Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư với thị trường quốc tế: Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang “lép vế”

Thứ năm, 30/07/2020 11:05 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ đang phát triển như Việt Nam, việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước trên thế giới được xem là “bí quyết” nhanh nhất để thành công.

Thế nhưng, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu các kỹ năng xây dựng hồ sơ chuẩn quốc tế, quá trình đàm phán, triển khai các thỏa thuận hợp tác... do đó thường “lép vế” trước các đối tác nước ngoài.

Những năm gần đây, Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA, đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), giúp mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao thương, chuyển giao công nghệ, đầu tư quốc tế cho doanh nghiệp.

Báo Công luận

Nhờ các FTA này, Việt Nam kỳ vọng sẽ dần nâng cao được năng lực công nghệ trong nước, cũng như thành công trong việc chuyển giao thành công các công nghệ và mô hình tiên tiến của nước ngoài vào Việt Nam. Thế nhưng thực tế hiện nay là quá trình xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm - Phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA, thì đây chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Bằng chứng là thời gian qua có nhiều hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam. Điều này cũng mở ra cơ hội hợp tác giao thương, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tranh thủ các nguồn lực về công nghệ, tài chính cũng như cơ hội từ thị trường để phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trương kinh tế.

Như trường hợp của Công ty CP Vi sinh Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hiện đang làm chủ nhiều công nghệ sản xuất các chế phẩm vi sinh như: chế phẩm vi sinh cải tạo đất, khử mùi hôi, làm sạch môi trường, làm phân hữu cơ sinh học…

Theo ông Phạm Xuân Đại - Chủ tịch HĐQT Công ty, doanh nghiệp không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến thị trường quốc tế. Nhiều hoạt động xúc tiến hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác đã được doanh nghiệp này tiến hành trong thời gian qua, qua đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, quá trình chuyển giao công nghệ, kết nối với thị trường quốc tế gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục pháp lý, hồ sơ đàm phán, phương thức chuyển giao… và rất cần nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn, kết nối trung gian.

Đây cũng là vấn đề của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập, thường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối mở rộng thị trường quốc tế.

Ông Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc VKBIA chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quen nhiều với quản trị doanh nghiệp lớn, chưa quen đàm phán với các đối tác lớn nên hay rơi vào trạng thái lép vế. Còn ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, các bộ ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội cần triển khai các biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và cần phát huy vai trò của mình là trở thành cầu nối cho doanh nghiệp tiếp cận với quốc tế.

Theo các chuyên gia, các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ đang phát triển đều coi trọng việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước trên thế giới và đó chính là “bí quyết” nhanh nhất để thành công. Tuy vậy, cũng có một thực tế là khi tiến hành chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối với thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt thường “lép vế” trước các đối tác nước ngoài, do thiếu các kỹ năng xây dựng hồ sơ chuẩn quốc tế, quá trình đàm phán, triển khai các thỏa thuận hợp tác gặp nhiều khó khăn do thiếu các thông tin hoặc không am hiểu…

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp một số khó khăn trong quá trình chuyển giao công nghệ khi đây là lĩnh vực đặc thù, cần có chuyên gia thẩm định mới có thể đánh giá được. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin công nghệ, lựa chọn công nghệ phù hợp tại thị trường quốc tế cũng là một vấn đề nan giải với các doanh nghiệp. Cùng với đó là hiện nay hầu hết doanh nghiệp Việt đều chưa nâng cao ý thức trong việc liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất…

Tất cả đã tạo thành rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các bộ, ngành cần phải có giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức trong quá trình chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối với thị trường quốc tế.

Báo Công luận

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ KH&CN đã xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, trong đó có nội dung hỗ trợ xúc tiến, tìm kiếm chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Thông qua đó giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận với các thông tin công nghệ, tiếp cận với các nhà cung ứng công nghệ trên thị trường. Đồng thời sẽ hỗ trợ hình thành các sàn giao dịch công nghệ; tăng năng lực cho các tổ chức trung gian làm nhiệm vụ môi giới tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thẩm định, định giá công nghệ và đàm phán với các tập đoàn công nghệ, qua đó tạo ra phương án hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ một cách phù hợp.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng có nhiều chương trình khác, thông qua các dự án quốc tế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác thông tin… có các chuyên gia cùng doanh nghiệp xây dựng các phương án hợp tác phù hợp với đặc thù của các lĩnh vực và sẽ hỗ trợ cho đến khi quá trình thương thảo được triển khai trong thực tế. Thông qua đó, Bộ KH&CN mong muốn việc hỗ trợ sẽ đi sâu vào từng trường hợp cụ thể, gắn với một số chuỗi ngành hàng đang có lợi thế về xuất khẩu, từng bước tạo dựng mô hình phát triển, nâng cao năng lực kết nối thị trường công nghệ và đặc biệt tạo ra những điểm sáng trong mô hình chuyển giao công nghệ theo phương án mới.

Hiện nay, thị trường công nghệ ở Việt Nam được nhận định là có nhiều tiềm năng khi có hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang sản xuất, cũng đồng nghĩa với việc có ngần ấy doanh nghiệp đều cần công nghệ để đổi mới sáng tạo trong từng sản phẩm. Đưa hoạt động KH&CN tiếp cận với quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức thì rất cần đến các đơn vị trung gian kết nối, hỗ trợ để quá trình chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường được thuận lợi.

Minh Quân

Tin khác

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

(CLO) Ngày 26/4/2024, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã họp thường niên, thông qua kết quả năm 2023 và kế hoạch năm 2024 với mục tiêu “Tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số” cùng với kỳ vọng tái cơ cấu thành công trước thời hạn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

(CLO) Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên bằng hình thức trực tuyến. Năm 2024, Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%.

Thị trường - Doanh nghiệp
Gạo Việt Nam tiếp thục 'thăng hạng', xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

Gạo Việt Nam tiếp thục "thăng hạng", xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

(CLO) Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Viêt Nam tăng trưởng 2 con số ở cả về lượng, kim ngạch và giá bán, đồng thời tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.

Thị trường - Doanh nghiệp
UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

(CLO) Việc UDIC được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024, tiếp tục khẳng định sự nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nội lực, biến thách thức thành cơ hội...

Thị trường - Doanh nghiệp
ĐHCĐ Cen Land (CRE) 2024: Mảng kinh doanh mới sẽ mang lại doanh thu

ĐHCĐ Cen Land (CRE) 2024: Mảng kinh doanh mới sẽ mang lại doanh thu

(CLO) Ngày 25/4, Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ Cen Land (CRE) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp