Chuyện người cán bộ công an nặng lòng với kỷ vật chiến tranh

Thứ bảy, 27/04/2024 10:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hàng ngàn hiện vật quý giá về một thời “mưa bom bão đạn” đã được Thượng tá công an Đào Hà dày công sưu tầm, lưu giữ. Nhưng Đào Hà không dành bộ sưu tập đó cho riêng mình, ông mong muốn chúng mang đến những giá trị văn hóa, lịch sử cho cộng đồng.

Lẳng lặng… với ký ức

Những ngày tháng tư này Thượng tá Đào Hà khá bận rộn, dù ông đã về hưu ngót chục năm. Ngoài công việc kinh doanh xe cổ hằng ngày, ông còn tham gia vào một dự án làm phim và dành nhiều thời gian tiếp, làm việc với các phóng viên báo chí. Nguyên do sự “nổi tiếng” này của ông Hà đến từ bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh khá đồ sộ mà ông mất nhiều năm gây dựng.

Nói về “cơ duyên” đến với công việc sưu tập những đồ vật gắn với hai cuộc kháng chiến, Thượng tá Đào Hà kể lại, ông là người con của quê hương Hà Tây cũ và tham gia sinh hoạt trong CLB văn nghệ sĩ Xứ Đoài. Trong một lần đến chơi nhà họa sĩ Phan Kế An, ông tình cờ được chứng kiến một vị khách người Đan Mạch năn nỉ hỏi mua một chiếc mũ sắt của lính Pháp trong chiến tranh Việt Nam. Lúc ấy trong nhà cố họa sĩ Phan Kế An có treo hai chiếc mũ sắt, trong đó một chiếc đã bị đạn xuyên thủng. Lạ là khi được cụ An đồng ý bán, ông khách ngoại quốc không lấy chiếc mũ lành lặn hơn mà chọn chiếc mũ đã bị thủng. Giá vị khách tự đưa ra khiến cả cụ An và ông Hà đều… choáng, bởi 1.000 USD là số tiền rất lớn lúc bấy giờ.

chuyen nguoi can bo cong an nang long voi ky vat chien tranh hinh 1

Thượng tá Đào Hà chia sẻ về hiện vật là chiếc mũ cối của liệt sỹ Nguyễn Văn Cường.

“Lúc đó tôi mới để ý rằng, những hiện vật chiến tranh ở ta còn nhiều lắm nhưng ít người hiểu được giá trị của chúng. Và thế là tôi bắt đầu đi tìm sưu tầm các món đồ từ thời chiến một cách bài bản” - ông Đào Hà nhớ lại.

Thời gian qua đi, bộ sưu tập của Thượng tá Đào Hà ngày càng dày lên. Mặc dù khá bận rộn với công việc của một sĩ quan công an, nhưng Đào Hà vẫn bỏ công lân la ở các chợ đồ cổ, rồi tranh thủ lúc họp hành hay đi công tác cũng thường để ý, dò hỏi có ai bán những loại đồ xưa cũ này không. Đến khi ông chuyển đổi khu xưởng may cũ 1.500 m2 ở Đại Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) làm nhà kho chứa và trưng bày thì nơi đây chính là địa điểm tiếp nhận, thu mua đồ cũ, đồ cổ. Hễ ai có món đồ nào cũng nghĩ ngay đến Đào Hà và ưu tiên đưa đến cho ông.

Đến nay, chưa kể những loại đồ cổ khác, chỉ riêng những món đồ liên quan đến chiến tranh, Đào Hà đã có trong kho khoảng trên dưới 6.000 hiện vật. Trong số này, phần lớn là đồ dùng, khí tài của bộ đội ta trong thời kỳ chống Mỹ, của quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trong bộ sưu tập la liệt những bi đông, hòm đạn, vỏ đạn, vỏ bom, mũ sắt, bánh máy bay, đồ lặn của lính Mỹ, tăng, dù, mũ cối, xác ngư lôi, điện thoại dã chiến… Đào Hà “khoe” rằng, bộ sưu tập của ông có “đủ” các binh chủng hải, lục, không quân thời kỳ chống Mỹ.

chuyen nguoi can bo cong an nang long voi ky vat chien tranh hinh 2

Những chiếc bát sắt tráng men - đồ dùng quen thuộc của bộ đội thời chống Mỹ.

