nhau gần 5 năm kể từ ngày mình bị phát hiện là người chuyển giới. Mình cũng đã từng gặp rất nhiều khó khăn về việc làm vì đa số họ đều từ chối sau khi nhìn giấy tờ của mình. Tuy nhiên mình đã cố gắng tiếp tục việc học và cũng dần có nhiều cơ hội việc làm ổn định hơn. Về vấn đề y tế, mình cũng bị… “kẹt” như bao bạn chuyển giới khác, khi mà bọn mình chưa có được một cơ sở y tế chính thống, an toàn để hỗ trợ dịch vụ cho người chuyển giới. Đa số bọn mình đều phải tìm kiếm những nguồn thuốc từ nước ngoài và các bạn điều dưỡng giấu tên để có thể dùng thuốc một cách an toàn. Phẫu thuật thì khó khăn hơn rất nhiều, với những bạn không có điều kiện sang nước ngoài và phẫu thuật “chui” tại Việt Nam như mình thì luôn phải thấp thỏm lo lắng, vì nếu có chuyện gì thì bọn mình cũng không thể kiện hay đòi lại quyền lợi. Bản thân mình cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc giấy tờ với dịch vụ công. Tuy nhiên những khó khăn đó lại chính là động lực, là ngọn lửa cho mình phát triển tổ chức và con đường hoạt động xã hội này, vì mình muốn những sự khó khăn, những bất công này sẽ thuyên giảm…
+ Bạn thật sự yêu thích công việc hiện tại mình đang làm, tuy nhiên ban đầu có phải vì bạn là người chuyển giới bạn không dễ xin việc khác hay không?
- Bên cạn công việc cho cộng đồng không vì lợi nhuận, mình luôn song song làm thêm những việc khác để duy trì cuộc sống. Mình bắt đầu không phải do mình không có công việc nào khác. Mình bắt đầu với tổ chức của mình và ngày càng yêu mến công việc này hơn vì mình đã gặp quá nhiều những sự kì thị, định kiến không chỉ với mình mà với cả bạn bè, anh chị em xung quanh, và mình tin rằng mình sẽ một phần nào đó giúp đỡ nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội nói chung, để góp phần thay đổi xã hội theo một hướng tích cực hơn và bình đẳng hơn cho người chuyển giới nói riêng và LGBT nói chung.
+ Sau một quảng thời gian hoạt động vì cộng đồng chuyển giới, bạn thấy hiệu quả của nó cũng như sự thay đổi của chính những người trong cuộc như thế nào?
- Với riêng cộng đồng người chuyển giới nam, trước đây mọi người vẫn thường có khá nhiều thiếu sót, trong việc hiểu mình là ai (đồng tính khác gì chuyển giới, chuyển giới không nhất thiết phải can thiệp y tế…), thực hiện nhu cầu y tế thiếu an toàn, thiếu sự hiện diện, thiếu nơi an toàn để chia sẻ, ít kết nối giữa các bạn cộng đồng với nhau… Sau khi mình nhìn thấy được sự thay đổi của xã hội từ công việc của những người anh chị đi trước làm về LGBT, xã hội trở nên thoáng hơn, nhiều người công khai hơn, nhiều người ủng hộ hơn, nó thôi thúc để mình có động lực gầy dựng tổ chức và các hoạt động. Đến nay mọi người cũng đã quen dần với sự hiện diện của nhóm cộng đồng chuyển giới nam, hay trong cộng đồng cũng đã có những sân chơi để cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu nhu cầu y tế một cách an toàn và có qui trình hơn, hiểu mình là ai và thoải mái với bản thân mình hơn, lại còn rất nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau.
+ 5 năm xa gia đình, cảm giác của bạn có hay khóc như nhiều bạn chuyển giới nữ khi nhắc về gia đình không?
- Người ta thường nghĩ mỗi năm trôi qua đi, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng bớt, mình sẽ quên đi bớt và sẽ vơi bớt nỗi buồn. Nhưng với mình thì không cảm thấy như vậy, vì nỗi buồn và sự tổn thương vẫn luôn còn rõ như mọi chuyện mới xảy ra. Nhất là mỗi khi tết hay những ngày lễ đến, khi mọi người có nơi để quay về, quay quần ấm cúng cùng gia đình, còn mình thì lẻ loi một mình, cảm giác lúc đó rất cô đơn. Mỗi lần kể lại chuyện gia đình, dù đã 4 năm trôi qua, mình vẫn thường hay bị xúc động mạnh, vì thế mình cũng rất ít khi nhắc đến chuyện gia đình, một vấn đề vô cùng nhạy cảm với bản thân. Tuy nhiên mình cũng hay tự động viên rằng mình tuy cô đơn, nhưng không cô độc, không một mình, mọi người cộng đồng vẫn còn bên cạnh, còn bạn bè động viên, còn chính việc hoạt động xã hội này giúp đỡ mọi người, để được nhìn thấy nụ cười của mọi người và chính mình, đó là động lực giúp tôi sống từng ngày.
Minh Minh (Thực hiện)