Các hiện vật trưng bày được sắp xếp theo các chủ đề từ thời tiền sử đến thời kỳ phong kiến tại Việt Nam.
Rìu tay khai quật tại Núi Đọ, Thanh Hoá Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia
Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam tập trung giới thiệu những hiện vật điển hình của một số di tích khảo cổ học tiền sử tiêu biểu thuộc các loại hình, như công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm… được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng ở Việt Nam.
Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam với ba trung tâm văn hoá lớn là văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam.
Văn hoá Đông Sơn là nền văn hóa thời đại kim khí, có nguồn gốc bản địa, hội tụ và phát triển trực tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở 3 lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Lam ở miền Bắc Việt Nam.
Các hiện vật được trưng bày theo chủ đề này gồm vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai chất liệu đá thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu; trống đồng Sao vàng - Thanh Hóa, thạp đồng, chuông đồng thuộc văn hóa Đông Sơn; rìu đồng gót vuông, qua đồng, mũi tên đồng, lưỡi cày đồng, mai, cuốc, lưỡi hái…
Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba trung tâm văn hoá khảo cổ thời đại kim khí Việt Nam.
Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa bản địa tồn tại kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt (cách ngày nay khoảng 3.000 - 2.000 năm).
Các hiện vật được trưng bày tại đây gồm chuỗi hạt bằng thủy tinh tìm thấy tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi; mộ chum có nắp khai quật tại di chỉ Đồng Cườm, Bình Định; đèn gốm, hạt chuỗi bằng thủy tinh…
Khu vực trưng bày Văn hóa Đồng Nai sẽ giới thiệu một số hiện vật như nhóm hiện vật di tích Giồng Cá Vồ năm 1994 (gồm vòng tay, khuyên tai hai đầu thú bằng đá, mã não và thủy tinh), các loại hạt chuỗi, nhẫn, lá vàng là những hiện vật bằng vàng sớm nhất ở Việt Nam, các loại đồ gốm như nồi, cà ràng (chân kiềng), nhóm hiện vật di tích Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhóm hiện vật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An).
Trưng bày cũng giới thiệu một số trống đồng Đông Sơn phát hiện tại Phú Chánh - Bình Dương, thể hiện sự giao lưu rộng rãi giữa các trung tâm văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam.
Phần khảo cổ học lịch sử sẽ giới thiệu đến công chúng nhiều báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công Nguyên cùng các nền văn hoá như:
Văn hoá Chăm Pa và di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn với các tác phẩm điêu khắc đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu - Quảng Nam, Tháp Mẫm - Bình Định như sư tử đá, Garuda, asura sinh ra từ miệng Makara, phù điêu tu sĩ, bia Ponaga…
Văn hóa Óc Eo - Phù Nam với một số nhẫn vàng, mảnh vàng trang trí vishu, mảnh vàng trang trí mặt trời… có niên đại thế kỷ 3 - thế kỷ 6.
Phần trưng bày báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến sẽ giới thiệu những hiện vật là những dấu tích thành cổ như: ngói trang trí uyên ương (Hoa Lư - Ninh Bình), gạch xây thành…
Trưng bày khảo cổ học lần này còn giới thiệu những hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)…
Đợt trưng bày khảo cổ học lần này được tổ chức nhằm giới thiệu những thành tựu của các nhà khảo cổ học Việt Nam trong 60 năm qua, đặc biệt là những kết quả của sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức. Qua đó, Ban tổ chức mong muốn thông qua các hiện vật trưng bày sẽ giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm những giá trị lịch sử văn hoá của các nền văn hóa cổ ở Việt Nam.
Trưng bày sẽ kéo dài đến tháng 7-2018.
P.V