Trong số cả nghìn hiện vật, có hai thứ mà Thượng tá Hà ông cảm thấy quý giá nhất. Cầm trên tay chiếc mũ cối đã ngả màu thời gian, ông Hà cho biết, đây là hiện vật của liệt sỹ Nguyễn Văn Cường, quê huyện Vũ Thư, Thái Bình. Anh Cường hy sinh năm 1968, khi đang lái xe trên đường Trường Sơn. Chiếc mũ được một người vốn là đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường trao lại, do người này tuổi đã cao, không có điều kiện lưu giữ.

“Còn đây là chiếc thắt lưng của liệt sỹ Đào Văn Khoa, chú họ tôi. Liệt sỹ Khoa hy sinh năm 1973 trên đèo Ngang. Những di vật này do anh em trong đơn vị của liệt sĩ Khoa mang về cho gia đình và gia đình đã giao nó cho tôi”. Thượng tá Đào Hà nói và cho biết thêm, ông cũng nhận được nhiều kỷ vật, di vật chiến tranh từ các cựu chiến binh. Họ giao những hiện vật quý này cho ông với sự tin tưởng những kỷ vật đó được lưu giữ và thế hệ sau sẽ biết được những khó khăn gian khổ và sự dũng cảm của những người lính thời chống Mỹ.

“Nhiều người nghĩ tôi khùng nhưng tôi cứ lẳng lặng với công việc của mình thôi. Trong cuộc sống, có thể người ta vô tình không để ý đến những thứ xưa cũ nữa. Nhưng hiện vật chiến tranh là sự thật, là minh chứng về quá khứ hào hùng của dân tộc” - ông Hà chia sẻ.

Biết đến bộ sưu tập “khủng” của Đào Hà, nhiều đoàn làm phim, nhiều bảo tàng đã đến Đại Phùng tìm những hiện vật cũ để làm đạo cụ, để trưng bày. Ông luôn sẵn lòng cho mượn những món đồ quý mà không bao giờ tính phí. Ông cũng đã tặng nhiều hiện vật cho Bảo tàng Điện Biên Phủ và một vài đơn vị khác.

Ước mơ một bảo tàng miễn phí

Giờ đây, đã có trong kho khối hiện vật đồ sộ nhưng Thượng tá Hà cho biết, ông vẫn tiếp tục công việc sưu tầm để làm phong phú thêm bộ sưu tập. Ông cũng bày tỏ sự trăn trở khi công việc bảo quản, phát huy giá trị của những hiện vật quý này vẫn chưa được như mong muốn. Đó là, dù nhiều người vẫn gọi khu nhà vườn của ông Hà là “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” nhưng việc bảo quản, gìn giữ còn sơ sài, chưa đảm bảo điều kiện bảo quản về nhiệt độ, độ ẩm; thiếu phương tiện kệ giá phù hợp cho việc sắp xếp hiện vật… Các hiện vật ở đây đang phải chịu áp lực hư hỏng, xuống cấp theo thời gian. Do vậy, dự định của ông là sẽ buôn bán đồ cũ để kiếm thêm tiền, nhằm xây dựng bảo tàng một cách bài bản.

chuyen nguoi can bo cong an nang long voi ky vat chien tranh hinh 3

Hằng ngày Thượng tá Đào Hà vẫn làm công việc kinh doanh buôn bán xe đạp cổ.

“Vừa rồi anh Bài (TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) có nói với tôi rằng, nếu cần anh ấy sẽ nói với các anh bên quân đội giúp cho xây dựng quy hoạch, thiết kế và làm hồ sơ xin thành lập bảo tàng tư nhân để đi vào hoạt động chính quy. Tôi nghĩ điều này rất cần thiết và cũng khá thuận lợi vì mình đã có cái ruột là hiện vật rồi, đất cũng có rồi” - ông Hà lạc quan.

Thượng tá Hà chia sẻ thêm, dự định của ông là sau khi hoàn thiện không gian đúng nghĩa với hoạt động bảo tàng, ông sẽ bố trí trưng bày theo ba chủ đề chính. Chủ đề đầu tiên là văn hóa Việt. Ở đó trưng bày từ cái ấm đồng, ống nhổ trầu cho đến những nồi cơm, mâm gỗ, cân quả tạ… cùng tranh ảnh văn hóa dân gian, các lễ hội vùng miền. Chủ đề thứ hai là các hiện vật về mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước XHCN trước đây. Tại không gian này trưng bày những chiếc xe đạp, xe máy, quạt, nồi áp suất của Liên Xô và các nước Đông Âu…

Chủ đề cuối cùng, cũng là điều được ông quan tâm nhiều nhất, đó là khu trưng bày những chứng tích chiến tranh. Ở đây sẽ bao gồm tất cả những hiện vật liên quan đến các cuộc kháng chiến của dân tộc mà ông đã dày công sưu tầm suốt hơn 10 năm qua. Các kỷ vật cũng được tách ra theo từng binh chủng như: Tăng thiết giáp, bộ binh, pháo binh cho đến trang phục quân đội, giày, dép.

“Kế hoạch của tôi là sang năm 2025 sẽ bắt tay vào xây dựng nhà bảo tàng. Sẽ cố gắng làm nhanh nhất có thể, đồng thời mở rộng thêm quy mô của gian trưng bày và sắp xếp lại toàn bộ hiện vật khoa học hơn. Đó là kế hoạch lớn của đời tôi là thực hiện ước mơ một bảo tàng chứng tích chiến tranh tư nhân để ai cũng được tham quan miễn phí” - Thượng tá Đào Hà tiết lộ.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Khởi động cuộc thi vẽ 'UOB Painting of the Year' năm thứ hai

Khởi động cuộc thi vẽ 'UOB Painting of the Year' năm thứ hai

(CLO) Cuộc thi vẽ “UOB Painting of the Year” là một trong những cuộc thi nghệ thuật uy tín nhất ở Đông Nam Á, với tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 1,2 tỷ đồng.

Đời sống văn hóa
Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch xử lý vụ việc Đàm Vĩnh Hưng đeo huy hiệu 'lạ'

Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch xử lý vụ việc Đàm Vĩnh Hưng đeo huy hiệu 'lạ'

(CLO) Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM xem xét, xử lý vụ việc Đàm Vĩnh Hưng gắn huy hiệu “lạ” trong show diễn "Ngày em thắp sao trời".

Đời sống văn hóa
Yêu cầu thẩm định lại 'Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian' của Ocean Vuong

Yêu cầu thẩm định lại 'Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian' của Ocean Vuong

(CLO) Ngày 7/5, nguồn tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết đã xác nhận với báo chí về việc việc cơ quan này đã gửi văn bản đề nghị Nhà xuất bản (NXB) Hội nhà văn thẩm định lại nội dung cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của Ocean Vuong. Trong khoảng 10 ngày, NXB sẽ gửi lại báo cáo về các vấn đề xoay quanh nội dung sách.

Đời sống văn hóa
Phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế”

Phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế”

(CLO) Ngày 7/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thống 60 năm BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế” và cuộc thi ảnh “Tự hào biên giới, biển đảo quê hương Thừa Thiên Huế” năm 2024.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc chương trình nghệ thuật 'Hà Nội niềm tin và hy vọng'

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Hà Nội niềm tin và hy vọng"

(CLO) Ngày 7/5, quận Đống Đa, Hà Nội tổ chức Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Hà Nội niềm tin và hy vọng” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).

Đời sống văn hóa